Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/5/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 30/5/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 30/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Đợt nắng nóng gay gắt sẽ kết thúc vào đầu tháng 6
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, nắng nóng quay trở lại Bắc Bộ từ ngày 29/5, đến ngày 30/5, nắng nóng mở rộng ra Trung Bộ.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho hay: “Đợt nắng nóng này có thể kéo dài tới ngày 1-2/6 ở Bắc Bộ và ngày 2-3/6 ở Trung Bộ. Tuy nhiên, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa”
Theo Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, ngày 30/5, phía Đông Bắc Bộ, ngày nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, chiều tối và đêm có mưa rào, dông vài nơi. Ngày 31/5, Bắc Bộ có nắng nóng diện rộng, riêng khu vực Tây Bắc có nắng nóng và nắng nóng gay gắt. Từ đêm 1-7/6 có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to.
Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ ngày 30/5 có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt. Từ ngày 31/5-2/6, nắng nóng và nắng nóng gay gắt; từ ngày 3-7/6, chiều và tối có mưa rào, dông rải rác.
Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ từ ngày 30/5-7/6, có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa to (mưa lớn tập trung vào chiều tối và đêm), trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh.
Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Văn Hưởng, do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn, có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và xảy ra cháy rừng. Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.
Bắc Ninh: Nông dân Từ Sơn bảo vệ môi trường đồng ruộng
Vừa qua, Hội Nông dân thành phố Từ Sơn chỉ đạo Hội Nông dân 12 phường trên địa bàn tổ chức ra quân hưởng ứng “Chiến dịch vệ sinh làm sạch đồng ruộng bảo vệ môi trường”.
Hội Nông dân các phường huy động cán bộ, hội viên, nông dân được chia ra làm nhiều nhóm, tổ phân bổ ở các khu vực xứ đồng làm nhiệm vụ thu gom các loại vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật để tập kết, vận chuyển xử lí theo quy định. Kết quả, toàn thành phố đã thu gom được gần 850 kg vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.
Hoạt động ra quân thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật làm sạch đồng ruộng được Hội Nông dân thành phố Từ Sơn phát động định kỳ 2 lần/năm. Thông qua đó nhằm tuyên truyền, thay đổi thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; hạn chế hành vi xả thải trực tiếp bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng ra kênh mương, đồng ruộng gây ô nhiễm môi trường đất, nước… góp phần hạn chế nguy cơ tiềm ẩn về tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Dịp này, các chi Hội Nông dân tại các khu cũng phát động hội viên, nông dân quét dọn đường ngõ xóm, khuôn viên các khu vực công cộng như khu vui chơi, nhà văn hóa… tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp.
Hải Dương: Nâng cao chất lượng cấp nước sạch
Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư xây dựng các tuyến đường ống D400 từ trục chính cạnh quốc lộ 5 tới trạm bơm tăng áp tại xã Vĩnh Hồng (Bình Giang); làm trạm bơm tăng áp; bổ sung bể chứa khoảng 1.000 m3. Toàn bộ dự án phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2024.
Mục tiêu sẽ giải quyết triệt để tình trạng thiếu hụt nguồn nước cấp cho các xã cuối hệ thống như Thái Dương, Thái Hòa, Bình Xuyên, Thúc Kháng (Bình Giang). Để phục vụ xây dựng nông thôn mới, công ty đã di chuyển gần 10 km đường ống các loại nằm ven các đường nông thôn.
Chi nhánh Kinh doanh nước sạch số 10 (Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương) thực hiện cấp nước sạch cho 2 huyện Cẩm Giàng, Bình Giang, bao gồm 3 khu công nghiệp Tân Trường, Phúc Điền và Lương Điền – Cẩm Điền và các cụm công nghiệp trên địa bàn. Đơn vị đang cấp nước sạch trực tiếp cho 22.500 khách hàng và cấp nguồn cho một số tổ chức, cá nhân trung gian bán lẻ cho khoảng 20.000 khách hàng khác.
Thanh Hóa: Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới
Chủ đề “Ngày Môi trường thế giới năm 2023” nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.
Theo đó, trong Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới và tháng hành động vì môi trường năm 2023, vừa qua, Đồn biên phòng Sầm Sơn đã phối hợp cùng Thành đoàn thành phố Sầm Sơn, Đoàn thanh niên phường Quảng Cư, Công ty vệ sinh môi trường TP Sầm Sơn và 150 cán bộ giảng viên, sinh viên trường Đại học Công nghệ và Truyền thông Thái Nguyên, làm sạch hơn 1 km bãi biển và trao gần 100 lá cờ cho thuyền viên, trên địa bàn phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn.
Có thể nói đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, tuyên truyền sâu rộng tới các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải bằng các hành động cụ thể, thiết thực, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp tại các bãi biển.
Đặc biệt, sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới tại Thanh Hóa, thực hiện đúng phương châm: “Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới phải mang tính hành động, hiệu quả”.
Trước đó, ngày Ngày 21/5 vừa qua, Đoàn viên thanh niên thuộc các đơn vị Đội Chữa cháy (CC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) khu vực 2 thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với UBND phường Tĩnh Hải và Trường THPT Tĩnh Gia III tổ chức hoạt động ra quân “Làm sạch biển”, tại khu vực biển Tĩnh Hải, phường Tĩnh Hải, thị xã Nghi Sơn, (Thanh Hóa).
Chương trình nhằm khơi dậy niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong mỗi CBCS, đoàn viên, thanh niên trong đơn vị; Tạo phong trào thi đua sôi nổi kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023); Kỷ niệm 76 năm ngày Bác Hồ nêu sáu điều dạy CAND, đồng thời nâng cao chất lượng sinh hoạt cho CBCS trong đơn vị…
Đặc biệt, ý nghĩa của chương trình còn được nhân lên với mục tiêu phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của đoàn viên, thanh niên, tuyên truyền sâu rộng tới các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải bằng các hành đồng cụ thể, thiết thực, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp tại các bãi biển.
Vườn Quốc gia Vũ Quang tiếp nhận cá thể khỉ đuôi lợn
Thông tin từ Hạt Kiểm lâm TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết, nhận được thông tin tại nhà ông Mai Lương Tiến (thôn Tân Thành, xã Kỳ Nam) có nuôi một cá thể khỉ đuôi lợn, đơn vị đã đến tuyên truyền vận động và được gia đình tự nguyện giao nộp.
Cá thể khỉ đuôi lợn có tên khoa học là Macaca leonina, đây là loài động vật thuộc nhóm IIB, được quy định trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.
Sau khi tiếp nhận, Hạt Kiểm lâm TX Kỳ Anh đã phối hợp bàn giao cá thể khỉ đuôi lợn cho Vườn Quốc gia Vũ Quang trong tình trạng khỏe mạnh.
Vườn Quốc gia Vũ Quang sẽ tiếp tục theo dõi, chăm sóc, sau đó tiến hành thả về môi trường tự nhiên theo quy định.
Tỉnh Bến Tre tổ chức giải chạy nâng cao nhận thức nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu
Vừa qua, tại Công viên Đồng Khởi, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bến Tre, Ủy ban hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp Trung tâm Môi trường và Phát triển nguồn lực cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức Giải chạy bộ nâng cao nhận thức nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh năm 2023.
Tham dự chương trình có anh Phan Thanh Trẻ – Ủy viên Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh, anh Trịnh Minh Khôi – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, chị Lê Thị Vân Huệ – Phó Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển Nguồn lực cộng đồng cùng đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông và 200 lực lượng đoàn viên, hội viên và thanh niên trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại chương trình, anh Phan Thanh Trẻ chia sẻ về ý nghĩa quan trọng của chương trình nhằm phát động đoàn viên, thanh niên, hội viên tỉnh nhà tích cực tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại; đồng thời thông qua hoạt động này sẽ thêm khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng đoàn viên, thanh niên trong tiên phong thực hiện các hành động và giải pháp nhằm tuyên truyền bảo vệ tài nguyên môi trường, tài nguyên nước,… góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng Bến Tre xanh.
