Bị sốt sau tiêm vaccine COVID-19, dùng loại thuốc hạ sốt nào?
Tiêm vaccine phòng COVID-19 là giải pháp cơ bản để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch COVID-19 dù không phải là lá chắn tuyệt đối; Bên cạnh hiệu quả miễn dịch, tiêm vaccine phòng COVID-19 còn là biện pháp giúp hạn chế tình trạng chuyển biến nặng, nguy cơ tử vong nếu không may mắc bệnh do đó việc tiêm vaccine càng sớm càng tốt không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi người trước đại dịch.
Theo các số liệu được ghi nhận đến nay, tùy theo mỗi cá thể khác nhau mà phản ứng của cơ thể đối với việc tiêm vaccine phòng COVID-19 có thể khác nhau từ hiệu quả sinh miễn dịch cho đến các triệu chứng sau tiêm.
Một số triệu chứng thông thường sau tiêm vắc xin COVID-19 có thể gặp như sốt, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… đa phần sẽ thuyên giảm và khỏi hoàn toàn sau khoảng vài ngày, không để lại di chứng.
Các chuyên gia khuyến cáo, trong trường hợp xuất hiện các biểu hiện như sốt trên 38.5 độ C, đau đầu, nhức mỏi cơ toàn thân hoặc tại chỗ tiêm có dấu hiệu sưng đỏ, cánh tay được tiêm vắc xin bị đau nhức thì có thể sử dụng thuốc giảm đau hạ sốt.
Sử dụng thuốc hạ sốt nếu thân nhiệt từ 38,5°C trở lên. Ảnh minh họa
Tại sao nhiều người tiêm vaccine COVID-19 lại sốt?
Tiêm vaccine COVID-19 là đưa kháng nguyên vào cơ thể, chuẩn bị cho hệ thống miễn dịch bảo vệ chống lại virus hoặc vi khuẩn có thể gây bệnh cho cơ thể. Cơ thể xác định các kháng nguyên được coi là nguy hiểm và kích thích các kháng thể tấn công chúng (kích hoạt phản ứng miễn dịch). Trong một số trường hợp, phản ứng miễn dịch đủ mạnh để gây ra các triệu chứng, chẳng hạn như sốt.
Bằng cách làm tăng nhiệt độ trong cơ thể, sốt khiến cơ thể trở thành vật chủ ít chào đón vi trùng hơn, do đó hạn chế khả năng sinh sản của chúng trong cơ thể. Bên cạnh đó, nhiệt độ cao hơn giúp kích hoạt một số hóa chất truyền tín hiệu hướng dẫn các phản ứng miễn dịch.
Như vậy, có thể nói sốt, thậm chí là sốt cao là một phần bình thường của các phản ứng miễn dịch khi tiêm vaccine COVID-19. Sốt sau khi tiêm phòng vaccine COVID-19 cung cấp bằng chứng cho thấy hệ thống miễn dịch đang đáp ứng với vaccine, và kết quả là tạo ra khả năng miễn dịch chống lại virus hoặc vi khuẩn mà vaccine nhắm đến. Tuy nhiên, khi không bị sốt, hoặc các phản ứng phụ khác, không có nghĩa là vaccine không hiệu quả.
Sốt là phản ứng thường gặp sau tiêm vaccine. Ảnh sưu tầm
Các loại thuốc hạ sốt thường dùng
Điều trị sốt sau tiêm vaccine COVID-19 bao gồm việc sử dụng các loại thuốc hạ sốt OTC (không kê đơn) khác nhau cũng như một loạt các biện pháp không dùng thuốc.
Thuốc hạ sốt acetaminophen (paracetamol)
Paracetamol là thuốc hạ sốt có rất nhiều dạng bào chế và hàm lượng khác nhau.
Các dạng bào chế thường thấy trên thị trường như: Viên nang, viên nén, viên bao phim, viên giải phóng kéo dài, dung dịch uống, thuốc đạn…
Paracetamol làm giảm thân nhiệt ở người bệnh sốt, nhưng hiếm khi làm giảm thân nhiệt ở người bình thường.
Khi uống, thuốc được hấp thu nhanh chóng và hầu như hoàn toàn qua đường tiêu hóa. Thức ăn có thể làm viên nén giải phóng kéo dài paracetamol chậm được hấp thu một phần và thức ăn giàu carbon hydrat làm giảm tỷ lệ hấp thu của paracetamol. Vì vậy, cần lưu ý về vấn đề này khi dùng thuốc.
Khi sốt có thể có hại và khi hạ sốt, người bệnh sẽ dễ chịu hơn. Thuốc có thể dùng được cho trẻ nhỏ.
Thuốc thường dùng để uống. Đối với những người bệnh không uống được có thể dùng dạng thuốc đạn đặt trực tràng. Liều lượng dùng theo khuyến cáo của nhà sản xuất trong hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc. Mỗi lần dùng cách nhau từ 4-6 giờ.
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
Trong nhóm này các thuốc thường dùng để hạ sốt sau tiêm vaccine COVID-19 như: Aspirin, ibuprofen…
Aspirin (acid acetylsalicylic) và ibuprofen có cơ chế hạ sốt giống nhau là tác dụng trực tiếp lên cơ chế gây sốt. Khi “chất gây sốt” ngoại lai xâm nhập vào cơ thể sẽ kích thích bạch cầu sản xuất các chất gây sốt nội tại.
PG gây sốt do làm tăng quá trình tạo nhiệt (rung cơ, tăng hô hấp, tăng chuyển hóa) và giảm quá trình thải nhiệt (co mạch da…). Thuốc ức chế COX làm giảm tổng hợp PG do đó làm giảm quá trình gây sốt nên có tác dụng hạ sốt. Thuốc không tác động lên nguyên nhân gây sốt nên chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng.
Không nên dùng aspirin để hạ sốt ở trẻ em, vì nguy cơ gây hội chứng Reye (hội chứng ảnh hưởng tới gan và não nguy hiểm cho trẻ).
Các chuyên gia khuyến cáo, bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt, khi nhiệt độ cơ thể tăng, mọi người nên uống nhiều nước, các sản phẩm bù điện giải như oresol, cởi bớt quần áo, chườm mát, đồng thời nếu cơ thể có phản ứng bất thường, cần thông báo cho bác sĩ và đến cơ sở y tế để kịp thời xử lý.
Thu Giang (t/h)