Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề xuất xây dựng Luật Đô thị đặc biệt

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề xuất xây dựng Luật Đô thị đặc biệt

Từ thực tiễn triển khai các Nghị quyết của Quốc hội thí điểm các cơ chế, chính sách ở các địa phương, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng đã đến lúc bắt tay xây dựng Luật Đô thị đặc biệt.

Đề xuất bổ sung xây dựng dự án Luật Đô thị đặc biệt vào đề án định hướng, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XV được đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) đưa ra sáng 23.5 khi thảo luận tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề xuất xây dựng Luật Đô thị đặc biệt
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Phạm Thắng

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM đã nêu rõ Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo xem xét hoàn thiện thể chế, chính sách về đô thị đặc biệt, chính quyền đô thị.

Như vậy, đã đến lúc cần xây dựng Luật Đô thị đặc biệt để điều hành, quản lý các đô thị đặc biệt bằng văn bản quy phạm pháp luật có tính chất phổ quát. “Thời gian qua, chúng ta triển khai các Nghị quyết của Quốc hội có tính chất thí điểm, các dạng thí điểm khác nhau cũng là cơ sở để chúng ta bắt tay xây dựng dự án Luật Đô thị đặc biệt” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Theo vị đại biểu đoàn TP.HCM, Luật Đô thị đặc biệt là định hướng cho sự phát triển của các đô thị khác của nước ta như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ…

Về Luật Luật sư, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết việc sửa đổi Luật này được thực hiện vào năm 2012. Thời điểm lúc đó cả nước có 5.000 luật sư, đến nay đã có gần 20.000 luật sư. “Nước ta cũng đã gia nhập nhiều công ước và hiệp định quốc tế, trong đó vai trò của luật sư rất quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp”- đại biểu Nghĩa nói và đề nghị bổ sung việc sửa đổi Luật Luật sư vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Tham gia thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nêu rõ phương châm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội là chủ động từ sớm, từ xa nhưng trong thực tế đang còn nhiều bất cập.

Theo đại biểu Thắng, việc thay đổi, bổ sung, điều chỉnh còn nhiều so với chương trình chính thức, việc này diễn ra nhiều năm. Đại biểu cho rằng yếu tố dự báo chưa cao, yêu cầu thực tiễn cuộc sống đòi hỏi phải có điều chỉnh, bổ sung hay do kỷ luật, kỷ cương không được thực hiện một cách nghiêm túc, còn tình trạng nể nang, tùy tiện.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng có tình trạng làm luật còn cập rập, vội vàng và thiếu chắc chắn. Cùng với đó, tuổi thọ của các dự án luật ngày càng được “trẻ hóa”. “Một số dự án luật mới ban hành 2 – 3 năm lại sửa đổi, bổ sung. “Đây là vấn đề đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm, yêu cầu phải được mổ xẻ, làm rõ, có giải pháp khắc phục dứt điểm, không né tránh, không nể nang”- vị đại biểu đoàn Quảng Trị nhấn mạnh.

Còn cài cắm lợi ích khi làm luật

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) cho rằng hoạt động lập pháp vẫn còn có những hạn chế nhất định, trong đó có 3 hạn chế cố hữu. Một là việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh. Việc thay đổi thường xuyên với chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm chứa đựng tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, không bảo đảm và không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Hai là chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến trong các đạo luật. Chứa đựng quy phạm chính trị tức là chứa đựng những định hướng, những nội dung hàm súc chưa thể hướng dẫn được hành vi của con người và hệ quả là phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn.

Ba là kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa xác định rõ và đặc biệt là quá trình xây dựng chương trình luật pháp lệnh còn cài cắm lợi ích.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích