Sai lầm ‘đốt túi’ phát sinh khi xây nhà khiến gia chủ bạc mặt, ngập đống nợ
Quá nhiều loại chi phí phát sinh khiến ngân sách dự tính xây nhà không đủ dẫn đến quá trình thi công phải tạm hoãn, hoặc gia chủ phải vay mượn, nợ nần.
Khi xây nhà, các chi phí phát sinh là khó tránh khỏi xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Khoản dự phòng các loại chi phí phát sinh chiếm khoảng 10% tổng chi phí xây nhà được cho là tỷ lệ hợp lý. Tuy nhiên, có những căn nhà chi phí phát sinh lên tới 20% hoặc hơn. Chi phí phát sinh quá nhiều sẽ khiến gia chủ đối mặt khó khăn tiền bạc trong quá trình xây dựng, phải vay mượn để tiếp tục thi công, nhà xây xong thì “nợ đơn, nợ kép”.
Để tránh rơi vào tình cảnh không mong muốn trên, tốt nhất các gia chủ nên “điểm danh” những chi phí phát sinh thường gặp để quản lý tài chính một cách hiệu quả nhất.
Chi phí thiết kế
Để xây nhà, việc đầu tiên là cần có bản vẽ thiết kế. Đa số các gia chủ sẽ thuê kiến trúc sư thiết kế nhà. Tuy nhiên, cũng có những người tiết kiệm bằng cách xin hoặc dùng bản vẽ thiết kế có sẵn trên mạng, chỉ thuê kiến trúc sư chỉnh sửa mẫu cho phù hợp với diện tích đất, nhu cầu sử dụng của gia đình.
Thay đổi bản vẽ làm phát sinh chi phí chỉnh sửa |
Nếu ngay từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, gia chủ tuân theo bản vẽ thiết kế thì mọi khoản chi phí đều theo dự tính như ban đầu. Song thực tế, đa phần các gia chủ đều có thay đổi trong quá trình thi công do bản thân thấy không hợp lý, nhu cầu thực tế khác với kế hoạch ban đầu hoặc nghe người thân, người quen góp ý. Điều này dẫn đến tình trạng thêm chỗ này, đập bỏ chỗ kia, muốn xây thêm hạng mục mới… Mỗi lần thay đổi một chi tiết nào đó trong bản vẽ là mỗi lần phát sinh chi phí chỉnh sửa.
Để giải quyết khoản phát sinh do thay đổi thiết kế, gia chủ cần xác định rõ ràng từ đầu mong muốn về ngôi nhà trong tương lai, phong cách thiết kế, quy mô, công năng sử dụng… Điều này sẽ tránh được việc sửa tới sửa lui bản thiết kế.
Chi phí cho các thủ tục pháp lý
Giấy phép xây dựng là điều kiện bắt buộc để có thể khởi công xây dựng một ngôi nhà. Ngôi nhà “thành hình” phải giống như trong giấy phép xây dựng đã được cấp. Ví dụ đã xin giấy phép xây dựng nhà 2 tầng thì không thể xây thành nhà 3 tầng. Vì thế gia chủ cần cân nhắc kỹ về thiết kế ngôi nhà trước khi xin giấy phép. Việc xin lại giấy phép xây dựng nhiều lần sẽ phát sinh nhiều chi phí không mong muốn.
Sự thay đổi về chủng loại, chất lượng… vật tư làm phát sinh chi phí |
Bên cạnh đó, có thể phát sinh chi phí về các thủ tục pháp lý trong quá trình xây dựng. Nó có thể là do thiếu, sai lệch thổ cư, không xác định được ranh mốc, khoảng lùi xây dựng, chỉ giới xây dựng… cần được cơ quan chức năng xử lý. Nó cũng có thể là chi phí thoả thuận với hàng xóm khi quá trình xây dựng ảnh hưởng đến các công trình kế bên.
Các phát sinh pháp lý không chỉ làm đội chi phí mà còn là nguyên nhân làm trì hoãn thi công, cưỡng chế phá dỡ công trình, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng.
Chi phí nhân công
Loại chi phí này thường phát sinh thêm khi tiến độ công trình bị kéo dài do các nguyên nhân như thời tiết không thuận lợi, trục trặc giấy tờ pháp lý, làm tăng ngày công.
Chi phí này cũng tăng trong trường hợp phát sinh thêm hạng mục cần xây dựng hoặc có thay đổi về độ phức tạp của công trình.
Chi phí vật tư
Nếu không ký hợp đồng với một nhà cung cấp cụ thể, chi phí vật tư có thể sẽ bị tăng do những biến động về giá cả của thị trường.
Tiểu cảnh dù chỉ là hạng mục phụ nhưng cũng tốn ngân sách |
Sự thay đổi về chủng loại, chất lượng… vật tư cũng gây ra sự chênh lệch về đơn giá, làm phát sinh chi phí. Không ít trường hợp chủ nhà đã quyết định chọn loại vật liệu này nhưng lúc xây dựng lại muốn thay đổi vì phát hiện vật liệu này không tốt, vật liệu kia tốt, muốn thay thế vật liệu sản xuất trong nước bằng vật liệu nhập khẩu… Tất cả những thay đổi này đều sẽ phải “trả giá” bằng tiền bạc.
Chi phí nội thất
Chi phí phát sinh nội thất thường do mua những món đồ không cần thiết, không phù hợp với không gian hoặc nhu cầu sử dụng, đổi trả do không vừa kích thước…
Trường hợp thuê riêng kiến trúc sư và người thiết kế nội thất, hai người này có thể bất đồng quan điểm dẫn đến thay đổi về không gian, sắp xếp đồ đạc, phát sinh thêm chi phí.
Chi phí các hạng mục phụ
Cổng, sân, tiểu cảnh trang trí… là những hạng mục phụ thường bị nhiều gia chủ “quên” khi hoạch định chi phí xây nhà. Thực tế, những hạng mục này cũng “ngốn” một khoản ngân sách không nhỏ trong tổng chi phí xây nhà.
Sự thiếu sót các hạng mục này trong việc lập dự toán chi phí ban đầu sẽ khiến gia chủ “xót ruột” khi phải dốc hầu bao chi trả.
Nguồn: Báo xây dựng