Xây dựng tiêu chuẩn về thiết kế nhà ở riêng lẻ

Thời gian gần đây tình trạng các vụ cháy nhà ở đô thị phần lớn xảy ra với nhà ống riêng lẻ, đặc biệt đối với nhà ống. Tuy nhiên Nghị định 136/2020 không đưa nhà ở từ 6 tầng trở xuống vào diện phải thẩm duyệt phòng cháy. 

Thống kê trong 10 năm (2012-2022) của Bộ Công an cho thấy cháy nổ ở nhà riêng lẻ chiếm 42-60% tổng số vụ cháy nhà và công trình. Mỗi năm có 80-100 người tử vong do cháy nổ thì 80-90% là ở nhà riêng lẻ. Vụ cháy làm bốn bà cháu tử vong ở Thành Công, quận Hà Đông mới xảy ra cũng xảy ra ở nhà ống riêng lẻ.

Trong khi đó Luật Phòng cháy chữa cháy và các văn bản liên quan đều không yêu cầu cụ thể về phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng (trừ nhà kết hợp kinh doanh). Hiện chủ nhà không phải thẩm duyệt về phòng cháy khi xin giấy phép xây dựng nhà ở dưới 7 tầng, hồ sơ xin giấy phép xây dựng chỉ cần đảm bảo tiêu chuẩn xây dựng, mật độ, chiều cao, khoảng lùi, chỉ giới.

 Xây dựng tiêu chuẩn về thiết kế nhà ở riêng lẻ. Ảnh minh họa

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình theo thông tư năm 2022 của Bộ Xây dựng (Quy chuẩn 06) sau ba năm liên tục sửa đổi cũng không áp dụng đối với nhà ở riêng lẻ từ 6 tầng trở xuống. Quy chuẩn này chỉ áp dụng với “nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn một đến ba tầng hầm; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30% tổng diện tích sàn.

Với nhóm nhà ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ, văn phòng, trụ sở quy mô nhỏ (cao 21 m, tương đương 7 tầng trở xuống, sàn tối đa 200 m2; hoặc 5 tầng trở xuống, sàn tối đa 300 m2), Quy chuẩn 06 quy định các nhà này cần bố trí một thang thoát nạn, có thêm lối thoát nạn khẩn cấp qua ban công hoặc sân thượng. Ngoài ra, cần có chữa cháy tự động để dập cháy sớm hoặc kiềm chế đám cháy, kéo dài thời gian vàng (dưới 5 phút từ khi xuất hiện cháy) để con người kịp thời thoát nạn.

Trước thực trạng này, hiện nay Bộ Xây dựng đang hoàn thiện dự thảo tiêu chuẩn về thiết kế nhà ở riêng lẻ. Yêu cầu chung về thiết kế, dự kiến công bố trong năm nay. Không mang tính bắt buộc, tiêu chuẩn này khuyến nghị áp dụng với nhà xây mới hoặc cải tạo, đảm bảo công năng sử dụng trong khi vẫn đáp ứng yêu cầu phòng cháy chữa cháy phù hợp với quy hoạch và hạ tầng đô thị.

Được biết, trước đó Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đã nhất trí nghiệm thu Nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam “Nhà ở riêng lẻ – Yêu cầu chung về thiết kế”, do nhóm nghiên cứu thuộc Viện Kiến trúc quốc gia thực hiện.

ThS.KTS. Nguyễn Bảo Sơn thay mặt cho nhóm nghiên cứu thuộc Viện Kiến trúc quốc gia thực hiện cho biết, tiêu chuẩn Việt Nam “Nhà ở riêng lẻ – Yêu cầu chung về thiết kế” quy định các yêu cầu chung trong thiết kế mới hoặc cải tạo nhà ở riêng lẻ; nhà ở riêng lẻ kết hợp mục đích dân dụng khác (sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ…) ngoài việc áp dụng các yêu cầu trong tiêu chuẩn này cần đảm bảo an toàn thuận tiện với phần diện tích sử dụng cho mục đích dân dụng khác theo các quy định pháp luật và các tiêu chuẩn hiện hành liên quan; khi thiết kế, xây dựng hoặc cải tạo nhà ở riêng lẻ theo kiến trúc dân gian truyền thống ở một số khu vực nông thôn, miền núi. Tiêu chuẩn này không không áp dụng với trường hợp nhà ở riêng lẻ chuyển đổi hoàn toàn sang mục đích dân dụng khác.

Theo đó thiết kế xây dựng nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo công năng phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Nhà ở riêng lẻ tại nông thôn khi xây dựng phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn. Nhà ở riêng lẻ cần tuân thủ về phân cấp công trình xây dựng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Nhà ở riêng lẻ phải xây dựng tuân theo chỉ giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ. Mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, chiều cao nhà ở riêng lẻ tuân thủ quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Khoảng lùi tối thiểu của mặt tiền nhà ở riêng lẻ so với chỉ giới đường đỏ phụ thuộc chiều cao công trình và chiều rộng của lộ giới, được lấy theo quy định về quy hoạch xây dựng. Giải pháp kiến trúc đảm bảo an toàn, thẩm mỹ phù hợp với đặc điểm tự nhiên, khí hậu của khu vực, đảm bảo yêu cầu thông thoáng, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn chịu lực và tuổi thọ thiết kế của công trình. Không xây dựng trên các vùng có nguy cơ địa chất nguy hiểm (sạt lở, trượt đất…), vùng có lũ quét, thường xuyên ngập lụt khi không có biện pháp kỹ thuật để đảm bảo an toàn cho khu vực xây dựng.

Nhà ở riêng lẻ cần đảm bảo các yêu cầu về an toàn cháy, nổ và các quy định liên quan. Việc trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phải tuân thủ các yêu cầu của quy định hiện hành. Nhà ở riêng lẻ cao từ 7 tầng trở lên hoặc có từ 2 tầng hầm trở lên phải tuân thủ các yêu cầu về an toàn cháy theo quy định hiện hành.

ThS. Nguyễn Bảo Sơn cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo tiêu chuẩn Việt Nam về nhà ở riêng lẻ, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tham khảo nhiều tài liệu, tiêu chuẩn trong nước, quốc tế có liên quan; tổng hợp ý kiến góp ý của chuyên gia về yêu cầu thiết kế, vật liệu, hệ thống kỹ thuật của công trình đồng thời làm việc với Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) về các nội dung liên quan đến yêu cầu về an toàn cháy cho công trình, đảm bảo nội dung tiêu chuẩn hài hòa hợp lý, có tính khả thi cao.

Trong khuôn khổ thời hạn được giao, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành đầy đủ những yêu cầu theo hợp đồng; hồ sơ nghiệm thu đầy đủ, tuân thủ theo đúng trình tự thủ tục, quy định hiện hành cũng như thể thức trình bày tiêu chuẩn. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng dự thảo tiêu chuẩn, nhóm cần rà soát, lược bỏ một số tiêu chuẩn viện dẫn đã hết hiệu lực; nghiên cứu thêm quy định của địa phương, đặc biệt là ở các thành phố lớn liên quan đến phòng chống cháy cho công trình; xem xét tách riêng phần điện phục vụ hoạt động kinh doanh và phục vụ công năng ở đối với công trình nhà ở riêng lẻ kết hợp với mục đích dân dụng khác; cân nhắc thiết kế lối thoát nạn lên sân thượng đối với nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh; rà soát một số quy định về sử dụng vật liệu trong phần an toàn cháy.

 An Dương 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích