Lãi suất cao, doanh nghiệp làm sao vượt khó?
Tác động từ thế giới
Thông tin tại toạ đàm “Tác động của môi trường lãi suất cao tới ổn định kinh tế vĩ mô và hồi phục tăng trưởng năm 2023”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quốc Việt (Viện Nghiên cứu Chiến lược) cho biết, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã tăng lãi suất 7 lần trong năm 2022, đẩy lãi suất thế chấp tăng cao và khiến doanh số bán nhà giảm trong 5 tháng liên tiếp.
Động thái tăng lãi suất của FED cũng hâm nóng cuộc đua tăng lãi suất toàn cầu đã diễn ra từ đầu năm đến nay, khi nhiều ngân hàng trung ương và quốc gia trên thế giới đều phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và giữ giá đồng tiền của họ.
Toàn cảnh toạ đàm. |
Ngoài ra, lạm phát tăng cao trở lại vào năm 2022 do giá dầu tăng và các vấn đề về chuỗi cung ứng. Lạm phát tại châu Âu và châu Á cũng tăng lên mức hai con số. Lạm phát khiến các đồng tiền của các thị trường mới nổi ở châu Á mất giá từ 5-10% so với đồng USD. Tuy nhiên, lạm phát bắt đầu giảm xuống vào nửa cuối năm 2022 khi chuỗi cung ứng được bình thường hóa.
Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và lo ngại về suy thoái toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư. Dòng vốn FDI toàn cầu tăng trở lại đạt 972 tỷ USD trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, phần lớn mức tăng đến trong quý đầu tiên, trong khi dòng vốn FDI toàn cầu giảm 22% trong quý II/2022, so với quý trước. Sự sụt giảm này do lạm phát và lãi suất ngày càng tăng, năng lượng tăng giá và cuộc xung đột toàn diện của Nga vào Ukraine.
Tăng trưởng đã mất đà, lạm phát cao diễn ra dai dẳng, niềm tin suy yếu, tính bất ổn cao và sự suy thoái của một số nền kinh tế lớn trên thế giới. Ngân hàng Trung ương Châu Âu đang thắt chặt điều kiện tài chính và hạ nhiệt nhu cầu về nhà ở. Lãi suất tăng và chiến tranh ở Ukraine đã gây ra những tổn thất nặng nề nhất trên thị trường tài sản kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Dù một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang phục hồi kinh tế sau đại dịch, năm 2023 dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn do những biến động chính trị, rủi ro thương mại và tài chính, cùng với sự không ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Các rủi ro và thách thức mà kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt bao gồm suy thoái kinh tế, thắt chặt chính sách tiền tệ, lạm phát, tăng lãi suất, xung đột chính trị, biến đổi khí hậu và các bệnh dịch.
Mở rộng chi tiêu ưu tiên tăng trưởng
Theo chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Tú Anh, suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức cao mặc dù đã hạ nhiệt, do áp lực từ lạm phát toàn cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng. Nguồn vốn FDI vào Việt Nam chịu nhiều biến động, thị trường tài chính suy giảm mạnh. Kinh tế đã gặp phải nhiều khó khăn, bao gồm sự trầm lắng của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng với sự suy giảm mạnh của hoạt động xuất khẩu trong quý IV/2022.
Mức lãi suất cho vay tăng cao từ tháng 7/2022 và vẫn tiếp tục neo cao cho đến tháng 2/2023. Huy động vốn khu vực tổ chức kinh tế giảm trong khi tín dụng tăng chậm phản ánh tình trạng thanh khoản khó khăn của các doanh nghiệp; những doanh nghiệp tốt có dư thừa thanh khoản đã phải rút tiền gửi về để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của bản thân. Bên cạnh đó, một phần của tiền gửi tổ chức kinh tế giảm là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu có xu hướng chuyển tiền nhàn rỗi ra bên ngoài để hưởng lãi suất USD đang cao, trong khi lãi suất USD tại Việt Nam vẫn duy trì chính sách 0%.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Môi trường lãi suất cao đang là yếu tố rủi ro lớn đối với năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Chuyên gia Nguyễn Quốc Việt đề xuất, trong ngắn hạn, Chính phủ có thể gia tăng hỗ trợ cho nền kinh tế, mở rộng chi tiêu để ưu tiên cho tăng trưởng trong đó tập trung mấy ưu tiên: Xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới là vừa cân bằng giữa mục tiêu duy trì “ổn định kinh tế vĩ mô” nhưng đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế/phục hồi sản suất kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.
Trong ngắn hạn, các chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Chính sách tiền tệ cần duy trì trạng thái “thích ứng” với hiện trạng của nền kinh tế có nhiều rủi ro, tiếp tục cân bằng giữa rủi ro tài chính với hỗ trợ phục hồi kinh tế, khơi thông sự luân chuyển của dòng vốn. Cần có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc-xin”. Tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, thống nhất cho doanh nghiệp là quan trọng nhất. Công tác dự báo và đánh giá chính sách cần làm thường xuyên, liên tục và có sự công khai, minh bạch và kịp thời hơn nữa.
Về trung hạn, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước; dự báo và đánh giá đúng tình hình, nhận diện kịp thời các rủi ro. Đẩy mạnh an ninh xã hội, an ninh năng lượng, thúc đẩy sự linh hoạt của chính sách tiền tệ và tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng.
Nghiên cứu đánh giá tác động của các khủng hoảng địa chính trị và đề ra các giải pháp ứng phó, hướng tới chuyển đổi sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đảm bảo an ninh năng lượng. Xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự lực và có khả năng hội nhập thì việc quan tâm và hỗ trợ, nhất là những hỗ trợ về vốn và tiếp cận thị trường. Ưu tiên xây dựng thể chế, chính sách phát huy nguồn lực đầu tư Nhà nước và xã hội.
Nguồn: Báo lao động thủ đô