Anh hùng Lao động, Nhà văn Sơn Tùng về với đất mẹ
Anh hùng Lao động, Nhà văn Sơn Tùng về với đất mẹ
Chiều 26/7, thi hài Nhà văn, Anh hùng Lao động Sơn Tùng được đưa về với đất mẹ Diễn Kim (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).
Nhà văn Sơn Tùng (sinh ngày 8/8/1928) tên thật là Bùi Sơn Tùng, quê làng Hoa Lũy, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Ông tham gia cách mạng từ năm 1944 (70 năm tuổi Đảng), lúc mới 16 tuổi, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở nhiều vai trò như phóng viên, tuyên truyền… Cuối năm 1967, ông được cử vào chiến trường miền Nam để thành lập Báo Thanh niên miền Nam. Ngày 15/4/1971, ông bị thương nặng (hạng 1/4) tại chiến trường miền Đông Nam Bộ, phải ra Bắc điều trị.
Anh hùng Lao động, nhà văn Sơn Tùng
Sau chiến tranh, ông là thương binh hạng 1/4, nửa người bên phải gần như bị liệt, bàn tay bị mất ba ngón, mắt phải chỉ còn 1/10 thị lực. Thế nhưng, dù là thương binh hạng nặng, sự nghiệp cầm bút của ông vẫn không bị hao mòn. Trong 36 năm, từ 1974 đến tháng 6/2010 – năm nhà văn bị tai biến, Sơn Tùng đã cho xuất bản hơn 20 cuốn sách dày dặn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, được bạn đọc trong cả nước yêu mến đón nhận. Đặc biệt, trong số tác phẩm đó có hơn một nửa là những sáng tạo về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo ưu tú, xuất sắc của Đảng. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011.
Chiều 26/7, linh cữu ông được đưa về đất mẹ
Nhà văn Sơn Tùng là nhà văn Việt Nam có nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa Việt Nam. Ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng lòng ngưỡng mộ, say mê và tôn thờ. Nhà văn Sơn Tùng dành cả cuộc đời của mình từ khi mới ngoài hai mươi tuổi đến năm hơn tám mươi tuổi để tìm hiểu về Bác.
Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là tiểu thuyết “Búp sen xanh” viết về Bác Hồ từ những ngày thơ ấu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước. Ra mắt lần đầu năm 1982, cho tới nay “Búp sen xanh” chỉ tính riêng Nhà xuất bản Kim Đồng đã 30 lần được tái bản và dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới.
“Búp sen xanh” – tác phẩm nổi tiếng nhất của Anh hùng Lao động, nhà văn Sơn Tùng
“Búp sen xanh” là kết tinh của lòng yêu kính vô bờ với vị lãnh tụ của dân tộc và quá trình điền dã bền bỉ, nghiên cứu tài liệu không mệt mỏi của nhà văn Sơn Tùng suốt mấy chục năm. Từ năm 1948, nhà văn Sơn Tùng đã đến gặp trực tiếp bà Thanh và ông Khiêm – là anh chị ruột của Bác, được gia đình cung cấp những tài liệu quý báu về cuộc đời, gia cảnh của Bác.
Sự ra đi của ông lấy đi nước mắt của biết bao người
Cho đến nay “Búp sen xanh” vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam kể lại một cách chân thực, cảm động và trọn vẹn từ Thời thơ ấu, Thời niên thiếu cho đến Tuổi hai mươi của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi bước chân xuống con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để ra đi tìm đường cứu nước.
Vợ của Anh hùng Lao động, nhà văn Sơn Tùng
Bên cạnh đó, nhà văn Sơn Tùng còn có nhiều tác phẩm văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngắn khác như “Bên khung cửa sổ” (1974), Nhớ nguồn (1975), Con người và con đường (1976), “Trần Phú” (1980″, “Lõm” (viết năm 1976, in lần đầu năm 1994), “Trái tim quả đất” (viết năm 1988, in lần đầu năm 1990), “Bác ở nơi đây” (2005)… Ông từng viết khoảng 100 bài thơ, trong đó có bài “Gửi em chiếc nón bài thơ”, được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc.