Để người lao động tăng cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội: Cần rút ngắn thủ tục đầu tư

Dành nhiều sự quan tâm cho nhà ở xã hội

Để tạo điều kiện cho người lao động thu nhập thấp có chốn an cư, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 486/QĐ-TTg về mức lãi suất cho vay ưu đãi để mua, thuê, mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa nhà để ở, với lãi suất là 4,8%/năm. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/5/2923- 31/12/2024..

Để người lao động tăng cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội: Cần rút ngắn thủ tục đầu tư
Dù có nhiều ưu đãi nhưng người dân vẫn khó mua được nhà ở xã hội.(Ảnh minh họa)

Trước đó, Chính phủ cũng công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Bốn ngân hàng thương mại Nhà nước đang triển khai cho vay gồm: Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank. Đối tượng cho vay thuộc các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; người vay là chủ đầu tư và người mua nhà các dự án.Theo gói tín dụng này, lãi suất đối với chủ đầu tư sẽ là 8,7%/năm, lãi suất đối với cá nhân là 8,2%. Thấp hơn 1,5-2% lãi suất cho vay thông thường của bốn ngân hàng thương mại Nhà nước. Thời gian cho vay ưu đãi là 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà.

Không chỉ vốn, ngày 3/4/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định 338/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”. Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 – 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Với sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước, dự án nhà ở xã hội nước ta đang có bước phát triển. Thông tin từ Bộ Xây dựng, trong quý 1/2023, cả nước có 418 dự án nhà ở xã hội (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư) đang được triển khai, với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn. Hiện, các ngân hàng thương mại ngoài Nhà nước cũng đang được khuyến khích tham gia, cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội vay các gói tín dụng theo từng thời kỳ. Bên cạnh sự tạo điều kiện từ Trung ương, tại các địa phương, chính quyền cũng đẩy mạnh chương trình xây dựng nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu nhà ở đang rất lớn của người dân. Có thể nói, chưa bao giờ phân khúc nhà ở xã hội được quan tâm, dồn lực như hiện nay.

Cần thêm các giải pháp tổng thể để khơi thông

Theo ghi nhận của phóng viên, nhu cầu vay vốn mua, thuê mua nhà ở xã hội rất lớn. Mức lãi suất cho vay 4,8%/năm được xem là “hấp dẫn” trong bối cảnh hiện nay. Thực tế, nhiều người đang phải vay mua nhà ở thông thường, nhà ở thương mại tại các ngân hàng với lãi suất bình quân khoảng 10%/năm. Một số ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất vay mua nhà tại thời điểm này lên tới 13%-14%/năm, gần gấp 3 lần mức lãi suất cho vay ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội từ Ngân hàng Chính sách xã hội.

Dù nhận được sự quan tâm nhưng thực tế, nhiều nghịch lý đang xảy ra ở phân khúc nhà ở xã hội. Đó là khó khăn trong thủ tục mua nhà, thời hạn cho vay ưu đãi ngắn hay không đủ nhà để mua… Anh Hoàng Văn Đô (quê Nghệ An) chia sẻ: “Khi nghe thông tin về việc lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội còn 4.8% năm chúng tôi rất phấn khởi vì cho rằng cơ hội mua nhà đã ở trước mắt. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ hai vợ chồng tôi đã tìm kiếm khá lâu nhưng chưa có dự án để mua, một số dự án hoàn thành thì mức giá quá cao so với thu nhập của chúng tôi”.

Trên thực tế, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I, cả nước chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới. Trong khi đó, nhu cầu mua nhà của người dân là rất lớn. Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Đào Văn Tài, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho rằng, hiện nay là các gói tín dụng liên quan đến nhà ở xã hội khó được giải ngân do không có dự án. Trong đó, rắc rối nhất là việc điều chỉnh quy hoạch cho dự án nhà ở xã hội được chuyển từ nhà ở thương mại sang và chính sách miễn tiền sử dụng đất, không thu tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, ký túc xá học sinh, sinh viên, nhà ở cho lực lượng vũ trang, nhà ở công vụ, nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước, xây dựng lại nhà chung cư. Đến nay, các quy định của pháp luật chưa xác định được trường hợp nào được miễn, trường hợp nào được giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Từ đó vô tình làm khó các cơ quan Nhà nước của địa phương trong thực thi pháp luật. Bên cạnh đó, quy trình miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các loại hình nhà ở trên cũng rất phức tạp, tốn thời gian khiến các chủ đầu tư không mặn mà.

Bên cạnh khó khăn do thiếu dự án, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội nhận định, việc Chính phủ thông qua chính sách cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất 4.8% là một giải pháp tốt, giúp tháo gỡ khó khăn cho người mua nhà. Tuy nhiên, điểm bất cập ở đây chính là thời gian cho vay ưu đãi chỉ kéo dài 5 năm, như vậy, mức chi trả hàng tháng của người dân quá lớn so với thu nhập. “Thiết nghĩ Nhà nước nên kéo dài thời gian cho vay lên 25, 30 năm để nhóm thu nhập thấp có thể tiếp cận được nhà ở”, ông Điệp nhấn mạnh.

Ông Điệp cũng cho rằng, ngoài việc kéo dài thời gian cho vay, Nhà nước nên có các biện pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính để chủ đầu tư có thể tham gia dự án xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời nâng mức lãi suất nhằm hấp dẫn nhà đầu tư. Hoặc trong tình trạng thiếu dự án như hiện nay, Nhà nước có thể phân loại các đối tượng và ưu tiên cho những người là thương, bệnh binh, người có công với đất nước… mua trước. Và đặc biệt, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương phải dành đúng 20% đất ở các khu đô thị từ 2ha trở lên để quy hoạch, xây dựng nhà ở xã hội.

Để hoàn thành một dự án nhà ở xã hội từ khâu duyệt, triển khai đến hoàn thiện ít nhất cũng mất khoảng 4 năm trở lên, trong khi mức lãi suất ưu đãi áp dụng mua, thuê nhà ở xã hội là 4,8% chỉ kéo dài 1,5 năm. Vì vậy, vấn đề mọi người dân quan tâm khi nhà ở xã hội vẫn chỉ nhỏ giọt, khi nhiều dự án vẫn nằm trên giấy thì người thu nhập thấp sẽ tiếp cận thế nào?Do đó, để người lao động tiếp cận được nhà ở xã hội, ngoài ưu đãi về suất điều quan trọng phải rút ngắn được chu kỳ (thời gian) thực hiện dự án để có nhiều nguồn cung.

Lê Thắm

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích