So sánh giữa tiêu chuẩn ISO 22000 và HACCP

Tiêu chuẩn ISO 22000 và HACCP ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với vấn đề an toàn thực phẩm hiện nay. Ảnh minh họa.

Về nguồn gốc, theo ông Lê Thành Hưng – Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng Nông nghiệp Thực phẩm – Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu) bắt nguồn từ Hoa Kỳ những năm 1960, đến năm 1969 được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm CODEX (một cơ quan hỗn hợp giữa Tổ chức Y tế thế giới và Chương trình Nông Lương của Liên Hiệp Quốc) biên soạn thành tiêu chuẩn quốc tế. Phiên bản mới nhất của tiêu chuẩn này là phiên bản 2020, với tên gọi “Những nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm”.

Trên cơ sở HACCP, năm 2005 Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) đã biên soạn tiêu chuẩn ISO 22000 với tên gọi Hệ thống quản lý ATTP – Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm. Phiên bản mới nhất của tiêu chuẩn ISO 22000 là phiên bản 2018.

Về điểm tương đồng, trên thực tế, hai hệ thống này có những điểm tương đồng là đều hướng về mục tiêu giúp các doanh nghiệp chế biến, sản xuất thực phẩm kiểm soát các mối nguy từ khâu nuôi trồng, đánh bắt cho tới khi thực phẩm được sử dụng bởi người tiêu dùng, nhằm đảm bảo ATTP. ISO 22000 và HACCP đều quy định doanh nghiệp muốn áp dụng phải thực hiện 7 nguyên tắc do Ủy ban CODEX đưa ra nhằm xác định việc kiểm soát các mối nguy đối với thực phẩm.

Khi áp dụng ISO 22000 hay HACCP, các doanh nghiệp đều phải đảm bảo thực hiện các Chương trình tiên quyết (GMP, SSOP…) nhằm hạn chế các mối nguy đối với thực phẩm. Chương trình này bao gồm các yêu cầu về thiết kế nhà xưởng, thiết bị; hành vi vệ sinh, vệ sinh cá nhân; vệ sinh nhà xưởng, khử trùng; kiểm soát côn trùng; kho tàng… Khi áp dụng ISO 22000 hay HACCP, các doanh nghiệp đều phải xây dựng một hệ thống kiểm soát bao gồm: các quá trình, thủ tục kiểm soát, hệ thống văn bản hỗ trợ…

Về điểm khác biệt của hai tiêu chuẩn này, ông Hưng cho hay, không chỉ có sự khác biệt về bố cục, cấu trúc tiêu chuẩn mà hai tiêu chuẩn nêu trên còn có sự khác biệt nhất định về nội dung. Trong khi HACCP tập trung vào các biện pháp đảm bảo ATTP, thì ISO 22000 còn xem xét các quá trình sản xuất, kinh doanh và yêu cầu phân tích phân tích cơ cấu tổ chức của cơ sở sản xuất thực phẩm.

Nhìn chung, các tiêu chuẩn nêu trên đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với vấn đề quản lý ATTP tại nước ta thời gian qua. Số liệu của Tổ chức ISO cho thấy, tính đến năm 2021 trên thế giới có trên 36 nghìn giấy chứng nhận ISO 22000 đang có hiệu lực, trong đó tại Việt Nam là 854 giấy chứng nhận. Áp dụng ISO 22000 và HACCP giúp các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kiểm soát tốt mối nguy về ATTP, từ đó mang lại lợi ích đối với cả ba bên là người tiêu dùng, cơ sở sản xuất thực phẩm và cơ quan quản lý nhà nước.

“Đối với cơ sở sản xuất đã được chứng nhận ISO 22000 hoặc HACCP, các giấy chứng nhận này sẽ thay thế cho Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP theo quy định của Luật ATTP. Cơ sở sản xuất thực phẩm cũng sẽ chủ động hơn trong việc ứng phó, phòng ngừa nguy cơ về ATTP, hạn chế khả năng phải thu hồi sản phẩm liên quan đến mất ATTP.

Đối với người tiêu dùng, họ có cơ hội sử dụng sản phẩm an toàn, giảm thiểu mắc các bệnh truyền qua thực phẩm. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, việc gia tăng tỷ lệ cơ sở sản xuất thực phẩm áp dụng các tiêu chuẩn HACCP và ISO 22000 giúp cho việc quản lý về ATTP mang tính chủ động nhiều hơn, giảm gánh nặng đến hệ thống y tế trong việc xử lý hậu quả từ các vụ việc xảy ra do mất an toàn thực phẩm”, ông Hưng thông tin.

Thanh Tùng

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích