Khám phá thế giới Phật giáo kỳ diệu qua công nghệ hiện đại tại núi Bà Đen

Khám phá vũ trụ Phật giáo qua công nghệ 3D mapping

Đây là trải nghiệm độc đáo bậc nhất tại đỉnh núi Bà Đen, khi du khách có cơ hội tìm hiểu và khám phá về vũ trụ trong quan niệm của Phật giáo thông qua công nghệ và thiết bị trình chiếu, âm thanh hiện đại hàng đầu thế giới. Khu chiếu phim video mapping nằm ngay tầng 1 của trung tâm triển lãm Phật giáo, dưới chân tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn.

Khu trình chiếu 3D mapping

Du khách đến đây sẽ được hướng dẫn vào khu vực trưng bày 163 bức tượng Phật giữa không gian trang nghiêm, yên tĩnh. Mái vòm của khu vực này sẽ trở thành một màn chiếu khổng lồ với đường kính 20 mét và độ phân giải Dome lên tới 16 triệu pixel (tương đương với 26 triệu pixel của màn ảnh thông thường), kể lại với với khán giả về sự vận động của vũ trụ được tái hiện đầy sinh động bằng công nghệ hình ảnh 3D mapping. 

Chị Ánh Hoà (TP.HCM) cho biết: “Tôi thực sự choáng ngợp khi xem bộ phim. Màn hình lớn và những hình ảnh sống động khiến người xem có thể cảm nhận rõ sự sinh sôi của từng mầm cây và ánh sáng từ bi của đức Phật chiếu rọi. Đây thực sự là bộ phim mà tôi có thể xem đi xem lại không biết chán”.

Chiêm ngưỡng các bảo vật quốc gia qua công nghệ 3D Hologram

3D hologram là công nghệ tạo ra một ảnh ba chiều lơ lửng trong không khí, giúp người xem quan sát hình ảnh nổi 360 độ mà không cần sử dụng màn chiếu hay kính đeo chuyên dụng. Hình ảnh chiếu nổi như vật thể lơ lửng trong không trung, cho phép quan sát bằng mắt thường mà không cần đeo kính, tạo hiệu ứng thị giác độc đáo.

Công nghệ 3D Hologram tái hiện mô hình 16 ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam

Công nghệ này hiện được áp dụng tại tầng 2 của Khu triển lãm Phật giáo trên đỉnh núi Bà Đen, giúp du khách có cơ hội khám phá và chiêm ngưỡng các ngôi chùa cổ tại Việt Nam  thông qua hình ảnh thực tế sống động. Tại đây có 16 thiết bị trình chiếu Hologram hiện đại, nơi du khách có thể chiêm ngưỡng mô hình 16 ngôi chùa nổi tiếng tại Việt Nam như: chùa Bổ Đà, Vĩnh Nghiêm, Phật Tích, chùa Hương, Bút Tháp, Thiên Mụ… Đây là các ngôi chùa có niên đại từ 200 năm, là nơi lưu giữ lối kiến trúc cổ, các hiện vật cổ giá trị, có khuôn viên đẹp, nổi tiếng, và là đại diện cho các vùng miền và được chứng nhận là di tích Quốc gia.

Trụ Kinh Luân (bánh xe cầu nguyện) tại khu triển lãm Phật giáo

Cũng tại đây, du khách có thể tham quan gian phòng đặc biệt của các trụ Kinh Luân (bánh xe cầu nguyện) – một loại pháp khí được tín đồ Phật giáo Tây Tạng sử dụng cho việc hành trì tụng niệm. Với mỗi vòng xoay bánh xe, người xoay sẽ được trì chú bằng pháp lực của tất cả các câu thần chú bên trong khối trụ. Vì vậy, người ta tin rằng, bánh xe Kinh Luân có thể quay như một cách tạo công đức vô lượng một cách đơn giản nhất, chỉ cần chạm vào bánh xe cầu nguyện đã là một sự tịnh hóa to lớn trong việc xóa bỏ nghiệp chướng.

