Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh là đảm bảo mỗi người dân đều được sử dụng nước sạch
(Xây dựng) – Ngày 16/5, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị. |
Theo dự thảo Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, phạm vi ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính Thành phố Hồ Chí Minh, với diện tích 2.095km2 và khu vực biển Cần Giờ, gồm thành phố Thủ Đức và 21 đơn vị hành chính quận, huyện.
Mục tiêu quy hoạch nhằm đảm bảo mỗi người dân sống và làm việc tại Thành phố đều được thụ hưởng đầy đủ các dịch vụ cung cấp nước sạch, chất lượng và ổn định. Đảm bảo an ninh nguồn nước thô; cấp nước an toàn; phát triển và duy trì hệ thống cấp nước theo hướng hiện đại.
Dự thảo cũng đưa ra dự báo nhu cầu sử dụng nước sạch toàn Thành phố đến năm 2040 là khoảng 4,6 triệu m3/ngđ.
Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn đã trình bày về những yêu cầu trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch, bao gồm rà soát toàn bộ các nội dung của Quy hoạch 729 được phê duyệt năm 2012; dự báo nhu cầu phát triển cấp nước trong giai đoạn mới; điều chỉnh định hướng phát triển lĩnh vực cấp nước Thành phố; nghiên cứu, cập nhật chiến lược phát triển đô thị của Thành phố; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, có phân kỳ hợp lý; phối hợp, thống nhất về dữ liệu, báo cáo, định hướng phát triển…
Hội đồng thẩm định lưu ý Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị tư vấn cần làm rõ hơn căn cứ pháp lý của hồ sơ quy hoạch, bổ sung các căn cứ liên quan; làm rõ vùng huyện Cần Giờ trong phạm vi quy hoạch; làm rõ hơn cơ sở của dự báo dân số và nhu cầu cấp nước.
Có đánh giá rõ hơn hiện trạng để làm cơ sở cho các dự báo đảm bảo tính khả thi; đánh giá những tồn tại, bất cập làm cơ sở cho giải pháp… và đảm bảo tính kế thừa các quy hoạch trước.
Về mục tiêu của Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, cần xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể; định hướng liên kết vùng, vị trí, quy mô công trình đầu mối; bổ sung giải pháp nguồn lực, làm rõ các giai đoạn; các chương trình, dự án ưu tiên gần có phân kỳ rõ ràng…; làm rõ cơ quan tổ chức lập quy hoạch.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành đã đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, như việc khớp nối, thống nhất về mặt số liệu với các quy hoạch liên quan; nghiên cứu mô hình cấp nước an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu; có giải pháp dạng hoá nguồn cấp nước, nguồn cấp nước thay thế; vấn đề cảnh báo sớm về chất lượng nguồn nước…
Đánh giá kỹ hơn hiện trạng, một số văn bản pháp lý và số liệu cũ, cần cập nhật; xác định nguồn cấp nước để ưu tiên các giải pháp bảo vệ; dự kiến việc lấy ý kiến tổ chức, cá nhân có liên quan…
Đại diện Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp thu ý kiến các thành viên Hội đồng để hoàn thiện đồ án.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị tư vấn cần chú ý việc lập đề án làm cơ sở dữ liệu cho công tác rà soát, đánh giá hiện trạng và triển khai quy hoạch sau này; đưa ra các yêu cầu cụ thể, không phải chung chung.
Đồng thời xác định các căn cứ pháp lý, cơ sở để xây dựng Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch; bổ sung thêm lộ trình đến năm 2030 để có các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp; phạm vi lập quy hoạch phù hợp với Quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm cả huyện Cần Giờ; quan điểm, mục tiêu cần bám sát quy định của Luật Quy hoạch đô thị, có đánh giá hiện trạng, đối chiếu với quy hoạch trước đây.
Bên cạnh đó, đối với các dự báo, chỉ tiêu và nhu cầu sử dụng nước, cần làm rõ hơn về cở sở, nhu cầu cá nhân, phân định được nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, phục vụ sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
Nguồn: Báo xây dựng