Gia Lai: Hàng loạt trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm, trách nhiệm thuộc về ai?
Gia Lai: Hàng loạt trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm, trách nhiệm thuộc về ai?
Thời gian qua, hàng trăm hộ dân tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) phải chịu đựng mùi hôi thối phát ra từ các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn, khiến bà con nơi đây vô cùng bức xúc.
Theo thống kê, huyện Chư Prông là địa bàn có nhiều dự án chăn nuôi heo hoạt động. Riêng trên địa bàn xã Ia Piơr hiện có 14 dự án trang trại chăn nuôi heo đăng ký xây dựng. Trong đó có 3 trang trại đã đi vào hoạt động gồm: trang trại Nguyên Bảo, quy mô 24.000 con lợn thịt; trang trại Thuận Duyên 2, quy mô 1.200 con lợn nái; trang trại Ia Piơr Tân, quy mô hơn 2.200 con lợn nái; còn các dự án khác thì đang trong quá xây dựng hoàn thiện hoặc chờ phê duyệt chủ trương đầu tư.
Mùi hôi thối nồng nặc bủa vây khu dân cư
Nhiều người dân tại xã Ia Piơr, huyện Chư Prông bức xúc phản ánh đến PV Môi trường và Đô thị Việt Nam về tình trạng các trang trại chăn nuôi heo tại đây sau khi đi vào hoạt động đã phát sinh mùi hôi thối nồng nặc, gây ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn.
Anh Lê Quốc Dũng, làng Phung, xã Ia Piơr bức xúc cho biết: Gần 3 tháng nay, từ sau khi các trang trại chăn nuôi heo tại đây bắt đầu hoạt động thì cuộc sống của gia đình tôi và bà con xung quanh hoàn toàn bị đảo lộn. Nhà tôi nằm gần trang trại Ia Piơr Tân nên mùi hôi thối ngày đêm thốc vào nhà, càng về đêm mùi hôi thối càng không thể tả được. Chúng tôi không hiểu phía chủ trang trại xử lý kiểu gì mà mùi hôi thối rất kinh khủng, kéo theo là vô số ruồi, muỗi, nhặng bay khắp nơi. Lúc ăn cơm, vì ruồi nhặng bay khắp nhà nên gia đình phải giăng mùng lên rồi vào bên trong để ăn. Mới chỉ 3 tháng nay mà đã như thế này thì không biết sau này gia đình chúng tôi sẽ sống ra sao.
Anh Dũng cho biết thêm, vì nhà gần trang trại Ia Piơr Tân mỗi khi trời mưa thường xuyên thấy cảnh, nước có màu đen từ bên trong trang trại chảy ra đường dân sinh và đổ vào đất trồng trọt của người dân cạnh đó.
Mùi hôi thối nồng nặc phát ra từ phía trang trại Ia Piơr Tân khiến người dân làng Phung, xã Ia Piơr vô cùng bức xúc.
Người dân tại thôn Đoàn Kết dù cách trang trại chăn nuôi heo Nguyên Bảo khoảng 1,5km nhưng mùi hôi thối vẫn bủa vây gia đình cả ngày lẫn đêm.
Người dân nơi đây phản ánh, mỗi khi trời mưa, nước thải từ bên trong trang trại Ia Piơr Tân chảy ra đường dân sinh và đổ vào đất trồng trọt của người dân cạnh đó.
Khu vực xử lý nước thải của trại Ia Piơr Tân.
Chung hoàn cảnh, căn nhà anh Trần Văn Xuân, thôn Đoàn Kết dù cách trang trại chăn nuôi heo Nguyên Bảo khoảng 1,5km nhưng mùi hôi thối vẫn bủa vây gia đình cả ngày lẫn đêm. Nhà có con nhỏ và người già nên không thể chịu đựng được mùi hôi thối này thêm nữa. Gia đình đang tính gửi con về bên ngoại ở xã khác để các cháu đỡ phải chịu đựng mùi hôi thối này trước khi tình trạng ô nhiễm này được xử lý.
