Vĩnh Phúc: Ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu
(Xây dựng) – Tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII đã thông qua Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND về việc ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu giai đoạn 2023-2030.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện Bình Xuyên động thổ khởi công xây dựng công trình Làng văn hóa kiểu mẫu tổ dân phố Tam Quang, thị trấn Gia Khánh. |
Làng văn hóa kiểu mẫu là tâm huyết, sáng tạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, kế thừa truyền thống đổi mới, sáng tạo của Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc nhằm mục tiêu hỗ trợ người dân phát triển kinh tế thông qua danh mục các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hệ thống chính trị… Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu của Vĩnh Phúc nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 12/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Làng văn hóa kiểu mẫu sẽ có nhà văn hóa quy mô 100 chỗ ngồi, hơn 150 chỗ ngồi và hơn 200 chỗ ngồi, tùy thuộc vào tình hình thực tế của các làng. Trường hợp nhà văn hóa được cải tạo, nâng cấp, địa phương sẽ tập trung sửa chữa, nâng cấp sân nhà văn hóa, khu cây xanh, vườn dạo, vườn hoa và khu thể dục thể thao, bãi đỗ xe, điểm tập kết hàng hóa.
Để tạo động lực để các địa phương tích cực thực hiện đề án, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030.
Theo đó, tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng/mô hình cho tổ chức, cá nhân, hộ gia đình triển khai mô hình siêu thị mini mới có diện tích 200m2; 100 triệu đồng/mô hình điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của địa phương với diện tích tối thiểu 100m2. Mỗi làng không quá 2 mô hình.
Đối với mô hình điểm du lịch cộng đồng, tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng/mô hình khi đảm bảo có bãi đỗ xe, khu lễ tân, khu vệ sinh công cộng, có tối thiểu 2 dịch vụ phục vụ khách trải nghiệm, chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13259:2020 và cam kết kinh doanh đúng dịch vụ đã đăng ký, thời gian phục vụ du khách liên tục tối thiểu 60 tháng kể từ ngày nhận hỗ trợ.
Về mô hình du lịch Homestay, Farmstay, tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng/1 cơ sở Homestay xây dựng mới có quy mô phục vụ 15 khách trở lên; 300 triệu đồng/cơ sở Farmstay kết hợp trải nghiệm nông nghiệp xây dựng mới có diện tích tối thiểu 0,5ha và có quy mô đầu tư phục vụ từ 30 khách trở lên. Cả 2 loại hình này, đối tượng nhận thụ hưởng chính sách phải cam kết kinh doanh đúng dịch vụ du lịch đã đăng ký, thời gian phục vụ khách du lịch tối thiểu 60 tháng trở lên kể từ ngày nhận hỗ trợ.
Để đề án được triển khai theo kế hoạch, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phân công trách nhiệm cho các Sở, ngành, các huyện, thành phố triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết. Yêu cầu 30 làng đã duyệt phải khởi công xây dựng trong tháng 6/2023 và hoàn thành trong năm 2023.
Các địa phương phải phân công nhiệm vụ rõ ràng, Bí thư cấp ủy phải là Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu; cần bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, tránh sự áp đặt, chủ quan duy ý chí khi triển khai các nội dung, nhiệm vụ.
Đồng thời, Ban Chỉ đạo xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra kế hoạch triển khai của các đơn vị, nắm bắt tiến độ thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và khả năng huy động nhân dân tham gia đóng góp. HĐND tỉnh sẽ đưa nội dung giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu vào kỳ họp hằng năm.
Nguồn: Báo xây dựng