Ngay trong buổi sáng ngày 29/5, Ban Tổ chức đã trao 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba và 05 giải Khuyến khích cho mỗi nội dung thi đấu cự ly 02 km đối với Nữ và 03 km đối với Nam. Kết quả, vận động viên Nguyễn Lệ Trân (cự ly 02 km cho Nữ) và vận động viên Võ Hoàng Nhựt (cự ly 03 km cho Nam) đến từ Câu lạc bộ chạy bộ huyện Ba Tri đã xuất sắc giành giải Nhất giải chạy bộ nâng cao nhận thức nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Bến Tre năm 2023 . Dự kiến nội dung Giải truyền thông chạy bộ sẽ được tổng kết và trao giải vào ngày 13/6/2023 sắp tới.
Giải chạy bộ và Giải truyền thông chạy bộ nâng cao nhận thức nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm hưởng ứng Chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” tỉnh Bến Tre năm 2023.
TP.HCM sẽ công bố các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nguy hiểm
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã có kết luận chỉ đạo liên quan công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023.
Theo ông Võ Văn Hoan, thời gian qua, TP.HCM chịu tác động bởi yếu tố biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra trên địa bàn làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế – xã hội, đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân TP.
Năm 2023, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Chính vì vậy UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, lãnh đạo các đơn vị, địa phương triển tổ chức rà soát các kế hoạch, phương án phòng, chống ứng phó thiên tai. Đồng thời điều chỉnh, cập nhật, bổ sung phù hợp với các phương án ứng phó thiên tai của TP và tình hình thực tế địa phương.
Sở NN&PTNT TP được giao chủ trì phối hợp cùng các đơn vị, địa phương kiểm tra, rà soát các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. Sau khi rà soát sẽ có báo cáo UBND TP.HCM công bố các vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm trên địa bàn TP năm 2023.
Đồng thời, tiếp tục tổ chức cắm biển cảnh báo sạt lở bờ sông, kênh, rạch đối với danh mục các vị trí sạt lở đã được công bố chưa có biển cảnh báo và duy tu, sửa chữa, thay thế những biển cảnh báo đã cắm nhưng bị mất, hư hỏng, ngã đổ. Cạnh đó, Sở NN&PTNT cần phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho người dân sinh sống xung quanh để biết và chủ động phòng, tránh.
Được biết, trong năm 2022, TP.HCM có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm bao gồm: TP Thủ Đức tám vị trí, huyện Nhà Bè bảy vị trí, huyện Bình Chánh bốn vị trí, huyện Cần Giờ bảy vị trí, quận Bình Thạnh bốn vị trí, huyện Hóc Môn một vị trí và huyện Củ Chi một vị trí.
Nỗ lực ngăn chặn thảm hoạ ô nhiễm nhựa toàn cầu
Trước thềm Ngày Môi trường thế giới 2023 (ngày 5/6) và cuộc đàm phán của Liên hợp quốc tại Paris (Pháp) về Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa, người phụ trách chính sách nhựa toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Eirik Lindebjerg đã kêu gọi, thế giới cần hành động nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Ông Eirik Lindebjerg cho biết, Ngày Môi trường thế giới năm nay có chủ đề “Ô nhiễm nhựa và các giải pháp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm nhựa”, đồng thời nhấn mạnh đây là “một trong những cuộc khủng hoảng môi trường đang gia tăng nhanh nhất trên toàn cầu”.
