Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hoá

Mục đích xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Luật CLSPHH)

Đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật CLSPHH nhằm thi hành các cam kết về loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và đang đàm phán, như Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP, Hiệp định ASEAN…

Đồng thời, cũng sẽ rà soát, sửa đổi những điều khoản, quy định có vướng mắc lớn, chưa phù hợp thực tiễn quản lý nhà nước và phát triển kinh tế – xã hội trong hơn 14 năm thi hành Luật, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Quan điểm xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Bảo đảm sự phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phù hợp các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; Bảo đảm có đầy đủ quy định cần thiết, rõ ràng và chặt chẽ về quản quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động đánh giá sự phù hợp; giải thưởng chất lượng quốc gia; mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc…;

Loại bỏ các quy định chồng chéo với quy định của pháp luật khác, trừ những quy định cơ bản, cần thiết, buộc phải có đối với quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Thúc đẩy xã hội hóa hoạt động đánh giá sự phù hợp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý tổ chức đánh giá sự phù hợp, chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp; Các quy định của Luật phải cụ thể, chi tiết để có thể thi hành ngay, tránh tình trạng phải có nhiều văn bản hướng dẫn.

 Ảnh minh hoạ

Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI); xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2); hoạt động kiểm tra chuyên ngành; quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên ứng dụng mã số, mã vạch; quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp; nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm soát viên chất lượng; các quy định liên quan đến cam kết liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam đã ký kết và các nội dung khác (Giải thưởng chất lượng quốc gia; trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; phí và lệ phí, xử lý vi phạm; quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử). Phạm vi sửa đổi tập trung cụ thể vào những quy định như sau:

Thứ nhất, về xác định sản phẩm, hàng hoá có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) và hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, về xác định sản phẩm, hàng hoá nhóm 2, quy định cụ thể hơn nguyên tắc xác định những sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa căn cứ trên cơ sở mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa.

Về hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá, rà soát các nội dung quy định về kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa nhập khẩu quy định tại Điều 27, Điều 34, Điều 35, Điều 36, Điều 37, Điều 47 và chỉnh sửa theo hướng đẩy mạnh việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Sửa đổi theo hướng mở rộng cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá là các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương theo tình hình thực tiễn.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu, cần được xem xét, đặt trong mục tiêu tổng thể hướng tới việc giảm thiểu thời gian thông quan trong khi vẫn bảo đảm hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn của sản phẩm, hàng hoá. Đồng thời, chú trọng việc bảo vệ thị trường trong nước và các doanh nghiệp sản xuất trong nước, nâng cao vai trò chủ trì, nhạc trưởng của Bộ Khoa học và Công nghệ trong hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thứ hai, về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa dựa trên ứng dụng mã số, mã vạch. Bổ sung các quy định về ứng dụng mã số, mã vạch trong việc giám sát, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giúp cho việc kết nối, thu thập, chia sẻ thông tin về sản phẩm, dịch vụ; từ đó các bên tham gia trong chuỗi cung ứng (nhà sản xuất, bán lẻ, dịch vụ vận chuyển, cơ quan quản lý, người tiêu dùng…) có thể ứng dụng để truy xuất nguồn gốc, truy tìm, xác định nguồn gốc, nguyên nhân sự cố liên quan đến sản phẩm, triệu hồi sản phẩm, quản lý sản xuất, bán hàng, kho bãi, giao nhận vận chuyển.

Thứ ba, về quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp. Chỉnh sửa quy định về hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Luật CLSPHH. Cụ thể, nghiên cứu thay đổi cách thức quản lý các tổ chức đánh giá sự phù hợp cho phù hợp với thực tế và hội nhập quốc tế (đặc biệt là các cam kết tại CPTPP, EVFTA, RCEP). Theo đó, tổ chức đánh giá sự phù hợp tự công bố năng lực phù hợp với điều kiện do cơ quan quản lý nhà nước quy định trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Tổ chức đánh giá sự phù hợp chịu trách nhiệm về tính pháp lý đối với các kê khai của mình. Cơ quan quản lý sẽ công bố danh sách các tổ chức đã công bố năng lực phù hợp với điều kiện quy định và thực hiện công tác hậu kiểm.

Nghiên cứu, bổ sung quy định về chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp theo hướng thừa nhận kết quả đánh giá chỉ định của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, kết quả công nhận của tổ chức công nhận hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tổ chức đánh giá thực tế tại các tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Nghiên cứu, bổ sung quy định giao Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý hoạt động đào tạo chuyên gia đánh giá hệ thống quản lý, chuyên gia đánh giá chứng nhận sản phẩm, thử nghiệm viên, giám định viên, kiểm định viên, chuyên gia đánh giá công nhận, chuyên gia năng suất chất lượng để hình thành đội ngũ chuyên gia đánh giá sự phù hợp của Việt Nam. Nghiên cứu, bổ sung quy định về thử nghiệm trọng tài, so sánh liên phòng, thử nghiệm thành thạo.

Thứ tư, về nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm soát viên chất lượng, để hình thành lực lượng kiểm soát viên chất lượng chính quy, chuyên nghiệp, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 51 của Luật CLSPHH, đề nghị bổ sung thêm vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cho lực lượng kiểm soát viên chất lượng, đặc biệt là chế độ, chính sách cho lực lượng này và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.

Thứ năm, các cam kết liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong CPTPP, EVFTA, RCEP mà Việt Nam đã ký kết cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trong Luật CLSPHH như quy định về Hợp pháp hóa lãnh sự; khái niệm Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau; khái niệm kiểm tra/xác minh; quy định về phí thực hiện đánh giá sự phù hợp; quy định về giải quyết khiếu nại liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp; quy định liên quan về tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài; thừa nhận kết quả công nhận của tổ chức công nhận.

Thứ sáu, bổ sung quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) trong Luật CLSPHH. Các nội dung liên quan khác cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và thông lệ quốc tế. Về Giải thưởng chất lượng quốc gia, chỉnh sửa, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách để gia tăng thêm quyền lợi và khích lệ các doanh nghiệp đạt giải; bổ sung cơ chế cho địa phương trong hoạt động tuyên truyền nâng cao phong trào áp dụng giải thưởng chất lượng; mở rộng phạm vi xét tặng giải thưởng chất lượng quốc gia đối với các cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, tổ chức đánh giá sự phù hợp, cơ sở tư vấn, đào tạo.

Về trách nhiệm của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan để giải quyết các trường hợp sản phẩm, hàng hóa còn bị chồng chéo, trùng lặp trong phân công, quản lý như hiện nay.

Căn cứ ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các văn bản có liên quan (Luật An toàn vệ sinh thực phẩm, Luật An toàn vệ sinh lao động và các văn bản luật chuyên ngành khác) và để thống nhất với trách nhiệm về xây dựng, ban hành QCVN của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung trách nhiệm của các bộ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành chuyên đề chất lượng sản phẩm, hàng hóa trọng điểm hằng năm để thực hiện vai trò thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá.

Về phí và lệ phí, xử lý vi phạm, rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy định về phí và lệ phí; trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá và xử lý vi phạm hành chính để phù hợp với các Luật hiện nay quy định về các nội dung này. Bổ sung quy định về quản lý chất lượng hàng hóa trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài đáp ứng điều kiện quy định tại Luật này và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Hán Hiển

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích