Giải pháp sáng tạo trong xử lý nhựa tại Australia
Giải pháp sáng tạo trong xử lý nhựa tại Australia
Với một cái vặn tay, bạn đã tháo nắp nhựa ra khỏi chai nước của mình. Bạn đã suy nghĩ bao nhiêu về miếng nhựa tròn, nhỏ này?
Mặc dù là nhựa cứng, nhưng những chiếc nắp này là chất gây ô nhiễm mà hiện tại Australia đang thiếu phần lớn cơ sở hạ tầng tái chế để xử lý chúng. Thực tế này đã truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế địa phương tạo ra các sản phẩm mới làm từ nắp chai nhựa.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, tuần qua, bà Tanya Plibersek – Bộ trưởng Môi trường Australia – đã tạm thời dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu nhựa trên toàn quốc do Australia thiếu các cơ sở tái chế.
Ông Jeremy Williams, chủ doanh nghiệp Rainbow Plastic – công ty chuyên thu gom các vật liệu nhựa có thể tái sử dụng từ các mỏ và công trường xây dựng trên khắp bang Tây Australia – cho biết hiện Australia thiếu nghiêm trọng cơ sở hạ tầng cũng như khả năng để tái chế đúng cách.
Ông cũng bày tỏ lo ngại về số lượng rác tái chế được chuyển đi khắp đất nước hoặc chuyển ra nước ngoài để xử lý bởi theo ông, nền kinh tế tuần hoàn cần phải được hoàn thiện trong bang Tây Australia thì mới thực sự bền vững. Tại bang Tây Australia, ông Tim Youe – làm việc tại tổ chức tái chế Resource Recovery Group của chính quyền địa phương – cho rằng không nên bỏ nắp chai nhựa vào thùng tái chế có nắp màu vàng do kích thước của chúng và chúng làm nhiễm bẩn các vật liệu khác.
Ông nói: “Các chai thường là một loại nhựa khác với nắp và cơ sở hạ tầng của chúng tôi không thể phân loại chúng. Việc không đậy nắp cũng có nghĩa là các chai có nhiều khả năng chứa cặn chất lỏng bên trong hơn”. Vì vậy, theo ông Youe, tốt nhất nên thu thập các nắp chai và mang chúng đến điểm giao nhận mang tên “Containers for Change”.
Ông Youe cho biết có một số tổ chức phi lợi nhuận đã tái chế nắp chai nhựa, nhưng trừ khi nắp được thu gom riêng và đưa đến những nơi chuyên tái chế chúng, vì vậy, chúng nên được bỏ vào thùng rác có nắp màu đỏ. Ông Tim Cusack, Giám đốc điều hành của “Containers for Change” cho biết sau khi các nắp chai được thu thập, chúng sẽ được chuyển đến các nhà máy tái chế rác thải điện tử có trụ sở tại Perth là Total Green Recycling và CLAW Environmental Recycling. Nắp nhựa được tái chế thành dạng viên nhỏ, được sử dụng để tạo ra các sản phẩm xây dựng, trong khi nắp kim loại được bán cho các nhà tái chế kim loại địa phương.
Bà Suzanne Toumbourou, Giám đốc điều hành Hội đồng Tái chế Australia, cho biết các quy định về nắp chai nhựa giữa các bang là khác nhau, vì vậy cho dù người dân có đậy nắp chai hay không và bỏ chúng vào thùng tái chế hoặc thùng có nắp đỏ hoàn toàn tùy thuộc vào nơi họ ở. Do đó, ưu tiên bây giờ là kiểm tra các quy tắc định.
Bà Toumbourou khuyên mọi người nên sử dụng ứng dụng Recycle Mate hoặc hỏi hội đồng địa phương nếu không biết nên vứt nắp ở đâu. Bà cho biết lĩnh vực tái chế của Australia đang chuẩn bị để có thể tái chế nhiều loại nhựa hơn, đồng thời đặt mục tiêu giải quyết nhiều mặt hàng khó tái chế như nắp chai trên quy mô lớn trong những năm tới. Trong bối cảnh thiếu các cơ sở tái chế nắp chai nhựa ở bang Tây Australia, người dân địa phương đang sáng tạo các giải pháp của họ. Toby Whittington – Giám đốc điều hành và là người đồng sáng lập Green World Revolution – một doanh nghiệp xã hội ở Perth – đang biến nắp nhựa thành các sản phẩm thiết kế mới thông qua tổ chức “Made in the City of”.
Ông nói: “Chúng tôi chủ yếu thu thập nắp chai từ các doanh nghiệp và đang trong quá trình thiết kế một ứng dụng mà mọi người có thể sử dụng để chỉ cho họ cách sắp xếp các nắp trước khi mang chúng đến cho chúng tôi”. Ông Whittington cho biết hiện tại, các nắp đã được phân loại thủ công theo kích thước và chất liệu. Sau đó, chúng được giặt trong máy giặt gia dụng, sấy khô và nghiền nát. Ông nói: “Tại thời điểm đó, chúng tôi thực hiện một phép đo để tìm ra số lượng chúng tôi đã xử lý và chúng tôi thực hiện các pha trộn màu của riêng mình. Sau đó, chúng tôi sử dụng ép phun và nén để tạo ra các loại sản phẩm thiết kế khác nhau.
Cho đến nay, chúng tôi sản xuất giá đỡ iPad, đĩa đựng xà phòng, hoa tai, khay đựng đồ, giá đỡ cây trồng và bộ dụng cụ để bạn trồng rau mầm của riêng mình”. Ông Cusack cho biết ông hy vọng “Quỹ hiện đại hóa tái chế” trị giá 250 triệu AUD của chính phủ liên bang sẽ giúp Australia tăng khả năng tái chế. Về vật liệu mà “Containers for Change” thu thập được, 84% (được xác định theo trọng lượng) đã được tái chế ở trong nước. Phần lớn trong số 16% được xuất khẩu là lon nhôm vì tổ chức này chưa có có khả năng luyện kim để xử lý vật liệu tái chế đó.
“Containers for Change” đã thu được 932 triệu lon nhôm kể từ năm 2020, và các lon này đã được chuyển đến Hàn Quốc và Thái Lan để xử lý./.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị