Thanh Hoá: Cát nhân tạo đang dần thay thế cát tự nhiên
(Xây dựng) – Cát tự nhiên đang dần cạn kiệt, để đảm bảo tính bền vững tỉnh Thanh Hoá đang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, sản xuất cát nhân tạo từ đá thải tại các mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng, qua đó nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hàng chục tỷ đồng để sản xuất cát nhân tạo bù đắp cho sự thiếu hụt cát tự nhiên.
Cát nhân tạo đang bù đắp sự thiếu hụt của cát tự nhiên trên thị trường và dần thay thế cát tự nhiên trong tương lai. |
Theo khảo sát của Sở Xây dựng, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có 168 mỏ, khu mỏ đá vôi trên địa bàn 23 huyện, thị xã, thành phố đủ điều kiện để sản xuất cát nghiền nhân tạo với trữ lượng 600 triệu m3. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 12 dự án đã và đang đầu tư sản xuất cát nghiền với công suất thiết kế khoảng 1,135 triệu m3/năm; có khả năng thay thế trên 50% tổng sản lượng cát tự nhiên. Các sản phẩm cát nghiền sản xuất trên địa bàn tỉnh đang áp dụng tiêu chuẩn quốc gia 9205:2012, đủ điều kiện để sử dụng đại trà và được công bố giá. Cát nghiền có ưu điểm là loại bỏ được tạp chất, hạt đều, có khả năng thay thế được cát tự nhiên trong một số lĩnh vực, đặc biệt là trộn bê tông và sản xuất gạch không nung, giá thành lại thấp hơn cát tự nhiên từ 10-20 nghìn đồng/m3.
Được biết, Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 Thanh Hóa sẽ phát triển các sản phẩm cát nhân tạo đáp ứng nhu cầu sử dụng. Mục tiêu đến năm 2025 sử dụng tối thiểu 30% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp và xây dựng để thay thế cát tự nhiên; năm 2030 sử dụng tối thiểu 40% cát nghiền, cát tái chế từ phế thải công nghiệp.
Để phát triển cát nhân tạo, ngày 17/7/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 20/2021/NQ-HĐND về Chính sách khuyến khích phát triển khoa học và công nghệ trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Nghị quyết 20). Theo đó, các tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác), hộ gia đình, cá nhân đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện và hoàn thành việc đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ công nghệ – thiết bị sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền) trong khoảng thời gian từ ngày nghị quyết có hiệu lực đến ngày 31/12/2025. Máy móc, thiết bị được đầu tư mới hoặc đổi mới toàn bộ phục vụ sản xuất cát nhân tạo phải mới 100%, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; có công suất thiết kế > 50 tấn/giờ; sản phẩm cát nhân tạo phải được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải sản xuất và tiêu thụ được ít nhất 75.000 tấn cát (tương đương khoảng 50.000m3) tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Mức hỗ trợ 30% tổng giá trị đầu tư, bao gồm: Chi phí mua sắm máy móc, thiết bị; chi phí chuyển giao kỹ thuật, công nghệ (nếu có); chi phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật. Mức hỗ trợ tối đa không quá 5 tỷ đồng/tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
Qua khảo sát của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, những năm gần đây một số địa phương đã chủ động đưa cát nghiền vào một số công trình xây dựng có nguồn vốn ngân sách Nhà nước, điển hình như huyện Nga Sơn, đã dùng cát nghiền làm cát đệm vỉa hè, bê tông… từ đó giảm tải cho cát tự nhiên, giảm thiểu tác động tới môi trường trong việc khai thác cát tự nhiên.
Để phát triển cát nhân tạo dần thay thế cát tự nhiên, Sở Xây dựng Thanh Hoá kêu gọi các đơn vị lắp đặt máy nghiền cát tiến tới thay thế sử dụng cát tự nhiên trong công trình xây dựng đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với công suất được cấp phép khai thác đáp ứng nhu cầu sử dụng.
Nguồn: Báo xây dựng