Khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28 tại Nhật Bản
Khai mạc Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28 tại Nhật Bản
Ngày 25/5, Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 28 đã khai mạc tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản với chủ đề “Nâng tầm sức mạnh của châu Á trong giải quyết các thách thức toàn cầu”
Chủ đề năm nay của Hội nghị là “Nâng tầm sức mạnh của châu Á trong giải quyết các thách thức toàn cầu” tập trung thảo luận cởi mở về các vấn đề khu vực; vai trò và tiềm năng của châu Á trong bức tranh toàn cảnh thế giới và các giải pháp nâng cao vị thế của khu vực… thông qua 20 bài phát biểu quan trọng.
Diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế, an ninh thế giới, các thách thức an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động sâu rộng đến môi trường an ninh và phát triển của các nước, Hội nghị lần thứ 28 tập trung thảo luận về tầm nhìn, vai trò và định hướng hợp tác của châu Á trong xử lý các vấn đề toàn cầu trong thế giới đa cực, đa trung tâm hiện nay.
Theo kế hoạch, hội nghị diễn ra trong hai ngày 25 – 26/5, với các phiên họp xem xét cách thức giải quyết các vấn đề cấp bách như cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc, tình hình an ninh thế giới, biến đổi khí hậu và lạm phát.
Tham dự và phát biểu tại hội nghị năm nay về lãnh đạo cấp cao có Chủ tịch nước CHDCND Lào Thongloun Sisoulith, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong và Phó Thủ tướng Thái Lan Don Pramudwinai cùng 600 đại biểu cấp cao.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Singapore Lawrence Wong nhấn mạnh đến vai trò của ASEAN trong việc giải quyết thách thức cạnh tranh Mỹ-Trung. Theo Phó Thủ tướng Wong, cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ với Trung Quốc đang có những tác động sâu sắc ở châu Á, bao gồm cả ASEAN. Ông lưu ý rằng, hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN có “mối liên hệ lịch sử và thực chất sâu sắc” với hai nền kinh tế, trong khi nhiều cường quốc khác, như Nhật Bản, cũng có lợi ích. Vì vậy, ông khẳng định điều quan trọng hơn bao giờ hết đối với ASEAN là duy trì vai trò trung tâm của mình trong cấu trúc khu vực đang phát triển này.
Ông Wong cũng lưu ý, các quốc gia ASEAN đã xây dựng một “mạng lưới hợp tác và phụ thuộc lẫn nhau dày đặc” với các đối tác bên ngoài. Phó Thủ tướng Singapore đã nêu thỏa thuận Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một tuyên bố về tầm nhìn về các nguyên tắc cơ bản cho sự hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, là những ví dụ về các khuôn khổ đa phương của ASEAN.
Ông đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực mà ASEAN đang thực hiện nhằm tăng cường hợp tác giữa các tổ chức quốc phòng và an ninh, cả trong khu vực và cả với các đối tác bên ngoài. Ông Wong khẳng định cách tiếp cận của ASEAN ngày nay không còn là sự không liên kết thụ động, mà thiên về sự tham gia tích cực của nhiều bên.
Các bài phát biểu khác đề cập tới tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều khó khăn nhất là trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, tầm quan trọng của liên kết khu vực trong bối cảnh hiện tại.
Việt Nam nêu 5 đề xuất phát triển tại Hội nghị Tương lai châu Á
Phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao chủ đề “Nâng tầm sức mạnh của châu Á trong giải quyết các thách thức toàn cầu”, không chỉ rất phù hợp mà còn là mệnh lệnh của hành động, là trách nhiệm to lớn đặt lên vai các nước châu Á vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thế giới và châu Á đang chứng kiến sự chuyển đổi sâu sắc với nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, châu Á cần có trách nhiệm và đóng vai trò quan trọng vào tiến trình khai thác hiệu quả các cơ hội, hóa giải những khó khăn, thách thức to lớn của thời đại.
Theo đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã nêu năm đề xuất quan trọng:
Thứ nhất, các quốc gia châu Á cần cùng nhau chia sẻ và hiện thực hóa tầm nhìn về xây dựng hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ, lấy Hiến chương Liên Hợp Quốc làm trung tâm; kiên trì thúc đẩy hợp tác đa phương, tham gia cải tổ, nâng cao hiệu quả các thể chế quản trị toàn cầu như WTO, IMF, WB…; tăng cường trao đổi, phối hợp lập trường trong các vấn đề quản trị toàn cầu.
Thứ hai, châu Á cần thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn những nỗ lực và hành động chung trong giải quyết các thách thức toàn cầu, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), cũng như giải quyết các thách thức toàn cầu mới, phi truyền thống như an ninh năng lượng, an ninh mạng, an ninh con người, an ninh y tế…; ủng hộ cách tiếp cận toàn cầu trong giải quyết các thách thức phát triển, khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của doanh nghiệp trong các chương trình, dự án phát triển, tạo thuận lợi về thể chế, đẩy mạnh mô hình đối tác công-tư.
Thứ ba, các nước cần hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa để cùng phát triển nhanh, bao trùm và bền vững; phát huy tốt những động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo.
Các nước phát triển hơn trong khu vực cần hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực về thể chế, hạ tầng, nhân lực, chia sẻ công nghệ, mô hình quản trị, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng tự cường và bền vững…; phát triển kinh tế trên nền tảng lấy con người làm trung tâm, lấy những giá trị văn hóa tốt đẹp làm nền tảng, coi giải quyết khó khăn, thách thức là động lực để hợp tác cùng vươn lên mạnh mẽ hơn.
Thứ tư, đẩy mạnh hơn nữa giao lưu nhân dân, kết nối thế hệ trẻ, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch…, hướng tới gắn kết và chia sẻ các giá trị chung.
Thứ năm, bảo đảm việc kiến tạo và củng cố môi trường hòa bình, ổn định là điều kiện tiên quyết cho phát triển ở châu Á và trên thế giới. Cần xác định đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm, xây dựng lòng tin chiến lược, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình là mẫu số chung gắn kết các quốc gia cùng vượt qua khó khăn, thách thức, khủng hoảng.
Đối với vấn đề Biển Đông, các bên liên quan cần thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982); đồng thời, kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan đã được UNCLOS 1982 xác lập.
Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chia sẻ các mục tiêu, định hướng, quan điểm và ưu tiên phát triển của Việt Nam; nhấn mạnh Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam cam kết đóng góp hết sức mình vì hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới.
Hội nghị Tương lai châu Á là hội nghị quốc tế thường niên do Nikkei tổ chức từ năm 1995, được coi là một trong những hội nghị toàn cầu quan trọng nhất ở châu Á. Chương trình nghị sự Hội nghị Tương lai châu Á luôn thu hút sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo cấp cao, chính khách, học giả, doanh nghiệp các nước châu Á cũng như đại diện các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.
Đây là diễn đàn trao đổi chính sách uy tín, nơi các lãnh đạo cấp cao các nước tham dự thảo luận thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề nổi lên ở khu vực châu Á, cơ hội, thách thức cho phát triển, an ninh, hòa bình và ổn định, từ đó định hình chính sách, đề xuất các ý tưởng hợp tác, các giải pháp tăng cường sự hiểu biết, thúc đẩy gắn kết nhằm nâng cao vị thế của châu Á trên thế giới, vì mục tiêu phát triển và thịnh vượng.
Hội nghị sẽ kết thúc vào hôm nay 26/5.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị