Đông Anh: Có hay không sự gian dối phía sau bữa ăn bán trú của trẻ mầm non?
Quy định đưa thực phẩm vào trường học đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
Cũng giống như nhiều cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn Hà Nội, việc cung cấp thực phẩm vào các trường học, được tổ chức theo hai hình thức chính: Trường tự tổ chức bếp ăn, mua nguyên vật liệu, thực phẩm và thuê người nấu, phục vụ; và Trường ký hợp đồng với một đơn vị cung cấp các suất ăn sẵn, khoảng 80% các trường học thực hiện theo hình thức này.
Đối với cả hai hình thức này, các trường đều thực hiện theo các quy định về An toàn Thực phẩm trường học. Cụ thể, theo quy định về việc bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm trong trường tại Điều 6, Thông tư Liên tịch số 13/2016/TTLB-BYT-BGDĐT nêu rõ:
“Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm
1. Trường học có bếp ăn nội trú, bán trú
a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo khoản 1, khoản 2, khoản 3, mục VI và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo khoản 5 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07:2010/BYT) phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT;
b) Bếp ăn, nhà ăn (khu vực ăn uống), căng tin trong trường học bảo đảm theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố;
c) Đối với người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn trong trường học phải bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe theo quy định Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
2. Đối với các trường học không có bếp ăn nội trú, bán trú ký hợp đồng với các cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp thức ăn cho học sinh; căng tin của nhà trường phải bảo đảm yêu cầu tại điểm b khoản 1 Điều này.”
Về quy định, thực phẩm hoặc đồ ăn đưa vào trường học phải theo quy định của quy trình kiểm thực ba bước, là việc thực hiện kiểm tra, ghi chép và lưu giữ tài liệu tại cơ sở ghi chép nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) trong suốt quá trình từ khi nhập nguyên liệu, thực phẩm, sơ chế, chế biến, phân chia, bảo quản và vận chuyển thức ăn cho đến khi ăn uống tại cơ sở.
… nhưng thực tế suất ăn cho trẻ lại từ chợ đầu mối
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương hiệu nông thôn nhận được thông tin về nội dung cung cấp thực phẩm có dấu hiệu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại trường mầm non. Cụ thể, Công ty TNHH thương mại và sản xuất TPS Việt có địa chỉ tại thôn Du Ngoại, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội cung cấp thực phẩm ở chợ đầu mối Long Biên, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào các trường mầm non trên địa bàn huyện Đông Anh như: trường mầm non Tuổi Thơ, mầm non Việt Hùng, mầm non Thuỵ Lâm, mầm non Bình Minh, mầm non Bình Tâm, mầm non Hoa Hồng,…
Trong vai nhà thầu mới gia nhập “thị trường” cung cấp suất ăn trường học, phóng viên tìm cách làm quen với các đầu mối cung cấp thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sau nhiều thời gian, chúng tôi được ông N.D.T (nhân vật đã được đổi tên) – Vị này từng kinh doanh trong lĩnh vực này tiết lộ: “Làm món này mà đi mua rau Vietgap hay thịt gà, thịt lợn sạch trong trang trại thì chỉ có ăn cám. Cứ ra chợ mà hỏi!”.
Phóng viên vờ ngờ nghệch hỏi: “Anh ơi, nếu cấp vào các trường họ đòi phải chứng minh nguồn gốc thực phẩm, ra chợ họ có cái đấy không anh?”. Ông N.D.T cười khểnh nói: “Chú có bị hâm không, hàng ở các nơi đổ về cứ chỗ nào rẻ mình nhập chứ ai cần biết nguồn gốc xuất xứ, cả hàng trong nước lẫn từ Trung Quốc. Kể cả các công ty đổ vào trường học cũng đâu đòi hỏi giấy tờ. Nếu cần giấy tờ phải đến các vùng rau an toàn, cơ sở nuôi chế biến đàng hoàng, nhưng giá đắt lắm gấp mấy lần cơ, chú chịu nổi không? Không ai dại mà nhập ở đấy đâu, mà cũng không đủ số lượng để cung cấp cho các bố.”
