Để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp

Để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh 1.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sáng 22/5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Kỳ họp diễn ra ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng cả về công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết tại phiên họp trù bị, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành.

Theo đó, kỳ họp thứ 5 được chia làm 2 đợt, họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Cụ thể, đợt 1 từ ngày 22/5 – 10/6; đợt 2 từ ngày 19 – 24/6 (dành 1 tuần giữa 2 đợt để các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan xây dựng báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH và chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp).

Dự kiến trong 23 ngày làm việc, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng về công tác lập pháp; kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động giám sát tối cao; công tác nhân sự.

Xem xét, quyết định nhiều dự án luật

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, trong đó có 6 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 là: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; 2 dự án luật là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo quy trình tại một kỳ họp.

Quốc hội cũng xem xét, ban hành 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, gồm: Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tại kỳ họp này, Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ 2 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi); cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác, bao gồm: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (trong trường hợp Quốc hội thống nhất bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023).

Đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là một đạo luật quan trọng, phức tạp, giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách, quy định trong rất nhiều luật khác, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, tới tất cả các tổ chức và từng người dân.

Dự án đã được tiếp thu, hoàn chỉnh trên cơ sở ý kiến ĐBQH tại kỳ họp thứ 4 và hơn 12 triệu lượt góp ý của các tầng lớp nhân dân. Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 ngày 23/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đối tượng được lấy ý kiến rất đa dạng, bao gồm: Các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương; Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các tổ chức kinh tế khác; các viện nghiên cứu, trường đại học và các chuyên gia, nhà khoa học… 

Thông qua nhiều hình thức phong phú, các ý kiến đã tham gia sôi nổi vào việc hoàn chỉnh nhiều vấn đề của dự thảo Luật, trong đó tập trung vào 4 vấn đề quan trọng: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Việc lấy ý kiến nhân dân thực sự đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, phát huy sâu sắc quyền làm chủ của nhân dân, góp phần tạo nên bước tiến quan trọng về chất lượng của dự thảo Luật.

Nhấn mạnh, với 20 dự án, dự thảo được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp này, trong đó có nhiều dự án, dự thảo có nội dung phức tạp, phạm vi tác động rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích của đại đa số người dân và doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH dành thời gian nghiên cứu, tập trung thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá tính đồng bộ và sự phù hợp của các dự án, dự thảo với Hiến pháp và đường lối, chủ trương của Đảng, cân nhắc thận trọng về tính hợp lý, khả thi, tác động của các chính sách mới được đề xuất;…

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm

Về kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội xem xét Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Đồng thời, xem xét, quyết định các nội dung quan trọng về: Giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội; chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27 C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ những tháng đầu năm 2023, mặc dù bối cảnh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhưng kinh tế vĩ mô nước ta tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân cơ bản ổn định, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính giảm mạnh do lạm phát, căng thẳng địa chính trị, các nước thắt chặt chính sách tiền tệ… đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của nước ta.

Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tập trung phân tích cụ thể, đánh giá khách quan, sát thực, toàn diện, thẳng thắn về kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, nhất là trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm; giải ngân vốn đầu tư công, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ, các vấn đề về văn hóa, lao động, an sinh xã hội…; làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân khách quan, chủ quan cả trong công tác tổ chức thực hiện và những vấn đề liên quan đến chính sách, thể chế, pháp luật; những khó khăn hạn chế của nội tại nền kinh tế; dự báo sát với tình hình thời gian tới.

Từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, kịp thời, nhất là có giải pháp hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025.

Để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp - Ảnh 2.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị ĐBQH nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, dự báo những vấn đề lớn, mới có thể phát sinh, đề xuất giải pháp phù hợp để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch

 Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.

Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đặc biệt là báo cáo về kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội phân tích, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện và quy định của pháp luật, các nguyên nhân khách quan, chủ quan; kiến nghị các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc còn tồn đọng trong quản lý và sử dụng các nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID-19…

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét một số báo cáo của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, MTTQ Việt Nam, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị ĐBQH nghiên cứu kỹ lưỡng các báo cáo, dự báo những vấn đề lớn, mới có thể phát sinh, đề xuất giải pháp phù hợp để Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Về công tác nhân sự, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự ngay tại đầu kỳ họp.

Cụ thể là xem xét, cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XV, miễn nhiệm và bầu chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ TN&MT nhiệm kỳ 2021-2026.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị ĐBQH xem xét, thảo luận kỹ lưỡng để việc quyết định công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đạt sự đồng thuận, thống nhất cao.

“Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và thông qua nhiều nội dung rất quan trọng, thu hút sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của cử tri, nhân dân cả nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi đề nghị các vị ĐBQH phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng để các quyết sách của Quốc hội thực sự đồng hành, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh./.

 

Theo Báo Chính Phủ

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích