Doanh nghiệp “vùng xanh” linh hoạt lựa chọn phương án sản xuất

Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất

Nhằm hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp sản xuất tại khu vực ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là sau khi Thành phố nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch tại các địa phương “vùng xanh”. Ngay lập tức, nhiều địa phương “vùng xanh” đã xây dựng kế hoạch hành động nhằm từng bước hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới của dịch bệnh Covid-19.

Trong đó, để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất và trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, các địa phương ở “vùng xanh” như Thanh Oai, Thạch Thất, Mê Linh, Đông Anh… đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn. Qua kiểm tra, đánh giá cho thấy, đa số các doanh nghiệp đều có ý thức tuân thủ các quy định, biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện tốt khuyến cáo 5K, giảm 1/2 số lượng người tham gia sản xuất tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp “vùng xanh” linh hoạt lựa chọn phương án sản xuất
Doanh nghiệp “vùng xanh” linh hoạt lựa chọn phương án sản xuất, (Ảnh: Phương Ngân)

Đơn cử như tại huyện Quốc Oai, một trong những địa phương thuộc “vùng xanh” và cũng là địa phương hiện có nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, thời gian qua, do thực hiện giãn cách xã hội toàn Thành phố, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất để phòng, chống dịch. Do đó, sau khi Thành phố ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND, ngay lập tức các doanh nghiệp đã xây dựng phương án quay trở lại sản xuất bình thường. Theo thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Quốc Oai, đến thời điểm hiện tại, có hơn 60 doanh nghiệp trên địa bàn cơ bản xây dựng xong phương án sản xuất. Trong đó, 80% lao động nằm trong “vùng xanh” (tương đương hơn 5.000 công nhân) không phải thực hiện “3 tại chỗ” như trước sau khi có Chỉ thị số 20/CT-UBND.

Đồng thời, để tạo hỗ trợ cho người lao động tại các doanh nghiệp xin giấy đi đường, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn cấp giấy đi đường cho theo doanh nghiệp bằng hình thức online. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tổng hợp danh sách người lao động được phép làm việc và gửi lên Ủy ban nhân dân xã, thị trấn để cơ quan chức năng kiểm tra thông tin và cấp giấy đi đường, tránh gây phiền hà, giảm bớt thủ tục hành chính và thời gian đi lại cho người lao động cũng như các doanh nghiệp sản xuất.

Cùng với đó, đối với các cơ sở sản xuất, các Hợp tác xã kinh doanh trong khu dân cư, làng nghề truyền thống, huyện tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất ký cam kết với Ủy ban nhân dân xã về đảm bảo công tác phòng dịch theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và thông điệp 5K phòng, chống dịch. Đồng thời, tổ chức phương thức sản xuất “3 tại chỗ” đối với lao động là người ngoài địa phương; giao cho Ủy ban nhân dân xã, thị trấn kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định. Kiên quyết đình chỉ, tạm dừng sản xuất đối với các cơ sở nếu vi phạm, hoặc không chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch.

Cũng như huyện Quốc Oai, tại huyện Mê Linh, sau khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND chính quyền địa phương cũng đã ban hành một số quy định mới nhằm tạo điều kiện để một số lĩnh vực kinh tế dần khôi phục hoạt động trong bối cảnh “bình thường mới”. Ông Lê Văn Khương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh cho biết, nếu như trước đây, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chỉ có thể lựa chọn 1 trong 2 mô hình tổ chức sản xuất là “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, thì nay huyện cho phép các đơn vị được áp dụng song song hai phương thức.

Tuy nhiên, đối với phương thức “1 cung đường, 2 điểm đến”, huyện Mê Linh linh động hơn khi công nhân được phép ở nhà thay vì phải ở tập trung tại một địa điểm do doanh nghiệp thuê. Theo đó, công nhân các xã, thị trấn sẽ tập trung tại 1 – 2 điểm trên địa bàn sinh sống và doanh nghiệp bố trí xe đưa đón hàng ngày. Đặc biệt, công nhân đang sinh sống tại hai thị trấn Quang Minh và Chi Đông đang làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh được phép đi – về hàng ngày.

Cũng theo lãnh đạo huyện Mê Linh, để trở lại hoạt động trong trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp phải tuyệt đối tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài khu, cụm công nghiệp cũng cần xây dựng phương án sản xuất an toàn theo phương án của Thành phố đưa ra và tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp phòng, chống dịch hiện hành.

Doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn phương án sản xuất

Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất, hoạt động của các doanh nghiệp, đặt biệt là trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 ở Việt Nam. Trước những khó khăn đó, để thích ứng trong tình hình mới, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, đã tổ chức lại hoạt động sản xuất để phù hợp và thích ứng với những diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, tùy vào tình hình sản xuất cũng như việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch các doanh nghiệp sẽ linh ứng áp dụng các biện pháp sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Đây được xem là những phương án tạm thời, nhưng giúp cho nhiều doanh nghiệp không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cũng như kịp thời phục hồi hoạt động sau khi Thành phố ban hành Chỉ thị số 20.

Doanh nghiệp “vùng xanh” linh hoạt lựa chọn phương án sản xuất
Người lao động tại các doanh nghiệp “vùng xanh” đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi quay lại hoạt động sản xuất trong trạng thái bình thường mới.

Là một trong những doanh nghiệp sớm trở lại sản xuất trong trạng thái bình thường mới, sau khi Thành phố nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội tại các “vùng xanh”, bà Đỗ Việt Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ cao Thái Minh (Cụm công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai) cho biết, việc được quay trở lại nhịp sản xuất bình thường giúp cho Công ty đẩy mạnh được sản xuất, đáp ứng đơn đặt hàng đã ký kết trước đó. Tuy nhiên, hiện nay dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, để trở lại sản xuất Công ty phải ký cam kết với huyện về việc thực hiện nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Trong khi đó, công nhân khi đến Công ty làm việc cũng phải thực hiện quét mã, khử khuẩn, chia ca ăn cơm… để tránh tập trung đông người cùng một lúc.

“Để doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, bên cạnh việc đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, của chính quyền địa phương; doanh nghiệp cũng nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện rất kịp thời của chính quyền địa phương. Cụ thể như việc tạo điều kiện cấp giấy đi lại cho người lao động, doanh nghiệp cũng không phải thực hiện duy trì hoạt động “3 tại chỗ” như trước, do đó giảm thiểu được chi phí ăn, ở rất nhiều cho công nhân”, bà Đỗ Việt Hà cho hay.

Cũng như Công ty Cổ phần Công nghệ cao Thái Minh, bà Nguyễn Thúy Hà (Trưởng phòng nhân sự) Công ty TNHH Nippont Paint Việt Nam cho biết, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh “3 tại chỗ” theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh. Hiện tại, toàn bộ công nhân của Công ty đều đang ăn ở, ngủ nghỉ và sản xuất tại chỗ. Và để đảm bảo sức khỏe cho người lao động, doanh nghiệp tiến hành test Covid-19 cho 100% người lao động 1 lần/tuần.

Cũng theo bà Thúy Hà, với việc huyện Mê Linh nới lỏng một số quy định, công nhân tại doanh nghiệp hay các doanh nghiệp khác mà có người lao động sinh sống tại thị trấn Quang Minh, Chi Đông có thể lựa chọn sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, người lao động có thể về nhà nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Đỗ Đạt

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích