Khánh Hòa: Chuyện lạ, vì sao tồn tại 02 bộ hồ sơ song song tại dự án đường gom dọc Quốc lộ 27C?
(Xây dựng) – Chỉ trong vòng nửa tháng, sau hai lần cung cấp thông tin cho phóng viên Báo điện tử Xây dựng, đại diện Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Diên Khánh đã “vô tình” trưng ra 02 bộ hồ sơ có tính pháp lý như nhau, tồn tại song song nhưng khác nhau về nội dung chấp thuận nguồn vật liệu đầu vào cho dự án.
Có rất nhiều bất cập trong hồ sơ chấp thuận nguồn vật liệu đầu vào tại dự án đường gom dọc Quốc lộ 27C. |
Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Diên Khánh. Đơn vị tư vấn giám sát là Công ty TNHH 2D. Đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng đường bộ Khánh Hòa.
“Phù phép” 02 bộ hồ sơ khác nhau trong 01 dự án
Sau loạt bài phản ánh của phóng viên Báo điện tử Xây dựng về tình trạng sử dụng nguồn đất “lậu” để tiến hành san lấp tại dự án đường gom dọc Quốc lộ 27C (nằm trong khu Trung tâm hành chính mới huyện Diên Khánh), trong buổi làm việc ngày 28/4/2023, ông Lê Công Hiếu – đại diện Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Diên Khánh đã cung cấp cho phóng viên: Biên bản chấp thuận nguồn vật liệu đầu vào.
Nội dung biên bản chấp thuận nguồn vật liệu đầu vào cấp cho phóng viên ngày 28/4/2023 nêu rõ: Qua theo dõi thực hiện các thí nghiệm kiểm tra, Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Diên Khánh và đơn vị tư vấn là Công ty TNHH 2D thống nhất nguồn vật liệu đất đắp cho dự án sẽ lấy từ mỏ đất Hòn Cậu (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Nguồn đất tại mỏ Hòn Cậu được các bên đánh giá là đạt yêu cầu.
Cũng theo kết luận của biên bản trên, các bên chấp thuận cho đơn vị thi công chỉ sử dụng nguồn vật liệu có nguồn gốc và chủng loại tại mỏ đất Hòn Cậu làm nguồn đất đắp cho dự án.
Phần lớn nguồn đất đắp dự án được lấy trái phép từ mỏ đá Tây Hòn Ngang do Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Giao thông Khánh Hòa khai thác. |
Sau khi được cung cấp đầy đủ hồ sơ từ Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Diên Khánh (chủ đầu tư dự án), phóng viên Báo điện tử Xây dựng tiếp tục thông tin, đăng tải bài viết: “Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Đường bộ Khánh Hòa gian dối khi thi công dự án đường gom dọc Quốc lộ 27C”.
Nội dung bài viết chủ yếu xoay quanh câu chuyện: Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng Đường bộ Khánh Hòa đề xuất nguồn đất đắp dự án “một đằng” nhưng lại đi thu gom đất “một nẻo”, gian dối khi tiến hành thi công san lấp nền dự án đường gom dọc Quốc lộ 27C.
Xâu chuỗi giữa hình ảnh phóng viên thu thập, việc đơn vị thi công dự án dùng đất mỏ đá Tây Hòn Ngang để đắp nền dự án và hồ sơ chủ đầu tư cung cấp về nguồn đất đắp dự án phải lấy từ mỏ đá Hòn Cậu, bài viết trên đã chứng minh rõ sai phạm của đơn vị thi công về việc sử dụng nguồn đất đắp không đúng phê duyệt ban đầu.
Sai phạm của đơn vị thi công “rành rành” như vậy nhưng trong Báo cáo số 2131/UBND ngày 11/5/2023 của UBND huyện Diên Khánh gửi Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Khánh Hòa sau bài viết của Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Tấn Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh lại cho rằng: “Nội dung phản ánh trên Báo điện tử Xây dựng về việc đơn vị thi công tận thu mỏ đá thành đất san lấp dự án đường gom dọc Quốc lộ 27C là chưa chính xác”.
