Khánh Hoà: Ưu tiên lập quy hoạch phân khu tại khu vực đã có nhà đầu tư đề xuất
Nhằm cụ thể hóa Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 298/QĐ-TTg ngày 27/3/2023 và triển khai kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy vào ngày 24/4/2023 về lập quy hoạch phân khu tại Khu kinh tế Vân Phong, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thống nhất chủ trương cho phép Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong tổ chức lập Nhiệm vụ và Đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) các khu chức năng thuộc Khu kinh tế Vân Phong (gồm 19 phân khu).
Ưu tiên lập quy hoạch các dự án đã đề xuất đầu tư
Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong có trách nhiệm triển khai thực hiện các bước thủ tục tiếp theo để đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật; lưu ý thời gian và tiến độ thực hiện các đồ án đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất vào ngày 14/4/2023; đồng thời, xem xét ưu tiên triển khai lập trước các quy hoạch phân khu tại các khu vực đã có nhà đầu tư chiến lược đề xuất đầu tư dự án, nhất là các dự án trọng điểm đã được ký kết Biên bản ghi nhớ tại Hội nghị Công bố quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh năm 2023.
Theo ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong, cơ quan này đã có các Tờ trình số 868/TTr-KKT, 869/TTr-KKT, 870/TTr-KKT ngày 20/4/2023 và 918/TTr-KKT ngày 25/4/2023 trình Sở Xây dựng thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng 4 khu chức năng, bao gồm: Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn (Phân khu 1, diện tích đất khoảng 4.929ha); Khu du lịch núi Khải Lương (Phân khu 2, diện tích đất khoảng 2.150ha); Trung tâm cảng biển, đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp Đầm Môn (Phân khu 3, diện tích đất khoảng 4.445ha); và Khu đô thị du lịch Cổ Mã – Tu Bông (Phân khu 8, diện tích đất khoảng 5.386ha).
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa có ý kiến về việc thẩm định hồ sơ Nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của Trung tâm cảng biển, đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp Đầm Môn (Phân khu 3). Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cơ quan này chỉ xem xét thẩm định các quy hoạch phân khu xây dựng đã được UBND tỉnh có chủ trương cho phép lập và không xem xét thẩm định đối với Phân khu 3 vì chưa có chủ trương.
Tuy nhiên, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cho rằng, thời gian qua, UBND tỉnh đã có văn bản giao cơ quan này khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai lập các quy hoạch phân khu tại Khu kinh tế Vân Phong.
Tại các nội dung Tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh có Phân khu 8 được trình HĐND tỉnh vào tháng 8/2023. Vì vậy, để có cơ sở đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) trong Khu kinh tế Vân Phong để triển khai công tác thu hút đầu tư vào khu kinh tế này, Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng sớm tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Phân khu 3 – Trung tâm cảng biển, đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp Đầm Môn và các quy hoạch phân khu khác theo kế hoạch của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và Ban thường vụ Tỉnh ủy.
Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan phối hợp, kịp thời có ý kiến trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt các nhiệm vụ cũng như đồ án quy hoạch phân khu xây dựng theo kế hoạch đã đề ra.
19 phân khu sẽ lần lượt trình duyệt
Theo Tờ trình số 140/TTr-BCS của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa vào ngày 7/4/2023 gửi Thường trực Tỉnh ủy, các phân khu sẽ trình HĐND tỉnh trong tháng 8/2023, gồm 6 phân khu.
Cụ thể: Phân khu 1 – Khu du lịch sinh thái đảo Hòn Lớn 4.929ha; Phân khu 2 – Khu du lịch sinh thái núi Khải Lương 2.180ha; Phân khu 4 – Khu đô thị, du lịch Vĩnh Yên – mũi Đá Son 1.673ha; Phân khu 8 – Khu du lịch du lịch Cổ Mã – Tu Bông 5.508ha; Phân khu 17 – Khu đô thị và công nghiệp tập trung Bắc Hòn Hèo 3.670ha; Phân khu 19 – Khu chức năng công nghiệp và cảng biển Nam Vân Phong 6.987ha.
Dự kiến, UBND tỉnh sẽ trình thẩm định, phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch vào tháng 6/2023 và trình thẩm định, phê duyệt Đồ án quy hoạch trong tháng 9/2023.