Thời gian này trời đang nắng gắt và khô hạn, nên mùi hôi càng bốc lên nồng nặc. Người dân nơi đây lo ngại, nguồn nước tại đây có thể bị ô nhiễm do nước thải từ các trang trại này chảy tràn ra đất trong thời gian dài. Bà con đã nhiều lần phản ánh, ý kiến lên chính quyền địa phương về tình trạng này nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Người dân tại thôn Đoàn Kết dù cách trang trại chăn nuôi heo Nguyên Bảo khoảng 1,5km nhưng mùi hôi thối vẫn bủa vây gia đình cả ngày lẫn đêm.
“Nên dừng lại để đánh giá mặt ưu mặt nhược rồi hãy tiếp tục triển khai”
Theo ghi nhận của PV, 4 trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn xã Ia Piơr nằm gần nhau, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc nghiêm trọng nhất là trang trại Nguyên Bảo và Ia Piơr Tân. Các trang trại này nằm cách khu dân cư khoảng 1km, nên mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến người dân bị ảnh hưởng.
Trong quá trình ghi nhận tại trang trại Thuận Duyên, nhóm PV bắt gặp được hình ảnh, dòng nước màu vàng từ bên trong trang trại chảy thành dòng vào đất trồng trọt của người dân gần đó.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Tiến Chủ tịch xã Ia Piơr cho biết: Những phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi heo trên địa bàn xã là hoàn toàn đúng. Hiện xã có 14 dự án trang trại chăn nuôi heo đăng ký xây dựng. Đối với 4 trang trại đi vào hoạt động thử nghiệm là Minh Thiện I, Nguyên Bảo, Thuận Duyên, Ia Piơr Tân. Vấn đề ô nhiễm bốc mùi hôi thối của các trang trại heo đã gây ảnh hưởng đến người dân rất nhiều, nhất là về đêm mùi bốc lên rất nặng. Khu vực ảnh hưởng nặng nhất là người dân quanh khu vực thôn Đoàn Kết, Yên Hưng, làng Phung, người dân có những ngày không mở cửa được phải đóng kín cửa. Xã cũng đã mời các chủ trang trại lên làm việc rất nhiều lần, các trang trại đều cam kết sẽ khắc phục.
Ông Tiến cho biết thêm: Từ khi các trang trại hoạt động có rất nhiều người dân phản ánh đến chính quyền xã về vấn đề mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường và đảo lộn cuộc sống người dân. Xã đã báo cáo lên cấp trên và Tỉnh cũng đã lập đoàn đi kiểm tra nhưng vẫn chưa có kết quả. Hiện cả 4 trang trại vẫn chưa có hệ thống xử lý chất đồng bộ thải nên rất lo ngại, sắp đến tâm điểm mùa mưa thì sẽ xảy ra vấn đề xả tràn ra môi trường.
“Tại các cuộc họp với cấp trên tôi đều đề xuất nên dừng lại để đánh giá mặt ưu mặt nhược của các trang trại chăn nuôi heo rồi hãy tiếp tục triển khai tiếp tục” ông Bùi Văn Tiến – Chủ tịch xã Ia Piơr nói.
Để có đánh giá tổng quát và phương án xử lý về tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân trên địa bàn xã nơi được tỉnh Gia Lai chọn triển khai dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn, PV đã tìm đến UBND huyện Chư Prông và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai, tại đây PV được đề nghị để lại nội dung làm việc và sẽ phản hồi trong thời gian tới.
Việc các trang trại chăn nuôi heo tại xã Ia Piơr đang trong quá trình hoạt động thử nghiệm, tuy nhiên tình trang ô nhiễm, hôi thối ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm hộ dân và sức khỏe của nhân dân trong vùng về lâu dài là đang hiện hữu. Nếu tình trạng ô nhiễm không được xử lý và cả 14 dự án cùng hoạt động với tình trạng tương tự thì sức khỏe, đời sống của nhân dân như thế nào?
Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị