Đẩy mạnh thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, tạo vành đai bảo vệ sản xuất trong nước

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, hoạt động truy xuất nguồn gốc góp phần tạo nền tảng cho sản xuất và lưu thông hàng hoá, giúp doanh nghiệp đáp ứng quy định của quốc tế và quốc gia nhập khẩu, từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ cho doanh nghiệp.

Nhằm bắt kịp xu hướng phát triển và triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy và quy định về truy xuất nguồn gốc. Cụ thể, ngày 19/01/2019 Thủ tướng ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg, phê duyệt “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” nhằm xác định những nhiệm vụ cần triển khai để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế và bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy và quy định về truy xuất nguồn gốc nhằm bắt kịp xu hướng phát triển và triển khai truy xuất nguồn gốc trên thế giới. Ảnh minh họa.

Cùng với Đề án 100, Chính phủ, các cơ quan Bộ, ban ngành cũng đưa ra quy định đối với truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nói chung và truy xuất nguồn gốc chuỗi cung ứng nói riêng như Luật An toàn thực phẩm (2010), Luật Thủy sản (2017), Luật Chăn nuôi (2018), Luật trồng trọt (2018)… Một số văn bản, chính sách khác liên quan tới truy xuất nguồn gốc có thể kể đến như:

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều Thông tư về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP ngày 21/01/2022 bổ sung quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa vào Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc ban hành quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc giúp xác định nhiệm vụ cần triển khai và phân công trách nhiệm Bộ, ngành, địa phương và các bên liên quan trong quá trình quản lý và thực thi hoạt động truy xuất nguồn gốc. Cụ thể như sau:

Bộ Khoa học và Công nghệ giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; Hướng dẫn nâng cao năng lực kỹ thuật cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa chủ lực, phát triển kinh tế – xã hội của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực và địa phương; Quy định hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu; Quản lý sử dụng mã truy vết sản phẩm, mã truy vết địa điểm và vật mang dữ liệu; Quản lý tổ chức triển khai, thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý.

Tiếp đó, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý tổ chức triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tổ chức triển khai thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa tại địa phương. Đồng thời, căn cứ nhu cầu quản lý, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xác định sản phẩm, hàng hóa phải thực hiện truy xuất nguồn gốc và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ tiến trình đưa nhanh hoạt động truy xuất nguồn gốc vào sản xuất, kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đưa nội dung truy xuất nguồn gốc vào Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 (về việc phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030): “Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P), thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh” (Điều 1 – II-3-b) và “Hỗ trợ doanh nghiệp chứng nhận sản phẩm, hàng hóa, chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, môi trường, năng lượng, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và chứng nhận hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế (Điều 1 – II-3-d).

TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, việc ban hành các văn bản liên quan tới truy xuất nguồn gốc nói chung và truy xuất nguồn gốc thực phẩm nói riêng chính là tạo vành đai bảo vệ nền sản xuất trong nước, bảo vệ nhà cung cấp, bảo vệ người tiêu dùng và là công cụ hiệu quả cho Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết của mình.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích