Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/5/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 24/5/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 24/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Lào Cai: Bảo tồn đa dạng sinh học vì mục tiêu phát triển bền vững

Theo thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), Lào Cai là địa phương được đánh giá cao về tính đa dạng sinh học do đặc thù về tự nhiên, khí hậu. Trên địa bàn tỉnh có 1 vườn quốc gia và 2 khu bảo tồn thiên nhiên là nơi lưu giữ, bảo tồn nguồn gen nhiều loài động vật, thực vật quý, hiếm.

Những năm qua, việc bảo tồn đa dạng sinh học tại Lào Cai được gắn với công tác bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường. Lào Cai xác định bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với việc phát triển sinh kế cho người dân, đảm bảo người dân được hưởng lợi, chia sẻ lợi ích từ việc bảo tồn đa dạng sinh học.

tm-img-alt
Lực lượng kiểm lâm và người dân phối hợp tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh minh họa

Trong những năm qua, Lào Cai đã ban hành các chỉ thị, văn bản, kế hoạch chỉ đạo về lĩnh vực quản lý đa dạng sinh học, bảo vệ rừng, bảo tồn nguồn gen… và từng bước đưa công tác quản lý vào nền nếp. Lào Cai là địa phương được sự quan tâm đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo đó, công tác quản lý, quy hoạch khoanh vùng, kiểm tra, giám sát được tăng cường; nhận thức của người dân, nhất là dân cư vùng lõi, vùng đệm các khu bảo tồn, vườn quốc gia và khách du lịch được nâng lên.

Công tác quản lý được thực hiện tốt đã từng bước ngăn chặn các hoạt động xâm hại, khai thác tài nguyên rừng và đa dạng sinh học, góp phần tích cực bảo vệ môi trường, bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Từ ngày 26/5, kết thúc đợt nắng nóng diện rộng ở Trung Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngày mai (25/5), khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi hơn 37 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-65%.

Từ ngày 26/5, nắng nóng diện rộng kết thúc ở các khu vực trên.

Cảnh báo, do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Ngoài ra, từ chiều tối 24/5 đến sáng sớm 25/5, ở Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.

Chiều tối và tối 25/5, ở vùng núi phía Tây khu vực từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi hơn 50mm.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Thái Nguyên: Cháy 5ha rừng thuộc vườn quốc gia Tam Đảo

Thông tin từ hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ cho biết, khoảng 15h ngày 23/5, tại khu vực hồ Suối Diễu, ở xóm La Phác, xã Khôi Kỳ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên bùng phát cháy rừng. Khu vực bị cháy là rừng tái sinh, thuộc quản lý của Vườn Quốc gia Tam Đảo. Đám cháy lan rộng khoảng 5ha.

tm-img-alt
Lực lượng chức năng cùng người dân dập tắt đám cháy

Sau khi nhận được thông tin, địa phương đã huy động trên 100 người, gồm lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Khôi Kỳ cùng người dân quanh vùng dập lửa. Đến 17h cùng ngày, đám cháy đã được khống chế.

Đến sáng 24/5, hạt Kiểm lâm huyện Đại Từ cùng phối hợp với Vườn Quốc gia Tam Đảo và chính quyền địa phương tham gia kiểm tra, xác định thiệt hại vụ cháy.

Hạn hán năm 2024 sẽ rất khốc liệt, ngành nông nghiệp lên kế hoạch ứng phó

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượng mưa trên toàn quốc phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm.

Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định hiện tượng El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5/2023, đầu tháng 6/2023 với xác suất khoảng 70-80%, tác động đến nhiều loại hình thời tiết ở Việt Nam. Năm 2023 được nhận định là năm sẽ xác lập nhiều kỷ lục nắng nóng do tác động của hiện tượng El Nino.

Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino thường gây thiếu hụt lượng mưa ở hầu hết các vùng trên cả nước, phổ biến từ 25 – 50%. Năm 2024 sẽ là năm hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn khốc liệt do tác động của El Nino, vì thế cần đưa ra kế hoạch ứng phó dài hơi ngay từ bây giờ.

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay hiện tại thời điểm cuối tháng 5/2023, nguồn nước trữ tại các hồ chứa ở Bắc Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ chỉ đạt khoảng 40 – 50% dung tích thiết kế, mực nước tại các hồ chứa ở Trung Bộ chỉ đạt khoảng 50 – 70% so với dung tích thiết kế.

Hiện tại một số hồ chứa thủy điện thường xuyên tham gia bổ sung nguồn nước cho hạ du có dung tích trữ thấp hơn 10 – 15% so với các các năm bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng 2015, 2016, như Bản Vẽ đang trữ 38% dung tích thiết kế, A Vương 44%, Đơn Dương 20%, Đại Ninh 20%, Hàm Thuận 13%.

