Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/5/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 15/5/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 15/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Miền Bắc chuẩn bị đón đợt nắng nóng gay gắt mới
heo thông tin từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay vùng áp thấp nóng phía Tây đang phát triển và mở rộng về phía Đông Nam.
Theo dự báo, ngày 16/5, vùng núi phía Tây khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 45-60%. Khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Sơn La, Hòa Bình và Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 45-65%.
Ngày 17/5, ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 40-55%.
Khu vực phía Đông Bắc Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 45-60%.
Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất 45-65%.
Cảnh báo, từ ngày 18-23/5, ở phía Tây Bắc Bộ và khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ.
Ngày 18/5 ở phía Đông Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 38 độ. Từ ngày 18/5, nắng nóng ở Nam Bộ dịu dần.
Yên Bái ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2023
Kế hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống thiên tai, sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là mùa mưa bão năm 2023; tăng cường năng lực cộng đồng về phòng, chống thiên tai tại cơ sở; nâng cao kiến thức về phòng, chống thiên tai cho người dân, tạo sự đồng thuận, ý thức chủ động của nhân dân trong phòng, chống thiên tai; cổ vũ tinh thần nhân dân, cán bộ, chiến sĩ trong công tác phòng, chống thiên tai.
Nội dung tuyên truyền hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai: Thư của Chủ tịch nước gửi đồng bào và chiến sĩ cả nước nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai; các quy định của pháp luật về công tác phòng, chống thiên tai, kiểm tra xử lý vi phạm.
Theo đó, các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thị xã, thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, trang thông tin điện tử, website của các cơ quan, đơn vị, các địa phương.
Tổ chức treo pano, băng rôn, khẩu hiệu về chủ đề Tuần lễ Quốc gia phòng, chống thiên tai năm 2023, Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai (22/5) tại trụ sở các cơ quan, đơn vị, các trường học.
Tuyên truyền trực tiếp tại cơ quan, đơn vị và trong cộng đồng qua các cuộc họp tại cơ quan, khu dân cư, buổi sinh hoạt tố/câu lạc bộ, hệ thống loa phát thanh, truyền thanh phường/xã. Các hình thức tuyên truyền phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương, hình thức, lãng phí.
Đồng thời tuyên truyền hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho các nhóm đối tượng trong cộng đồng; các mô hình, bài học kinh nghiệm tại cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm phòng chống thiên tai tại cơ quan, cộng đồng.
Khát nước sạch do xâm nhập mặn
TTXVN đưa tin, hàng nghìn hộ dân vùng ven biển huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) chung nỗi lo thường trực về tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Cứ vào mùa nắng nóng, hàng nghìn hộ dân vùng ven biển huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) lại chung nỗi lo thường trực về tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.
Nga Phú là một trong số nhiều xã ven biển của huyện Nga Sơn đến thời điểm này vẫn chưa có nước sạch. Hiện hầu hết những hộ dân ở xã Nga Phú đều dùng nước giếng khoan, giếng đào hoặc xây bể chứa nước mưa… Thế nhưng nguồn nước này đều bị nhiễm mặn, nhiễm phèn hoặc chứa nhiều tạp chất ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng. Dù biết đây là nguồn nước không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nhiều gia đình vẫn phải sử dụng vì thiếu nước sạch. Nguồn nước không bảo đảm đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây.
Để bảo đảm cấp nước sạch hợp vệ sinh cho người dân, huyện Nga Sơn đã phối hợp với doanh nghiệp tiến hành xây dựng mới hệ thống cấp nước sạch tập trung cho các đối tượng dùng nước. Trên địa bàn hiện có 2 dự án Nhà máy nước sạch phía Nam và phía Bắc Nga Sơn; trong đó, nhà máy nước sạch phía Bắc Nga Sơn đã thử test nước lên hệ thống đường ống để cung cấp nguồn nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, do chi phí lắp đặt đồng hồ sử dụng nước sạch cao so với thu nhập, nên dù “khát” nước sạch nhưng người dân một số xã trên địa bàn huyện Nga Sơn vẫn chưa mặn mà với việc đấu nối cấp nước.
Bên cạnh đó, hàng năm UBND huyện Nga Sơn đều tiến hành đắp đập tạm để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn trên lưu vực sông Càn, mùa mưa thì ngăn lại, mùa cạn lại dỡ ra. Đồng thời đóng âu Báo Văn để ngăn mặn và giữ ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho huyện Nga Sơn.
Bà Quách Thị Khuyên, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Nga Sơn cho biết, đối với dự án nhà máy nước Nam Nga Sơn và Bắc Nga Sơn, UBND huyện Nga Sơn đã yêu cầu chủ đầu tư tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ để công trình sớm đi vào hoạt động, giải quyết nhu cầu cấp thiết về nguồn nước sạch, đảm bảo đời sống sinh hoạt của người dân. Huyện cũng tăng cường xây dựng phương án chống hạn hán, xâm thực mặn năm 2023, đặc biệt là kế hoạch bơm nước ngọt, tích trữ vào sông ngòi, kênh mương phục vụ chống hạn hán, xâm nhập mặn.
“Ngày hội tái chế Huế 2023” thu hút đông đảo học sinh tham gia
Đây là một hoạt động ý nghĩa và bổ ích, giúp các bạn học sinh có cơ hội trải nghiệm các công việc tái sử dụng, tái chế nhựa và thay thế việc sử dụng bao bì ni lông trong các hoạt động nghề truyền thống tại Huế.
Dự án Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (được tài trợ bởi Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên – WWF tại Việt Nam thông qua WWF-Na Uy) và Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) tổ chức sự kiện “Ngày hội tái chế Huế 2023”.
“Ngày hội Tái chế Huế 2023” thu hút sự tham gia của khoảng 200 học sinh, phụ huynh và giáo viên của 7 trường học trên địa bàn TP. Huế, bao gồm trường Tiểu học Phú Tân, Trường Tiểu học Phú Bình, Trường Tiểu học số 1 An Đông, Trường Tiểu học số 1 Thuận An, Trường Tiểu học số 2 Thuận An, Trường Tiểu học Vỹ Dạ và Trường THCS Trần Cao Vân.
Ngoài các khu trải nghiệm, chương trình ca nhạc, còn có các phần thi đấu trí và đấu sức diễn ra vô cùng quyết liệt giữa các trường.
Các em học sinh đã tham gia nhiều hoạt động như: Đổi rác lấy quà, thu gom rác tái chế, trải nghiệm tái chế nhựa, trải nghiệm làm giấy từ rơm, vẽ tranh, trải nghiệm làm hoa giấy, trải nghiệm gói bánh truyền thống từ giấy, tham gia các trò chơi về phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa, biểu diễn các tiết mục văn nghệ với chủ đề về môi trường, tham quan trung tâm Thông tin Môi trường.
Hoạt động được tổ chức nhằm tạo sân chơi cho các bạn học sinh tại Huế, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hiện tái sử dụng, tái chế của các em học sinh, đặc biệt chú trọng tái chế sản phẩm nhựa, thay thế việc sử dụng bao bì ni lông, góp phần xây dựng Huế trở thành đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam.
Phụ nữ Đồng Tháp hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”
Sáng 15/5, Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Hội LHPN huyện Thanh Bình tổ chức lễ ra quân hưởng ứng phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2023).
Tại buổi lễ ra quân các đại biểu và người dân đã tổ chức trồng 600 giáng hương tại ấp 1, xã Bình Tấn.
Song song với huyện Thanh Bình, các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười và TP. Cao Lãnh cũng đồng loạt trồng 900 cây giáng hương do của TƯ Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ.
Đây là một trong những hoạt động thể hiện quyết tâm của cán bộ, hội viên phụ nữ tỉnh Đồng Tháp cùng với chính quyền địa phương tạo “đường hoa”, “đường xanh bóng mát” làm đẹp quê hương, góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững gắn với công tác bảo vệ môi trường.
Đồng thời Hội cũng tiếp tục hưởng ứng phát động của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp về tổ chức các hoạt động trồng cây xanh với nội dung “Phụ nữ vun trồng tương lai – vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” với tinh thần “Mỗi Phụ nữ – một cây xanh”, “Mỗi cơ sở Hội – một công trình cây xanh” gắn với chỉ đạo của địa phương, các công trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đến hết năm 2025, cán bộ, hội viên, phụ nữ trồng được từ 320.000 cây xanh trở lên trong toàn tỉnh.
Chính phủ New Zealand chi 720 triệu USD để khắc phục hậu quả thiên tai
Chính phủ New Zealand cho biết trong một tuyên bố rằng các khoản tiền từ ngân sách năm 2023 nhằm trang trải “những điều cơ bản” để xây dựng lại đường xá, đường sắt và trường học, cũng như phòng chống lũ lụt.
Siêu Bão Gabrielle đã tàn phá nhiều khu vực của North Island vào tháng 2, giết chết 11 người. Trước đó, lũ quét do lượng mưa kỷ lục cũng đã gây ra thiệt hại lớn cho thành phố lớn nhất của đất nước là Auckland vào tháng 1.
Chính phủ New Zealand đã ước tính chi phí của các thảm họa lên tới 14,5 tỷ đô la New Zealand, thảm họa tốn kém nhất của nước này sau trận động đất ở Canterbury năm 2011, khi nó gây thiệt hại nặng nề cho thành phố Christchurch.
“Gói phục hồi đáp ứng nhu cầu phục hồi ngay lập tức của ngày hôm nay và đầu tư vào khả năng phục hồi cao hơn cho tương lai”, Thủ tướng Chris Hipkins cho biết.
Ông nói trong tuyên bố rằng khoản chi “sẽ đưa đường xá, đường sắt và trường học trở lại như trước khi thảm họa xảy đến trong năm nay để các cộng đồng có thể trở lại bình thường càng sớm càng tốt”.
Chính phủ New Zealand cho biết họ sẽ không đưa ra bất kỳ loại thuế mới quan trọng nào để phục hồi ngân sách năm nay. Khoản cứu trợ này còn nhằm hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho trẻ em ở các vùng bị ảnh hưởng và đào tạo việc làm.
Bão Gabrielle tấn công khu vực cực bắc của North Island và đi xuống bờ biển phía đông, gây ra sự tàn phá trên diện rộng. Các công ty bảo hiểm vào tháng 3 cho biết đã nhận được 40.000 yêu cầu bồi thường trị giá khoảng 890 triệu đô la New Zealand về thiệt hại do cơn bão.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị