Thị trường BĐS 2023: “Tìm mạch” khơi thông

Bất động sản

Thị trường BĐS 2023: “Tìm mạch” khơi thông

Đình Du 09:59 18/05/2023

Bước sang giữa quý II/2023, thị trường bất động sản (BĐS) tại TP.HCM và các tỉnh lân cận vẫn rơi vào trầm lắng, chưa có dấu hiệu khởi sắc. Theo các chuyên gia, thị trường BĐS cần “tìm mạch” để khơi thông trong thời gian tới.

Chưa có dấu hiệu phục hồi

Theo Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), từ đầu năm đến nay, thị trường BĐS vẫn trong trạng thái trầm lắng, chưa có dấu hiệu phục hồi, toàn bộ thị trường gần như “nín thở”. Các doanh nghiệp BĐS, sàn môi giới, khách hàng, nhà đầu tư cũng cùng nhau “ấn nút chờ”. Hiện, các doanh nghiệp phát triển dự án vẫn đang tiếp tục thu hẹp hoạt động sản xuất, quy mô và số lượng dự án, tái cấu trúc doanh nghiệp.

“Thị trường BĐS Việt Nam vẫn thuộc nhóm hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á nhờ vào các yếu tố như tốc độ đô thị hóa nhanh, cơ sở hạ tầng được cải thiện, nhu cầu mua BĐS cao trong khi nguồn cung còn hạn chế. Tùy phân khúc và vị trí địa lý, thị trường BĐS sẽ dần ổn định trở lại từ giữa năm 2023 trở đi. Hiện tại, tuy doanh nghiệp BĐS đã dễ tiếp cận nguồn vốn đầu tư hơn nhờ các chính sách nới lỏng của các ngân hàng nhưng dự đoán quý III/2023, thị trường BĐS vẫn chưa có biến chuyển mạnh do các doanh nghiệp tập trung tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng, tiêu thụ các sản phẩm BĐS đã hoàn thiện”.

Ông David Jackson – Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Quản lý BĐS Colliers Việt Nam

Trong đó, hầu hết các sàn giao dịch BĐS mới thành lập khoảng 2 năm, phần lớn đóng cửa. Trong quý I/2023, thị trường tiếp tục có thêm 30 – 50% sàn giao dịch phải đóng cửa và tạm dừng hoạt động, có khu vực lên tới 80%. Song, đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) nhận định, thị trường BĐS đang rất khó khăn và đứng trước nguy cơ rơi vào suy thoái. Hiện có một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS rất khó khăn về thanh khoản, phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy. Đặc biệt, do tắc nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên một số doanh nghiệp BĐS “đói” vốn phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro, hoặc phải bán bớt tài sản với chiết khấu sâu đến 40% giá hợp đồng, tạo cơ hội cho khách hàng mua BĐS với giá rẻ nhưng có rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai.

Cần giải pháp khơi thông

Ông Lê Đình Hảo – Giám đốc Khối Kinh doanh Batdongsan.com.vn cho rằng, có thể một năm nữa thị trường BĐS mới khởi sắc trở lại. Còn hiện tại, các nút thắt về chính sách vĩ mô vẫn chưa được tháo gỡ, mọi người vẫn đang chờ chính sách mới về tín dụng, lãi suất. Trong bối cảnh giao dịch trầm lắng như hiện tại, những sản phẩm đầu tư mang tính mạo hiểm sẽ ít được quan tâm, nhà đầu tư tìm đến những sản phẩm có giá trị thực, khả năng giao dịch tốt hơn. Người mua BĐS sẽ cơ cấu lại danh mục đầu tư, lo đảm bảo an toàn cho dòng tiền trước, mới tính đến việc sinh lời.

10.jpg
Thị trường BĐS vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Theo Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán – Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, vào quý III/2023, giao dịch BĐS mới khởi sắc nhưng bên bán phải chấp nhận giảm giá sâu. Hiện nay, các vướng mắc pháp lý đối với nhiều dự án BĐS vẫn chưa được tháo gỡ, không có sản phẩm cho thị trường, không có dòng tiền nên giá BĐS vẫn còn cao. Các doanh nghiệp BĐS đang thiếu nợ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nên sẽ chuyển sang phương án cấn nợ, giao hàng tồn kho cho chủ nợ, chủ trái phiếu với mức chiết khấu cao hoặc hợp tác với ngân hàng để xử lý, tránh nợ xấu.

Còn ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng, trước khó khăn chung của thị trường BĐS, doanh nghiệp BĐS có tài sản bị “chôn vốn” cần cân nhắc giá bán sản phẩm, bởi vô tình tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội “thôn tính”, làm mất đi lợi thế của doanh nghiệp nội địa đang thống lĩnh thị trường BĐS. Đặc biệt, để giúp thị trường BĐS khơi thông trong thời gian tới, Nhà nước giao Ngân hàng Nhà nước sớm xem xét chỉ đạo các tổ chức tín dụng đưa ra biện pháp xử lý giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ phù hợp. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước cần chỉ đạo quyết liệt hơn để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án BĐS.

Bạn cũng có thể thích