Theo người phụ trách chính sách nhựa toàn cầu của WWF, cuộc đàm phán về Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa, được Liên hợp quốc tổ chức từ ngày 29/5 đến ngày 2/6, nhằm phát triển công cụ có tính ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa. Ông Eirik Lindebjerg cho biết thêm, đây là cuộc họp cuối cùng trước khi các nước thành viên Liên hợp quốc bước vào thảo luận văn bản pháp lý, vì vậy điều quan trọng là các chính phủ cần tham gia cuộc họp với tham vọng lớn và sẵn sàng đưa ra các quy định toàn cầu cụ thể.
Không phải ngẫu nhiên mà giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa lại được chọn là chủ đề nhân Ngày Môi trường thế giới năm 2023, cùng thời điểm với cuộc đàm phán về Hiệp ước chống ô nhiễm nhựa. Với sự gia tăng dân số cùng sự phát triển của đời sống, tiêu dùng, các vật dụng bằng nhựa xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống thường nhật của mọi người dân trên thế giới và những vật dụng nhựa bị thải loại vì thế trở thành rác thải nhựa.
Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), hiện có hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm, một nửa trong số đó là nhựa dùng một lần và chỉ gần 10% đồ nhựa dùng một lần được tái chế. Còn lại, mỗi năm có khoảng 19-23 triệu tấn rác thải nhựa được đổ ra môi trường, chủ yếu là các hồ, sông và biển. Các hạt nhựa nhỏ (Microplastic) có đường kính chỉ 5 mm có thể lẫn vào thức ăn, nước và không khí. Giới chuyên môn ước tính rằng, mỗi người trên hành tinh tiêu thụ hơn 50.000 hạt nhựa mỗi năm và còn nhiều hơn nữa nếu tính đến việc hít phải hạt nhựa nhỏ trong không khí. Nhựa dùng một lần thường bị vứt bỏ hoặc đốt gây hại cho sức khỏe con người và đa dạng sinh học, đồng thời gây ô nhiễm hệ sinh thái từ đỉnh núi đến đáy đại dương.
Ngày càng có nhiều lo ngại về các tác động của hạt vi nhựa (được tạo ra khi các sản phẩm nhựa phân hủy trong môi trường) được tìm thấy từ các vùng đáy biển sâu nhất cho đến những đỉnh núi cao như Everest. Trong cơ thể người, hạt vi nhựa được phát hiện trong máu, sữa mẹ và nhau thai. Những hạt vi nhựa cũng đã được phát hiện trong bụng cá ở nơi sâu nhất của đại dương, hoặc mắc kẹt bên trong những tảng băng ở Bắc Cực. Các mẩu nhựa được cho là nguyên nhân khiến hơn 1 triệu con chim biển và hơn 100.000 động vật có vú dưới biển chết mỗi năm.
Theo nghiên cứu của UNEP, hiện có trên 14 triệu tấn nhựa xâm lấn và phá hủy hệ sinh thái đại dương mỗi năm, trong khi phát thải nhà kính liên quan đến nhựa có thể chiếm đến 15% tổng phát thải được phép xảy ra nếu chúng ta muốn giới hạn sự nóng lên của Trái đất trong mức 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. Báo cáo nghiên cứu của UNEP cho thấy, nhựa có thể thải ra 19% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2040.
Một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) ước tính, lượng sản phẩm nhựa được sản xuất dựa vào nguyên liệu hóa thạch hàng năm trên thế giới dự kiến sẽ vượt 1,2 tỷ tấn vào năm 2060 và rác thải sẽ vượt mức 1 tỷ tấn. Ngay cả khi hành động tích cực để giảm nhu cầu đối với sản phẩm nhựa và cải thiện hiệu quả sử dụng, sản xuất đồ nhựa cũng sẽ tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 40 năm. Tuy nhiên, OECD cho rằng các chính sách phối hợp toàn cầu có thể giúp tăng mạnh tỷ lệ rác thải nhựa có thể tái chế trong tương lai từ 12% lên 40%.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị