Quảng Ngãi: Trải thảm đỏ thu hút đầu tư
Quảng Ngãi: Trải thảm đỏ thu hút đầu tư
Giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Ngãi sẽ xúc tiến và kêu gọi đầu tư nhiều dự án lớn ở các ngành, lĩnh vực trọng điểm.
Trong đó, trọng tâm và ưu tiên hàng đầu vẫn là lĩnh vực công nghiệp, kế đến là dịch vụ, du lịch, thương mại, hạ tầng, giao thông, môi trường, đô thị, khu dân cư. Đi cùng với định hướng thu hút đầu tư, Quảng Ngãi thực hiện các ưu đãi nhằm tăng tính cạnh tranh và tạo sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp.
Rộng mở cơ hội đầu tư
Ở lĩnh vực công nghiệp, Quảng Ngãi sẽ thu hút đầu tư một số nhóm dự án, gồm: sản xuất dệt, may mặc, giày da; chế biến thực phẩm, nước giải khát; cơ khí chế tạo thiết bị lớn, sản xuất kim loại và gia công thép; sản xuất sản phẩm thép hạ nguồn; sản xuất điện dân dụng, thiết bị, vật liệu điện đa dụng, điện tử; công nghiệp hỗ trợ và logistics. Các nhóm dự án này do nhà đầu tư đề xuất, 100% vốn của nhà đầu tư. Để thu hút các dự án này, Quảng Ngãi dành khoảng 1.600 ha diện tích đất trong Khu kinh tế (KKT) Dung Quất, Khu công nghiệp (KCN) Tịnh Phong.
Cũng tại KKT Dung Quất, trong phạm vi Đồ án quy hoạch Khu đô thị Vạn Tường, Quảng Ngãi dành 192 ha thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao. Phân khu này đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Bên cạnh đó, trong phần diện tích KKT Dung Quất đã được điều chỉnh quy hoạch, Quảng Ngãi dành 500 ha thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất hóa dầu, hóa chất và dành 6,6 ha thu hút đầu tư Nhà máy Điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất IV công suất 750MW.
Đồng thời, thu hút đầu tư Trung tâm điện lực Dung Quất tại KCN phía Tây Dung Quất, gồm các nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp Dung Quất I, II và III với diện tích gần 100 ha.
Ở lĩnh vực dịch vụ, du lịch, thương mại, Quảng Ngãi định hướng thu hút đầu tư 6 dự án, gồm: Khu dịch vụ – du lịch An Vĩnh, diện tích 20 ha; Khu dịch vụ – du lịch Đồng Hộ 20 ha tại huyện đảo Lý Sơn; Dự án Công viên trung tâm TP. Quảng Ngãi, xã Tịnh Khê (TP. Quảng Ngãi) 150 ha; Khu du lịch sinh thái Thạch Bích 200 ha; Khu du lịch sinh thái Cà Đam 1.286 ha, trong đó, diện tích phục vụ đầu tư công trình khoảng 300 ha, diện tích quy hoạch rừng tạo vành đai cảnh quan cho khu du lịch khoảng 986 ha; Khu du lịch sinh thái Trà Bói, diện tích 40 – 50 ha.
Trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông, môi trường, Quảng Ngãi định hướng kêu gọi đầu tư 2 dự án: Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt thị xã Đức Phổ, diện tích 7,95 ha; Nghĩa trang nhân dân Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa. Bên cạnh đó là các dự án lĩnh vực đô thị, dịch vụ – khu dân cư, trong đó có Dự án Khu đô thị Meyhomes Tịnh Long, xã Tịnh Long (TP. Quảng Ngãi) có diện tích từ 80 – 100 ha, do Tập đoàn Tân Á Đại Thành đề xuất đầu tư và tài trợ quy hoạch; Dự án Khu đô thị Đảo Ngọc, phường Trương Quang Trọng (TP. Quảng Ngãi), diện tích 187 ha hiện đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, đang tiến hành các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài ra, Tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các dự án khu nhà ở công nhân, nhà ở thương mại; đầu tư du lịch, đô thị, nghỉ dưỡng tại các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP. Quảng Ngãi…
Tận tâm, tận lực phục vụ doanh nghiệp
Cùng với đa dạng lĩnh vực thu hút đầu tư, đa dạng các “kênh” xúc tiến đầu tư, Quảng Ngãi áp dụng những ưu đãi đối với từng nhóm đối tượng thu hút đầu tư. Trong đó, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường có thời hạn hoặc toàn bộ thời gian thực hiện dự án đầu tư; miễn thuế, giảm thuế và các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định; nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất. Cho phép khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế…
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi, Tỉnh dành nhiều ưu đãi cho các dự án công nghệ cao, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ; sản xuất vật liệu mới, năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên, sản phẩm tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh đó là các dự án sản xuất điện tử, cơ khí trọng điểm, máy nông nghiệp, ô tô, phụ tùng ô tô; đóng tàu; sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; các sản phẩm công nghệ thông tin, phần mềm, nội dung số…
Nhà đầu tư đến với Quảng Ngãi sẽ được hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường, cung cấp thông tin…
Với mục tiêu trở thành hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển kinh tế – xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế – xã hội giúp giảm chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp. Trong năm 2023, Tỉnh tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng khu đô thị công nghiệp Dung Quất, KCN Bình Hòa – Bình Phước; KCN – đô thị – dịch vụ VSIP 2; Khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2… Đồng thời, tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, nhất là cao tốc Bắc – Nam phía Đông, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; đẩy nhanh tiến độ các dự án đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh; đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi…
Quảng Ngãi cũng đang triển khai tổ chức lập nhiều đồ án quy hoạch quan trọng với kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến việc thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn trong thời gian tới.
Không chỉ vậy, Tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hướng tới việc xây dựng chính quyền “phục vụ doanh nghiệp”. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Tỉnh khẳng định, Quảng Ngãi luôn lắng nghe, nắm bắt kịp thời những quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương, nhất là những vấn đề liên quan đến sự hỗ trợ từ đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành; thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; hệ thống kết cấu hạ tầng và các loại hình dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực; môi trường cạnh tranh thông thoáng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thành phần kinh tế…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị