Khai thác ‘mỏ vàng’ tài nguyên số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Sáng 24/5/2023 tại Trung tâm hội nghị quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội đã chính thức khai mạc Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2023 (Vietnam – Asia DX Summit 2023)… Diễn đàn một trong những sự kiện công nghệ lớn nhất trong năm, được tổ chức bởi Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) trong hai ngày 24-25/5/2023 tại Hà Nội dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông. 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà: Cần khai thác “mỏ vàng” tài nguyên số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Với chủ đề “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2023 có sự tham dự của gần 600 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp hàng đầu về cung cấp dịch vụ Chuyển đổi số đa ngành giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất. 

Cùng với đó là 06 phiên hội nghị bao gồm 01 phiên khai mạc và 05 phiên chuyên đề: Hạ tầng dữ liệu số và bảo mật an toàn thông tin; Chuyển đổi số tại Việt Nam – Châu Á và các cơ hội hợp tác; Kết nối, chia sẻ dữ liệu phát triển Chính phủ/Chính quyền số; Tài chính – Ngân hàng; Hợp tác công nghệ thông tin Việt Nam – Châu Á đã đem tới cho các đại biểu góc nhìn đa chiều và thực tế nhất về bức tranh chuyển đổi số tại Việt Nam.  

Cần chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia 

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, xếp hạng dữ liệu mở của Việt Nam năm 2022 đứng thứ 86/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với xếp hạng năm 2020. 

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm được hoàn thành và kết nối, chia sẻ trên toàn quốc; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế xã hội. 

Mục tiêu đến năm 2030, hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước, giảm 30% thủ tục hành chính; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp. 

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Văn Khoa- Chủ tịch VINASA chia sẻ, chuyển đổi số tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn tạo ra những kết quả thực, giá trị thiết thực. Đây là lúc cơ sở dữ liệu phát huy vai trò và sức mạnh. Phát triển kinh tế số Việt Nam cần sự hợp lực từ tất cả các cấp chính trị, các thành phần kinh tế. Đây là lúc cơ sở dữ liệu phát huy vai trò và sức mạnh để tạo những ra giá trị thiết thực cho phát triển kinh tế xã hội. 

Ông Nguyễn Văn Khoa- Chủ tịch VINASA: Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia

Để thúc đẩy tiến trình này, theo ông Nguyễn Văn Khoa, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Chiến lược sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số tại Việt Nam. 

“Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số sẽ chung tay tư vấn, góp ý xây dựng hàng lang pháp lý thông thoáng; tham gia xây dựng những hạ tầng dữ liệu số tiên tiến, hiện đại, hiệu quả; hỗ trợ kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các địa phương, các cơ quan, ban, ngành; và quan trọng nhất là xây dựng mô hình và hợp tác khai thác dữ liệu nhằm tạo ra những dịch vụ mới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế xã hội”- Chủ tịch VINASA nhấn mạnh. 

Cần khai thác mỏ vàng dữ liệu số 

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định: “Chuyển đổi số không thể một người làm được, không thể một tổ chức làm được. Chuyển đổi số không thể một nước, một chính phủ làm được mà chuyển đổi số, tất cả mọi người, mọi thành phần đều phải tham gia thì chúng ta mới có tài nguyên số.

Tài nguyên số còn hơn cả một “mỏ vàng”, là một nguồn tài nguyên vô tận từ tư duy, sáng tạo và trí tuệ mà thế giới đã và đang tạo lập và khai thác. Đó là một nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, giúp chúng ta phục hồi tài nguyên tự nhiên, thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá”.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ từ công nghệ thông tin sang công nghệ số. Toàn bộ nền kinh tế đang chuyển đổi mạnh mẽ với những thành tựu công nghệ mới đáng ghi nhận. Chính phủ phải đặt vai trò dẫn dắt, đặt trách nhiệm là người lái con tàu chuyển đổi số, có như vậy, kinh tế số, xã hội số sẽ cùng phát triển. Tuy nhiên, khoa học công nghệ thay đổi liên tục, doanh nghiệp cũng vận động liên tục. Do vậy, các doanh nghiệp, các chuyên gia chuyển đổi số cần có trách nhiệm và chủ động tham vấn, xây dựng chính sách cùng Chính phủ.

“Chuyển đổi số là câu chuyện toàn cầu. Cả thế giới đang có nhu cầu chuyển đổi số. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần xác định tham gia chuyển đổi số là tham gia thị trường toàn cầu, là đi ra thế giới, giải quyết các bài toán lớn của quốc tế sau đó mang những công nghệ, kinh nghiệm, kiến thức để giải các bài toán của Việt Nam, đưa ra những mô hình kinh tế mới hiệu quả cho nền kinh tế; kiến tạo những giá trị mới cho đất nước”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với các đại biểu tại Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2023. Ảnh: VINASA  

Tại hội nghị, đại diện các Tập đoàn công nghệ lớn Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, MISA, FSI đã chia sẻ những mô hình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và chính quyền trong tạo lập và khai thác dữ liệu số, đưa ra những dịch vụ số cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Các đại biểu quốc tế cũng chia sẻ mô hình hợp tác hữu ích. Cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số kỳ vọng và thể hiện quyết tâm luôn sẵn sàng sát cánh cùng Chính phủ, các địa phương, các ban, bộ, ngành, tổ chức để chung tay phát triển kinh tế số tại Việt Nam.

Theo Vietnam – Briefing thị trường dữ liệu của Việt Nam dự kiến đạt 1,82 tỷ USD vào cuối năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường dự kiến là 5,32% trong giai đoạn 2023-2027.

Đồng thời, năm 2023 đã được Bộ TT&TT xác định là “Năm dữ liệu số quốc gia” với 4 nhóm nội dung chủ yếu, bao gồm: Phát triển dữ liệu mở; Phát triển cơ sở dữ liệu; Phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; Nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Lê Kim Liên 

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích