Chính sách phát triển nhà ở xã hội: “Phá băng” thị trường bất động sản

Bất động sản

Chính sách phát triển nhà ở xã hội: “Phá băng” thị trường bất động sản

Thùy Linh 11:01 23/05/2023

Các phân khúc bất động sản (BĐS) phục vụ nhu cầu ở thực của người dân đang có dấu hiệu chuyển biến tích cực với lượng giao dịch thành công ngày càng nhiều.

Phân khúc nhà liền kề, chung cư “lội” ngược dòng

Báo cáo tổng kết quý I/2023 của Bộ Xây dựng cho thấy, số lượng giao dịch chung cư và nhà ở riêng lẻ trong quý I vừa qua tăng trên 192% so với cùng kỳ năm 2022. Phân khúc căn hộ chung cư trung cao cấp, nhà thương mại vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm mặc dù thị trường chung đang có nhiều biến động. Số lượng dự án căn hộ chung cư mở bán mới trong quý 1/2023 không nhiều. Tại Hà Nội, một số dự án có mức độ biến động tăng giá trong quý nổi bật như Vinhomes Metropolis (Ba Đình) tăng khoảng 3,5% lên 99,1 triệu đồng/m2, Lạc Hồng Westlake (Tây Hồ) tăng khoảng 3,6% lên 36,1 triệu đồng/m2…

10.jpg
Nhà ở xã hội, khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng

Đối với phân khúc nhà ở gắn liền với đất, tại Hà Nội ghi nhận khoảng 1.250 căn mở bán, chỉ bằng 1/5 số căn mở bán của quý liền trước. Số lượng nhà ở loại này được mở bán nhiều nhất so với các phân khúc khác do thu hút được sự quan tâm của nhóm khách hàng có nhu cầu ở thực và các nhà đầu tư trung và dài hạn.

Ông Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, sau một thời gian đóng băng, giá nhà đất riêng lẻ, nhà đất thổ cư có giá trị dưới 5 tỷ đã có sự điều chỉnh hợp lý hơn với nhiều người dân. Đây là nhóm khách hàng có nhu cầu ở thực sự. Thêm vào đó, sau khi Chính phủ ban hành một loạt nghị quyết mới nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, các ngân hàng đã hạ lãi suất cho vay. Động thái này sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS trong thời gian tới. Thị trường BĐS đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung trầm trọng nên phân khúc chung cư tăng giá liên tục. Điều này cho thấy thị trường BĐS đang có sự điều chỉnh theo hướng phục vụ cho nhu cầu ở thật và thu hẹp dần ở nhóm sản phẩm đầu cơ. Vì vậy, các phân khúc đáp ứng được nhu cầu ở thực sẽ có sự hồi sinh ổn định nhất.

Theo tìm hiểu, 2 năm qua, khi xảy ra sốt đất, giá đất nền tại Hà Nội đã tăng ở mức cao. Nhưng sau gần 1 năm “đóng băng”, giá đất đã có sự điều chỉnh, nhà thổ cư đã giảm giá 10 – 20% so với thời điểm sốt đất. Nên thời điểm hiện tại, thị trường đã bắt đầu có giao dịch. Cùng với đó, các ngân hàng đã hỗ trợ vay vốn đã thúc đẩy nhu cầu mua nhà của người dân.

Phát triển nhà ở xã hội tạo động lực cho thị trường BĐS

Năm 2014 – 2015, bằng chính sách phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đã thành công trong việc gỡ khó cho thị trường BĐS. Hiện tại, với quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành ưu tiên cho chính sách này sẽ tiếp tục tạo cú hích mới, tạo đòn bẩy cho thị trường BĐS phát triển.

Trước hết, thị trường BĐS đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở, nhất là phân khúc chung cư bình dân phục vụ nhu cầu đại bộ phận người dân. Vì vậy, phát triển nhà ở xã hội chính là để giải bài toán này.

Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, trong giai đoạn này, nhà ở xã hội là sản phẩm sẽ kích hoạt giao dịch tốt hơn trên thị trường, vốn đang trong tình trạng thiếu giao dịch trầm trọng. Có sản phẩm phù hợp, chỉ số giao dịch trên thị trường sẽ tăng lên, các guồng quay được kích hoạt, các hoạt động kinh tế khác sẽ ổn định trở lại. Hiện các bộ, ngành, địa phương đang nỗ lực đẩy nhanh các giải pháp gỡ khó sau khi đã nhận diện được 2 nút thắt lớn nhất, đó là dòng vốn và cơ chế chính sách đất đai.

Trong đó, để có vốn hỗ trợ phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn góp của 4 ngân hàng lớn, cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Mức lãi suất gói tín dụng này sẽ thấp hơn 1,5 – 2% lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trong từng thời kỳ.

Nguồn vốn của gói tín dụng này có thể lớn hơn nếu có sự tham gia của các ngân hàng thương mại khác. Khi nguồn cung nhà ở xã hội được đưa ra thị trường, giao dịch sẽ sôi động trở lại. Sức ấm của phân khúc này sẽ lan tỏa hơi nóng tới cả thị trường chung, giúp thị trường BĐS hồi phục trở lại.

Về nút thắt pháp lý, ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã đề xuất, trình Quốc hội xem xét Luật Nhà ở cũng như các văn bản hướng dẫn, cho phép một số quy định về phát triển nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực sớm, dự kiến từ 1/1/2024. Lần họp này nếu được Quốc hội thông qua, sẽ ảnh hưởng tích cực tới thị trường BĐS. Tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, việc tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội đang được đẩy mạnh.

Có thể thấy, với quyết tâm của Chính phủ cùng các cấp chính quyền, nguồn cung nhà ở xã hội được đánh giá sẽ cải thiện rõ rệt và đáng kể trong thời gian tới. Và trong chuỗi ngày khó khăn của thị trường BĐS, nhà ở xã hội đang được kỳ vọng có thể lan tỏa phục hồi cho thị trường.

Bạn cũng có thể thích