Hoạt động tiêu chuẩn hóa – ‘đòn bẩy’ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội
Khi nền kinh tế Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập, yêu cầu của các thị trường nhập khẩu đối với sản phẩm, hàng hóa ngày càng khắt khe, từ đó càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn hóa đối với sự phát triển đất nước.
Trải qua thời gian, hạ tầng tiêu chuẩn hoá của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) đáp ứng yêu cầu cơ bản về phát triển sản xuất, kinh doanh và thương mại, đồng thời góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh do đòi hỏi của nền kinh tế – xã hội.
Tính đến nay, Bộ KH&CN đã công bố hơn 13.500 TCVN với tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, khu vực là 70%, đã bao trùm hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ quy tắc và quy định đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.
Trong đó, tiêu chuẩn là tài liệu kỹ thuật được tham chiếu và sử dụng rộng rãi trong các mối quan hệ của đời sống kinh tế – xã hội liên quan đến khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh, thương mại… Tiêu chuẩn thể hiện các yêu cầu, quy định đối với đối tượng tiêu chuẩn hoá liên quan và những yêu cầu, quy định đó thường được sử dụng làm các điều khoản được chấp nhận chung khi xác lập quan hệ giao dịch giữa các bên đối tác. Đặc biệt, khi có tranh chấp, tiêu chuẩn chính là cơ sở kỹ thuật cho việc thảo luận, giải quyết và tài phán.
Đối với người tiêu dùng, tiêu chuẩn giúp giảm bớt tốn kém về thời gian và tiền bạc khi quyết định lựa chọn sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ; là công cụ bảo vệ khi quyền lợi bị xâm phạm khi mua phải sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ kém chất lượng.
Đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn không chỉ mang lại các lợi ích nội tại như giảm chi phí sản xuất và nghiên cứu, giảm tỷ lệ sản phẩm phi tiêu chuẩn và mức độ rủi ro, tạo thuận lợi cho việc trao đổi thông tin,… mà còn mang lại lợi ích về cải thiện mối quan hệ với nhà cung cấp, nâng cao vị thế cạnh tranh, thúc đẩy sự hợp tác, liên kết trong sản xuất – kinh doanh; đảm bảo với khách hàng về sự phù hợp của sản phẩm với yêu cầu chất lượng…
TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng khẳng định vai trò quan trọng của hoạt động tiêu chuẩn hóa đối với sự phát triển đất nước trong mọi thời kỳ và luôn được xem là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Theo TS. Hà Minh Hiệp, hiện nay, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang xây dựng dự thảo Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030, trong đó, mục tiêu là phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa toàn diện, đồng bộ ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội, huy động sự tham gia của các chủ thể trong xã hội, đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia phục vụ việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, chiến lược của một số ngành, lĩnh vực trọng tâm của đất nước đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; lấy đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả áp dụng tiêu chuẩn. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế về tiêu chuẩn hóa đối với từng lĩnh vực cụ thể, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào công tác tiêu chuẩn hóa quốc tế; nâng cao vị thế của Việt Nam tại các tổ chức, diễn đàn tiêu chuẩn quốc tế, khu vực.
Thanh Tùng