“Thông thường các công ty cung cấp thực phẩm sạch cho trường học sẽ ký hợp đồng với bên thứ 3 nhằm hợp thức hoá giấy tờ. Bên thứ 3 là các đơn vị cung cấp thực phẩm có nguồn gốc đàng hoàng, mình có thể mỗi ngày nhập một lượng nhỏ để lấy hoá đơn. Còn lại nhập ở các chợ đầu mối hoặc các hộ gia đình giết mổ gia súc gia cầm. Thực phẩm không có giấy tờ mới rẻ hơn rất nhiều, lợi nhuận cao”. Anh N.D.T hướng dẫn chúng tôi “chiêu thức” để hợp thức hoá nguồn gốc thực phẩm để giao vào trường học.
Dù chỉ là những bước đầu tìm hiểu về thị trường cung cấp thực phẩm cho các trường học, phóng viên không khỏi ngỡ ngàng trước những chia sẻ về “mánh khoé, thủ thuật” trong nghề. Sau nhiều đêm theo sát (từ tháng 4 đến giữa tháng 5/2023), phóng viên ghi nhận khoảng 2h30 mỗi sáng, xe thùng BKS 29H – 206.04 hoặc xe thùng BKS 30F – 7826 của Công ty TPS Việt có mặt chợ đầu mối Long Biên. Xe tải dừng tại một điểm cố định, chỉ ít phút sau nườm nượp các thợ bốc vác liên tục bê vác nhiều bịch to nhỏ đầy rau, củ, hải sản thịt xắp lên thùng xe tải.
Trong khoảng thời gian 1 giờ đồng hồ, chiếc xe tải đã được chất đầy các loại thực phẩm và di chuyển ra khỏi chợ Long Biên. Khoảng 3h45’ sáng chiếc xe kể trên di chuyển về kho Công ty TNHH thương mại và sản xuất TPS Việt tại thôn Du Ngoại, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh. Tại đây, một số nhân viên của công ty đưa thực phẩm rời khỏi xe tải để chế biến, phân loại. Khoảng 6h sáng, sau khi đã phân loại thực phẩm và được chất đầy lên các xe tải có BKS 29H – 206.04; 30F – 7826; 29H – 205.91; 29C – 652.08. Những chiếc xe tải này cùng lúc chạy vẩn chuyển đến nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Đông Anh và Bắc Ninh.
Phóng viên đã đi theo những xe giao hàng này đến các điểm trường mầm non trên địa bàn huyện Đông Anh. Điều ngạc nhiên là các nhân viên này chủ động ra vào trường giao thực phẩm, mà không có hoạt động kiểm tra thực phẩm, ký giao nhận thực phẩm. Điều này là không tuân thủ theo quy định của quy trình kiểm thực ba bước.
Cũng tại Đông Anh, tháng 11/2018 là vụ việc 223 trẻ mầm non và 2 giáo viên trường mầm non xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm gây rúng động dư luận trên địa bàn.
Trước những lo ngại về tình trạng thực phẩm không đảm bảo yêu cầu chất lượng nhưng vẫn được đưa vào bếp ăn trường học vào các trường mầm non trên địa bàn huyện Đông Anh của Công ty TNHH thương mại và sản xuất TPS Việt. Dư luận cũng rất tò mò rằng UBND huyện Đông Anh, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đông Anh có biết việc Công ty cung cấp thực phẩm tại chợ đầu mối vào các trường mầm non nêu trên hay không? Liệu Công ty TPS Việt có phải đơn vị trực tiếp ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với các trường học hay là một đơn vị thứ 3 ký kết thông qua một Công ty có đầy đủ hồ sơ để hợp thức hoá giấy tờ ?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu