Tranh cãi ở nhạc Việt nửa đầu năm 2023
Tranh cãi ở nhạc Việt nửa đầu năm 2023
Nhạc Việt nửa đầu năm nay chưa thực sự sôi động. Một số sản phẩm vẫn vướng tranh luận về vấn đề đạo nhạc và cách hát của ca sĩ.
Trong nửa đầu năm, đặc biệt một tháng qua, rất nhiều ca sĩ Việt phát hành sản phẩm mới. Sự trở lại của những ca sĩ có chỗ đứng vững chắc trong thị trường như Sơn Tùng, Bảo Anh, Văn Mai Hương, Erik… khiến công chúng háo hức mong đợi một “bữa tiệc âm nhạc” hoành tráng, đa dạng.
Tuy nhiên, sự kỳ vọng chưa hoàn toàn được thỏa mãn khi hầu hết ca sĩ chọn lối đi khá an toàn. Chưa kể, tranh cãi đạo nhạc, hát không rõ lời liên tục nổ ra.
Những màn trở lại
Được mong chờ nhất trong số những ca sĩ trở lại thời gian qua phải kể đến Sơn Tùng. Anh phát hành sản phẩm mới với tên gọi Making My Way và bày tỏ mong muốn tiến tới thị trường Âu Mỹ. Bởi thế, sự kỳ vọng càng tăng cao.
Making My Way thuộc thể loại reggaeton thịnh hành trên thế giới. Bài hát có giai điệu được nhận xét mới mẻ, cách phát triển thú vị. Nhờ thế, thành tích của sản phẩm khá tốt, thậm chí thăng tiến so với những sản phẩm trước đó của Sơn Tùng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng với Making My Way, Sơn Tùng đánh mất bản sắc.
Ca khúc không có đoạn hook hay chorus bắt tai, lặp đi lặp lại khiến khán giả “nghiện”, muốn nghe lại nhiều lần. Bởi thế, hiệu ứng bàn tàn trên mạng xã hội của Making My Way không bằng các ca khúc trước của nam ca sĩ.
Với Bảo Anh, Văn Mai Hương hay Erik – những ca sĩ phát hành sản phẩm ngay sau Sơn Tùng – họ đã có những sản phẩm mới mẻ so với chính họ nhưng xét theo thị trường thì vẫn còn nhiều tranh luận. Tranh luận là bởi cả ba trở lại với dòng nhạc pop, ballad vốn rất quen thuộc.
Đương nhiên, mỗi sản phẩm có cách triển khai khác nhau và pop, ballad vẫn rất được khán giả Việt ưa chuộng. Nhưng rõ ràng, các ca khúc chưa đủ đột phá và ấn tượng.
Bảo Anh trở lại với EP Không biết nên vui hay nên buồn gồm 4 ca khúc, trong đó bài hát chủ đề Cô ấy của anh ấy là ballad nhưng sáng tác trong không gian lofi và được viết theo nhịp 6/8 với hòa thanh đặc trưng của âm hưởng cổ điển. Bài hát khá nhẹ nhàng nhưng dễ bị hòa lẫn khi đặt chung các sản phẩm khác trong cùng EP nói riêng và thị trường nói chung.
Bảo Anh và Văn Mai Hương đối đầu khi phát hành sản phẩm mới cùng thời điểm.
Mưa tháng sáu của Văn Mai Hương cũng được sáng tác trên nền ballad nhưng mang hơi hướm R&B. Người lạ trong danh bạ mang màu sắc tương tự khi được Erik phát hành cùng ngày với Văn Mai Hương. Trong cuộc chiến với Văn Mai Hương, Erik và Liz Kim Cương đang khá yếu thế.
Hai sản phẩm được Đông Nhi ra mắt gần đây là Người ôm pháo hoa và Những tháng năm tươi đẹp mang tính chất tri ân người hâm mộ, đồng thời kỷ niệm 15 năm ra mắt của nữ ca sĩ. Bởi thế, một bài đơn giản, nhẹ nhàng để tạo bầu không khí thư giãn, còn bài kia gợi nhắc những giai điệu xưa cũ, thời còn hát teen pop của Đông Nhi. Do đó, đặt vào bối cảnh chung của thị trường, hai bài chưa đủ khác biệt dù vẫn được người hâm mộ đón nhận bởi ý nghĩa đặc biệt.
Tranh cãi đạo nhạc, hát không rõ lời
Một trong những lý do khiến Khó mở dễ đóng không được khán giả nhiệt tình đón nhận có lẽ là Liz Kim Cương hát không rõ lời. Đang thể hiện tiếng Việt nhưng ca sĩ phát âm lơ lớ và được nhận xét hát như người nước ngoài. Nhiều khán giả cho biết họ khó chịu vì không biết ca sĩ hát gì và phải xem phụ đề để hiểu nội dung bài hát.
Tình trạng hát không rõ lời gây tranh luận suốt thời gian qua. Nhiều khán giả cho rằng việc không rõ lời là khó tránh trong âm nhạc, đặc biệt bài hát tiết tấu nhanh. Tuy nhiên, hầu hết đồng tình ca sĩ không nên lạm dụng việc nuốt chữ, lướt qua, đãi giọng và cần cố gắng khắc phục hạn chế để việc trình bày rõ ràng nội dung, thông điệp bài hát hiệu quả hơn.
Ê-kíp của Phương Mỹ Chi giữ im lặng khi ca khúc vướng tranh luận.
Tuy nhiên ngoài Liz Kim Cương, nhiều ca sĩ phát hành sản phẩm thời gian gần đây vướng tranh cãi tương tự. Và vấn đề khác gây nhức nhối hơn cả ở thị trường là đạo nhạc.
Cả Making My Way, Cô ấy của anh ấy, Mưa tháng sáu hay trước đó là Vũ trụ của anh (Phương Mỹ Chi) đều vướng nghi vấn đạo nhạc. Trong đó, Making My Way được nhận xét có phần mở đầu giống ca khúc phát hành cách đây 6 năm của French Montana là Unforgettable. Còn với Vũ trụ có anh do DTAP sản xuất, khán giả bình luận phần hook của bài giống Cure For Me (Aurora).
Sơn Tùng, DTAP giữ im lặng khiến những khán giả thắc mắc chưa có được lời giải đáp. Kết quả là tranh luận, nghi vấn xung quanh những ca khúc do họ sáng tác vẫn kéo dài.
Trong khi đó, nhạc sĩ sáng tác Cô ấy của anh ấy và Mưa tháng sáu lập tức lên tiếng khi tranh cãi nổ ra. Khi Cô ấy của anh ấy được nhận xét giống bản nhạc Hoa lời Việt Năm tháng vội vã, Kai Đinh cho biết không phải bài hát nào mang giai điệu, màu sắc Á Đông hay có phần lời nhiều so sánh ẩn dụ cũng là “mượn” nhạc Hoa.
Với Mưa tháng sáu, nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền khẳng định ca khúc có tempo, giai điệu và tông hoàn toàn khác những bài hát được khán giả nhắc tới. Điểm chung của chúng chỉ vòng hòa thanh. Và vòng hòa thanh này cũng rất phổ biến.
Với vấn đề sao chép trong âm nhạc, tranh luận của khán giả không phải lúc nào cũng đúng và đòi hỏi sự tìm hiểu rõ ràng từ góc độ chuyên môn để có thể kết luận một ca khúc có đạo nhạc hay không.
Ngoài ra, như nhạc sĩ Bằng Cường từng trao đổi, tình trạng các ca khúc giống nhau xuất hiện liên tục còn xuất phát từ việc nhà sản xuất dùng chung beat, sample. Đây là xu hướng khá phổ biến ở không chỉ Việt Nam bất chấp nhiều chuyên gia cho rằng cách làm này quá công nghiệp, thậm chí dẫn đến “chai sạn” trong quá trình sáng tạo.