Để rộng đường dư luận và tiếp tục làm rõ hơn câu trả lời của lãnh đạo UBND huyện Diên Khánh với Sở Thông tin và Truyền thông Khánh Hòa, khi cho rằng Báo điện tử Xây dựng thông tin không chính xác, phóng viên đã tiếp tục tìm gặp, phỏng vấn và yêu cầu Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Diên Khánh cung cấp thông tin xung quanh câu chuyện trên.
Bất ngờ, là trong lần cung cấp thông tin lần này vào ngày 15/5/2023, đại diện Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Diên Khánh đã trưng ra một bộ hồ sơ mới, có nhiều nội dung khác so với bộ hồ sơ ban đầu đã cung cấp cho phóng viên Báo điện tử Xây dựng trong buổi làm việc ngày 28/4/2023. Đặc biệt, điểm khác quan trọng nhất là nguồn đất đắp cho dự án.
Biên bản chấp thuận nguồn vật liệu đầu vào cấp cho phóng viên ngày 28/4/2023 ghi rõ: “Nguồn vật liệu đất đắp cho dự án sẽ lấy từ mỏ đất Hòn Cậu (xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) và nguồn đất tại mỏ Hòn Cậu được các bên đánh giá là đạt yêu cầu”.
Thế nhưng, biên bản chấp thuận nguồn vật liệu đầu vào cấp cho phóng viên ngày 15/5/2023 ghi rõ: “Nguồn vật liệu đất dắp cho dự án sẽ lấy từ mỏ đất Hòn Cậu và mỏ đá Tây Hòn Ngang. Và nguồn đất tại 02 mỏ đất đá này được các bên đánh giá là đạt yêu cầu”.
Sự “vô lý” hay “mập mờ” về nguồn gốc đất đắp cho dự án nằm ngay trong các bộ hồ sơ về biên bản chấp thuận vật liệu đầu vào của Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Diên Khánh. |
Như vậy, cùng một biên bản của chủ đầu tư đưa ra nhưng tồn tại 02 nội dung hoàn toàn khác nhau. Đây là chuyện khôi hài, rất lạ, chưa từng gặp ở bất kỳ một dự án nào. Phải chăng, việc cho tồn tại song song 02 biên bản như vậy trong 01 dự án là cách làm mới của huyện Diên Khánh khi tiến hành đầu tư, xây dựng các dự án?
Thừa nhận sai phạm; đối phó thanh tra, kiểm toán
Bức xúc vì thông tin được cung cấp bị “bóp méo”, phóng viên Báo điện tử Xây dựng tiếp tục tranh luận với ông Lê Công Hiếu – đại diện Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Diên Khánh vì sao lại có chuyện tồn tại 02 văn bản khác nhau trong 01 dự án? Liệu có phải việc tồn tại 02 nguồn cung cấp đất khác nhau trong 02 văn bản là để hợp thức hóa sai phạm cho đơn vị thi công?…
Bất ngờ, ông Lê Công Hiếu – đại diện Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Diên Khánh thừa nhận: Việc tồn tại 02 bộ hồ sơ trong 01 dự án là để hợp thức hóa việc lấy đất từ mỏ đá Tây Hòn Ngang đắp nền cho dự án.
Theo ông Hiếu, việc tồn tại 02 hồ sơ khác nhau trong 01 dự án là để sau này có thanh tra, kiểm toán vô làm việc thì có cái cung cấp cho đúng.
Ông Lê Công Hiếu được Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Diên Khánh phân công quản lý trực tiếp dự án trên. |
Ông Hiếu thông tin thêm: Ban thừa nhận sai là biết mỏ đá Tây Hòn Ngang không đủ chức năng cung cấp đất để san lấp nhưng phía đơn vị thi công đã cung cấp hóa đơn mua bán nên chủ đầu tư vẫn cho đổ đất vào dự án.
“Lý do vì mỏ đất Hòn Cậu trữ lượng một năm khai thác chỉ 55.000m3. Trong khi lượng đất san lấp cho dự án là 65.000m3. Do không đủ đất đắp nên chủ đầu tư và tư vấn giám sát đã tự ý cho phép đơn vị thi công tìm nguồn đắp thêm 10.000m3, dù biết đó là sai sót”, ông Hiếu – Đại diện Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng Diên Khánh thừa nhận.
Nguồn: Báo xây dựng