Các phân khu còn lại sẽ tiếp tục trình HĐND tỉnh trong tháng 10/2023 (Phân khu 3 – Trung tâm cảng biển, đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp Đầm Môn 4.127ha; Phân khu 5 – Khu đô thị, dịch vụ du lịch Tuần Lễ – Hòn Ngang 1.725ha, Phân khu 14 – Khu đô thị, đa năng Ninh Hải 1.876ha), tháng 12/2023 (Phân khu 6 – Khu du lịch đảo Điệp Sơn 228ha; Phân khu 11 – Khu đô thị Vạn Giã và vùng phụ cận khoảng 3.338ha; Phân khu 18 – Khu đô thị dịch vụ trung tâm Ninh Hòa 1.992ha).
Được biết, trong quý I và II/2024, UBND tỉnh sẽ tiếp tục trình lên HĐND tỉnh Phân khu 7 – Khu đô thị sinh thái Đại Lãnh 1.958ha; Phân khu 9 – Khu sinh thái núi Tây Tu Bông 9.017ha; Phân khu 10 – Khu sinh thái núi Tây Vạn Giã 16.288ha; Phân khu 12 – Khu đô thị Nam Vạn Giã 4.374ha; Phân khu 13 – Khu công nghiệp, dịch vụ Vạn Hưng 1.733ha; Phân khu 15 – Khu dịch vụ đô thị, công nghiệp Tây Ninh An 2.595ha và Phân khu 16 – Khu dịch vụ đô thị và dân cư Đông Bắc Ninh Hòa 2.827ha.
Hiện nay, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong điều chỉnh lại thời gian thu hút các nhóm dự án, dự án ưu tiên vào khu kinh tế này theo giai đoạn phù hợp.
Theo đó, năm 2023, tỉnh Khánh Hòa dự kiến xây dựng danh mục công bố thu hút 11 dự án, nhóm dự án; năm 2024 dự kiến xây dựng danh mục công bố thu hút 12 dự án, nhóm dự án; năm 2025 và giai đoạn sau năm 2025 dự kiến xây dựng danh mục công bố thu hút 7 dự án, nhóm dự án.
Đồng thời, tỉnh Khánh Hòa bổ sung danh mục 4 khu công nghiệp ưu tiên thu hút đầu tư thuộc phân khu 17 quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
“Về việc phê duyệt và công bố danh mục, sau khi quy hoạch phân khu các khu chức năng trong Khu kinh tế Vân Phong được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát lại, hoàn thiện danh mục và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định”, một lãnh đạo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa lưu ý, kinh phí lập quy hoạch sẽ từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác. Việc tiếp nhận kinh phí tài trợ lập quy hoạch (nếu có) phải đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
“Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh xem xét, quyết định về tên gọi, quy mô thời gian mời gọi các dự án cụ thể tùy vào tình hình thực tế; chỉ đạo các địa phương chủ động đề xuất chủ trương đầu tư các khu tái định cư và ưu tiên bố trí vốn đầu tư trung hạn 2021 – 2025 để phục vụ triển khai khu tái định cư, giải phóng mặt bằng, làm cơ sở thu hút đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn Khu kinh tế Vân Phong”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa giao nhiệm vụ cho Bán cán sự Đảng UBND tỉnh./.
Đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong, nhà đầu tư được ưu đãi gì?
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 55/2022/QH15 (Nghị quyết 55) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, trong đó có Khu kinh tế Vân Phong. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022 và được thực hiện trong 5 năm.
Khoản 8, Điều 7, Nghị quyết 55/2022/QH15 của Quốc hội quy định, nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào Khu kinh tế Vân Phong được hưởng ưu đãi gồm: Được tính vào chi phí được trừ để xác định thu nhập chịu thuế đối với hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bằng 150% chi phí thực tế của hoạt động này khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và chi phí R&D thực tế được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán; Được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan theo quy định của pháp luật về hải quan và thủ tục về thuế theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của dự án đầu tư do nhà đầu tư chiến lược thực hiện tại Khu kinh tế Vân Phong khi đáp ứng các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan và thuế, trừ điều kiện về kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.