Cục Thủy lợi cho biết hiện tại cả nước chuẩn bị vào gieo cấy lúa thu và mùa. Qua dự báo, tính toán và cân đối nguồn nước, tổng diện tích có nguy cơ thiếu nước trong vụ hè thu tới đây khoảng 10.000 – 15.000ha, trong đó Bắc Trung Bộ khoảng 7.500 – 10.000ha, Nam Trung Bộ khoảng 3.000 – 3.500ha.

tm-img-alt
Tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn.

Theo ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt, năm 2014 El Nino xuất hiện và vụ đông xuân năm 2015 – 2016 xảy ra hạn kỷ lục. Với hiện tượng El Nino, dự báo kéo dài trong hai năm nên vụ đông xuân 2024 – 2025 có thể sẽ có một đợt hạn khủng khiếp ở Đồng bằng sông Cửu Long và các khu vực khác.

Do vậy, cần phải đánh giá khu vực nào chịu ảnh hưởng nặng nhất, khả năng cấp nước sản xuất. Phải xác định các vùng trọng điểm bị hạn là những vùng bị hạn năm 2015 – 2016, có dự báo nguồn nước từ nay đến 2025, thậm chí 2026 để chủ động các giải pháp ngay từ bây giờ.

Tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho hội viên nông dân thị xã Sa Pa

Ngày 24/5, tại thị xã Sa Pa, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tổ chức tập huấn, tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho hội viên nông dân.

tm-img-alt
Quang cảnh buổi tập huấn

Buổi tập huấn có sự tham gia của 90 đại biểu là đại diện Phòng Kinh tế và Hội Nông dân thị xã Sa Pa; Hội Nông dân cấp xã và Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, đại diện các nhóm bảo vệ rừng cộng đồng trên địa bàn thị xã Sa Pa.

Đại biểu đã được phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chi trả dịch vụ môi trường rừng gồm: Luật Lâm nghiệp số 16/2017/QH14; Nghị định 156/2018/NĐ-CP; Nghị định 35/2019/NĐ-CP; các văn bản liên quan chính sách dịch vụ môi trường rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Qua tập huấn, cán bộ Hội Nông dân cấp cơ sở được nâng cao năng lực về thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; kỹ thuật lâm sinh cơ bản và phát triển kinh tế lâm nghiệp tạo sinh kế cho các hộ nông dân trên địa bàn thị xã Sa Pa.

Bên cạnh đó, các chủ rừng được nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng và hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng.

Đồng thời, cơ quan chuyên môn có điều kiện tiếp thu các ý kiến, tạo sự đồng thuận của người dân trong quá trình tổ chức triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại địa phương.

Mở rộng mạng lưới nước sạch cho người dân vùng nông thôn Yên Bái

Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ, được Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Yên Bái tích cực triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.

z4369857769803_2f29c47af19c4b34aabb77f0139af5d2.jpg
Trên 600.000 người dân của tỉnh Yên Bái được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh

Đối tượng được hưởng chương trình này là các hộ gia đình khu vực nông thôn, mỗi hộ gia đình sẽ được vay vốn ưu đãi 20 triệu đồng/1 hộ gia đình nhằm phục vụ việc xây mới, nâng cấp, sửa chữa, cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái, từ khi triển khai chương trình đến tháng 4/2023 đã có 92.577 hộ dân ở khu vực nông thôn được vay 959,7 tỷ đồng để làm mới, sửa chữa 149.509 công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn quốc gia. Trong đó, có 74.604 công trình nước sạch, 74.905 công trình vệ sinh. Dư nợ đến tháng 4/2023 là 559 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12,6% tổng dư nợ các chương trình.

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến tháng 4 năm 2023 đã cho 4.195 hộ vay với số tiền 83.879 triệu đồng để sửa chữa xây mới 8.388 công trình nước sạch và công trình vệ sinh. Trong đó, có 4.194 công trình nước sạch, 4.194 công trình vệ sinh.

Trong quá trình triển khai chương trình luôn ưu tiên cho các địa phương thuộc danh sách xây dựng nông thôn mới trong từng giai đoạn. Nguồn vốn cho vay đầu tư vào các công trình này đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao sức khoẻ, đời sống của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Huyện Trấn Yên là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái đạt chuẩn nông thôn mới, huyện đang phấn đấu trở thành huyện nâng cao trong thời gian tới. Trong đó, tiêu chí về nước sạch cũng là một trong những tiêu chí quan trọng, phòng giao dịch NHCSXH huyện Trấn Yên đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng tiêu chí này.

Bắc Giang: Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ trang trại nuôi lợn quy mô lớn không làm tốt công tác xử lý chất thải chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường nước sông, suối, ảnh hưởng cuộc sống các khu dân cư xung quanh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các chủ trang trại, chưa quan tâm chú trọng công tác xử lý chất thải chăn nuôi, đầu tư hệ thống xử lý chưa tương xứng. Có trường hợp xây dựng chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn nhưng lại không quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải bài bản…

Bắc Giang, Chăn nuôi, gắn với, bảo vệ, môi trường
Một bể xử lý chất thải không đạt chuẩn tại trang trại nuôi lợn ở xã Quang Thịnh (Lạng Giang).

Thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT), thời điểm cuối năm 2022, toàn tỉnh có hơn 630 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có gần một nửa là chăn nuôi lợn với khoảng 1,1 triệu con gia súc (lợn hơn 900 nghìn con) và 20 triệu con gia cầm; ngoài ra còn hơn 170 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo đó, tổng lượng chất thải từ hoạt động chăn nuôi thải ra rất lớn: Chất thải rắn 8.769 tấn/ngày (khoảng 3,2 triệu tấn/năm ); chất thải lỏng 3.411 m3/ngày (khoảng 1,2 triệu m3/năm).

Toàn tỉnh có hơn 630 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, trong đó có gần một nửa là chăn nuôi lợn. Ngoài ra còn hơn 170 nghìn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tổng lượng chất thải từ hoạt động chăn nuôi thải ra môi trường rất lớn: Chất thải rắn 8.769 tấn/ ngày (khoảng 3,2 triệu tấn/năm ); chất thải lỏng 3.411 m3/ngày (1,2 triệu m3/năm).

Thông tin từ Chi cục bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), việc xử lý chất thải chăn nuôi chủ yếu mới được quan tâm thực hiện tại các trang trại, cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. Tuy nhiên, không ít trang trại thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo kiểu đối phó, có tâm lý ưu tiên phát triển kinh tế, xem nhẹ môi trường.

Điển hình gần đây là vụ hộ ông Trịnh Văn Thế ở xã Quang Thịnh (Lạng Giang), đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn kinh phí nhiều tỷ đồng theo hướng tự phát, không bài bản, gây ô nhiễm môi trường nước sông Thương, bị cơ quan chức năng “tuýt còi” buộc dừng hoạt động. Đối với chất thải chăn nuôi tại các nông hộ, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ven các khu đô thị, thị trấn, thị tứ, khu dân cư phần đa chưa được xử lý theo quy định mà xả thẳng trực tiếp ra môi trường qua hệ thống thoát nước thải, nước mưa hoặc ra ao, hồ sông suối.

Lượng chất thải lớn, tình trạng vi phạm xả thải còn phổ biến, nhưng công tác quản lý, xử lý vi phạm về xả thải trái phép trong chăn nuôi còn nhiều bất cập do trên địa bàn tỉnh chưa quy hoạch được khu vực cấm chăn nuôi. Việc xử lý vi phạm về quản lý chất thải rắn trong lĩnh vực này chưa được cụ thể hóa, mức xử phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe. Vi phạm trên thực tế nhiều, nhưng xử lý ít. Lực lượng chức năng chủ yếu mới xử lý được các trường hợp vi phạm qua đơn thư, phản ánh, tố cáo của công dân.

Long An: Ý nghĩa từ mô hình Ngôi nhà xanh

Xuất phát từ thực tế trong sinh hoạt hàng ngày, các loại phế liệu như vỏ lon, rác thải nhựa, bìa carton,… sau khi sử dụng thường vứt bừa bãi, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng đến môi trường, Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế (ĐBP CKQT) Bình Hiệp (tỉnh Long An) chủ động xây dựng kế hoạch triển khai mô hình Ngôi nhà xanh, thu gom phế liệu gây quỹ giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

tm-img-alt
Đoàn viên, thanh niên Chi đoàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp gom phế liệu bán gây quỹ hỗ trợ học sinh nghèo

Ngôi nhà xanh được thiết kế bằng khung thép chắc chắn, lợp mái tôn, bọc lưới xung quanh, được đặt ngay trong khuôn viên của đơn vị, tiện lợi cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) bỏ phế liệu. Hàng ngày, ĐVTN đơn vị thu gom rác thải có thể tái chế cho vào Ngôi nhà xanh. Hàng quí, Chi đoàn gom số lượng rác thải thu được đem bán. Số tiền này, Chi đoàn phối hợp Đoàn Thanh niên địa phương và nhà trường mua tập, sách, đồ dùng học tập,… tặng cho HS có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nơi đóng quân.

Qua hơn 2 năm thực hiện mô hình Ngôi nhà xanh, từ nguồn quỹ bán phế liệu và nguồn kinh phí vận động, Chi đoàn ĐBP CKQT Bình Hiệp phối hợp Đoàn Thanh niên địa phương và nhà trường xã Bình Hiệp và Bình Tân trao trên 140 phần quà (gồm tập, sách, viết, bánh, sữa) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trị giá trên 28 triệu đồng.

Cùng với mô hình Ngôi nhà xanh giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn, những năm qua, nhiều mô hình khác được cán bộ, chiến sĩ ĐBP CKQT Bình Hiệp triển khai, thực hiện giúp người dân khu vực biên giới như Hũ gạo tình thương, Cháo nghĩa tình, Mỗi tuần một địa chỉ,… Hoạt động nghĩa tình của cán bộ, chiến sĩ đã để lại hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng người dân biên giới./.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích