Phù Cát (Bình Định): Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Cát Tiến đến năm 2035
(Xây dựng) – UBND tỉnh Bình Định vừa có Quyết định phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng đô thị Cát Tiến, huyện Phù Cát đến năm 2035 là đô thị phía Đông Nam của huyện Phù Cát, vị trí cửa ngõ Khu kinh tế Nhơn Hội, phát triển đô thị, du lịch – dịch vụ.
Quy hoạch chung xây dựng đô thị Cát Tiến. |
Theo đó, phạm vi ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Cát Tiến, huyện Phù Cát, có giới cận: Phía Bắc giáp Núi Bà; phía Nam giáp xã Cát Chánh; phía Đông giáp Biển Đông; phía Tây giáp xã Cát Hưng, với quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 1.764,15ha; quy mô dân số, hiện trạng năm 2019 khoảng 11.597 người, dự báo quy hoạch đến năm 2025 là 30.000 người và đến năm 2035 là 50.000 người.
Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch nhằm cụ thể hóa đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bình Định đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1672, ngày 30/11/2018; bổ sung cập nhật các định hướng của đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội đến năm 2040 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 514, ngày 8/5/2019 và Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phù Cát đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt tại Quyết định số 4389, ngày 3/11/2021, là đô thị phía Đông Nam của huyện Phù Cát, vị trí cửa ngõ Khu kinh tế Nhơn Hội, phát triển đô thị, du lịch – dịch vụ; làm cơ sở pháp lý để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết về quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt.
Quy hoạch xây dựng đô thị Cát Tiến theo định hướng đô thị du lịch biển có mật độ trung bình, trên cơ sở bảo tồn, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên, xây dựng công viên du lịch biển cấp vùng. Định hướng phát triển đô thị Cát Tiến theo 2 hướng: Hướng phía Nam, phát triển đô thị Cát Tiến đến khu vực sông Cây Bông (nhánh sông Đại An); hướng phía Tây, phát triển đến khu vực khu phố Chánh Đạt và sông Đại An.
Hướng phát triển kết nối với khu vực lân cận thị trấn Cát Tiến: Phát triển dân cư đô thị dọc đường trục Khu kinh tế nối dài về phía Tây thuộc xã Cát Chánh; phát triển khu đô thị du lịch sinh thái phía Nam sông Cây Bông và phát triển dân cư đô thị về phía Nam thuộc xã Cát Chánh.
Đô thị phía Đông Nam của huyện Phù Cát, vị trí cửa ngõ Khu kinh tế Nhơn Hội, phát triển đô thị, du lịch – dịch vụ. |
Định hướng phát triển không gian đô thị: Quy hoạch trung tâm hành chính trên cơ sở UBND thị trấn hiện hữu, mở rộng về phía Nam Quốc lộ 19B; quy hoạch bổ sung hệ thống các công trình công cộng như: Nhà văn hóa, nhà thiếu nhi, quảng trường trung tâm, đất công cộng, dịch vụ đô thị, bệnh viện đa khoa, nhà tang lễ, trường trung học phổ thông; quy hoạch quỹ đất dự trữ phát triển công cộng cấp đô thị ở phía Tây; quy hoạch 1 trung tâm thể dục thể thao đô thị, kết hợp công viên sinh thái, hồ điều hòa phía Tây đường ĐT.640; quy hoạch mới các công trình dịch vụ, thương mại, khách sạn cao tầng tiếp giáp bãi biển Trung Lương, dọc đường trục Khu kinh tế nối dài; quy hoạch quỹ đất hỗn hợp, thương mại, dịch vụ, chung cư cao tầng, giáo dục, y tế tại khu vực xung quanh nút giao đường trục Khu kinh tế và Quốc lộ 19B.
Quy hoạch 4 đơn vị ở đô thị, trong đó 3 đơn vị ở hình thành trước năm 2030, đơn vị ở số 4 (khu vực phía Tây đường ĐT.640) hình thành trong giai đoạn 2030-2035.
Định hướng quy hoạch về tầng cao: Điểm nhấn chính đô thị bao gồm tượng Phật Bà Quan Âm ở phía Bắc; hệ thống điện gió dọc phía Đông Nam; phát triển các công trình cao tầng tạo điểm nhấn tại các khu vực nút giao chính đô thị; các khu vực còn lại ưu tiên phát triển thấp tầng (tối đa 5 tầng); đối với khu vực dân cư hiện hữu phía Bắc đường trục Khu kinh tế nối dài, chiều cao công trình ≤ 20m.
Hệ thống không gian xanh đô thị công cộng ven biển Cát Tiến, phát triển du lịch biển, sinh hoạt cộng đồng, kết hợp đường phục vụ du lịch (lộ giới 12m); xây dựng 1 công viên sinh thái kết hợp hồ điều hòa phía Tây đường ĐT.640; tổ chức các không gian cảnh quan ven sông Đại An, sông Cây Bông; tổ chức hệ thống dải cây xanh kết hợp suối, mương nước trên hệ thống sông, suối hiện hữu, cải tạo chỉnh trang kết hợp tổ chức hệ thống cây xanh 2 bên (không tổ chức thoát nước mưa trực tiếp ra biển).
Nguồn: Báo xây dựng