Chiêm ngưỡng đỉnh núi đêm với hệ thống đèn hiện đại nhất Việt Nam 

Chiêm bái đỉnh núi Bà Đen vào buổi tối đang trở thành trải nghiệm hấp dẫn được rất nhiều du khách lựa chọn, không chỉ vì không gian yên tĩnh, khí hậu mát lạnh, mà còn bởi hệ thống chiếu sáng nghệ thuật mang đến một màn trình diễn ánh sáng vô cùng ảo diệu. 

Được thiết kế bởi KTS Shin Takamatsu – người từng được trao tặng Giải thưởng cao quý nhất của hội kiến trúc sư Nhật Bản, “cha đẻ” triết lý “không tồn tại” – hệ thống này không chỉ làm tròn chức năng chiếu sáng thông thường mà hơn hết đem đến một “bức tranh đêm” đầy nghệ thuật cho khán giả chiêm ngưỡng nó.

Quần thể núi Bà Đen lung linh về đêm với hơn 3.500 ngọn đèn

Hệ thống chiếu sáng nghệ thuật này được tạo ra bởi hơn 3.500 ngọn đèn led thắp sáng đỉnh núi. Đứng giữa quảng trường trung tâm, chỉ cần ngước lên cao du khách sẽ được ngắm nhìn Tượng Phật Bà hiện ra uy nghiêm huyền diệu; còn hướng tầm mắt ra 4 phía sẽ thấy một màn LED “khổng lồ” trên đỉnh núi với 29 mảnh ghép và hơn 480 ngọn đèn âm sàn, cho phép trình diễn những tiết mục ánh sáng nghệ thuật với các hình ảnh biểu tượng của Phật giáo như chữ Vạn, hoa sen… Đây có thể xem là màn hình LED được lắp đặt đồng bộ trên độ cao lớn nhất tại Việt Nam cho đến hiện nay.

Không chỉ được điều khiển linh hoạt theo thời gian, sáng tối theo mùa và đồng bộ hệ thống cảm biến quang để nâng cao sự linh hoạt, tăng khả năng tiết kiệm điện; hệ thống ánh sáng trên núi Bà Đen còn được vận hành theo đúng xu hướng “Lấy con người làm trung tâm” với tiền đề là thân thiện với sức khỏe và trạng thái tâm lý của con người thông qua cân bằng các yếu tố nhân tạo và tự nhiên. 

Chiêm bái trụ kinh Bát Nhã khắc chữ vàng

Công trình độc đáo này được đặt tại khu vực trung tâm của quần thể các công trình kiến trúc tâm linh trên đỉnh núi. Cụm gồm 5 trụ kinh bằng đá granite đen kim sa, điêu khắc tâm kinh Bát Nhã bằng chữ Tây Tạng, trong đó, trụ kinh lớn nhất có đường kính 2m và cao 19,8m, 4 trụ nhỏ đường kính 1,6m, cao 9m. Đặc biệt, 12.000 chữ kinh đều được dát vàng. Đế trụ bắt đầu từ khu giảng pháp đường dưới lòng đất và vươn thẳng lên trời. 

Cụm trụ kinh Bát Nhã dát vàng

Với người tu hành, kinh Bát Nhã là ngọn đuốc soi sáng con đường giác ngộ. Bởi lẽ đó, cột kinh uy nghi vươn lên từ lòng núi thiêng Tây Ninh, vượt xa hình thể của vật chất, vươn tới trời cao như một hiện thân của sự thoát tục, hướng tới sự thông tuệ, an nhiên, truyền tải ý nghĩa lớn lao của con đường giác ngộ. Hành trình hành hương tới Núi Bà chiêm bái cũng sẽ là hành trình mở mang trí tuệ, định tâm, để có được công đức, sự may mắn, bình an./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích