Tăng cường công tác xét xử bằng hình thức trực tuyến

Theo báo cáo liên ngành tại Hội nghị chuyên đề về công tác giải quyết án hành chính ngày 11/5 của VKSND và TAND thành phố Hà Nội, số lượng các vụ án hành chính thuộc thẩm quyền của TAND Thành phố ngày càng gia tăng và phức tạp. Trong đó, các vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm hơn 80%, nhiều vụ án khiếu kiện đông người được dư luận xã hội quan tâm.

Điển hình như các vụ án hành chính liên quan đến quyết định thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư thuộc Dự án mở rộng đường Phạm Văn Đồng (30 vụ), Dự án xây dựng, phát triển khu công nghệ cao quận Bắc Từ Liêm (17 vụ), Dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai II đoạn từ Cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở (22 vụ).

Tăng cường công tác xét xử bằng hình thức trực tuyến
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: N.A)

Bà Nguyễn Thị Hoa (Trưởng phòng 10, VKSND thành phố Hà Nội) cho biết, hàng năm trên địa bàn thành phố, án hành chính thụ lý khoảng gần 1.000 vụ, chiếm trên 10% án hành chính của cả nước. Các khiếu kiện hành chính chủ yếu liên quan đến các quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai.

VKSND và TAND đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, phối hợp liên ngành đưa ra phương thức nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính. Tuy nhiên, việc giải quyết án hành chính vẫn còn chậm, số lượng án hành chính quá hạn, bị kéo dài còn nhiều.

Đối với án hành chính biệt phái, mặc dù được sự chỉ đạo của TAND tối cao, VKSND tối cao thực hiện công tác biệt phái Thẩm phán trung cấp, Kiểm sát viên trung cấp đang công tác tại cấp huyện giải quyết án hành chính cấp tỉnh, tuy nhiên tỷ lệ giải quyết án hành chính biệt phái chưa cao, vẫn còn trường hợp chuyển lại án khó cho thành phố giải quyết.

Bà Hoa nhận định, án hành chính là loại án khó, liên quan đến tất cả các lĩnh vực quản lý Nhà nước. Phạm vi giải quyết của vụ án rộng, phải xem xét tính hợp pháp của tất cả các quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại liên quan.

Vậy nên, các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong việc giải quyết, cần thời gian để nghiên cứu văn bản pháp luật nên vụ án phải kéo dài, dẫn đến vi phạm thời hạn giải quyết. Mặt khác, thủ trưởng cơ quan bị kiện thường không tham gia tố tụng mà ủy quyền cho cấp phó, cấp phó lại làm đơn xin xét xử vắng mặt, vì vậy không tổ chức đối thoại được mà phải đưa ra xét xử nên vụ án khó kết thúc sớm.

Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, số lượng phiên tòa hành chính xét xử theo hình thức trực tuyến chưa nhiều.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế ở trên, Trưởng phòng 10 VKSND thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Với vai trò là các cơ quan bảo vệ pháp luật, VKSND, TAND Thành phố xác định công tác cán bộ luôn là nhiệm vụ quan trọng, mấu chốt. Lãnh đạo hai ngành luôn khuyến khích cán bộ chủ động từng bước tích lũy, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ công tác”.

Đặc biệt, tập trung giải quyết các vụ án hành chính bị kéo dài, quá thời hạn. Tăng cường công tác xét xử bằng hình thức trực tuyến. Tăng cường phối kết hợp giữa VKSND và TAND hai cấp thành phố để nhanh chóng giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan như Ủy ban nhân dân các cấp, các sở ban ngành…

L.T

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích