Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3

Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3

Sáng 12/5, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam tổ chức Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ 3.

Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Tiến sĩ Tạ Đình Thi cho biết: Là một trong sáu nước trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”, được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu về một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn nhưng đã có những đóng góp đi đầu cho “ngôi nhà chung” an toàn của nhân loại.

tm-img-alt
Quang cảnh diễn đàn

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và phát triển các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu nêu trên, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất năng lượng và chú trọng chuyển đổi năng lượng với một lộ trình phù hợp, vừa bảo đảm mục tiêu bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhưng giảm tối đa gánh nặng chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Hiện Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Theo đó, đề xuất phát triển mạnh điện gió trên bờ và điện ngoài khơi; phát triển nhiệt điện khí dùng trong nước (chuỗi khí- điện Lô B, Cá Voi Xanh)thay thế dần nhiệt điện than, giảm phát thải khí nhà kính.

Tiến sĩ Tạ Đình Thi cho biết thêm: Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió ngoài khơi lớn nhất Đông Nam Á, nên cần tận dụng tối đa và hiệu quả tiềm năng này. Một dự án điện gió ngoài khơi cần tầm 6 đến 7 năm (từ khảo sát đến xây dựng xong).

Dự án cần có cơ sở hạ tầng gần nhất để phục vụ cho việc khảo sát, xây dựng lưới điện truyền tải, và vận hành, bảo dưỡng. Mặc dù các thiết bị chính phải nhập khẩu, nhưng thiết bị phụ trợ Việt Nam có thể sản xuất được, cho nên Việt Nam cần sẵn sàng tham gia sâu được vào chuỗi cung ứng điện gió đầy tiềm năng này.

Để tăng thêm nguồn điện nền, cân bằng và khai thác hiệu quả nguồn điện rất lớn từ năng lượng tái tạo, theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần phát triển từ 14.900 MW đến 22.400 MW điện khí LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng)nhập khẩu vào năm 2030 và có thể tăng lên đến 32.400 MW vào năm 2035.

Do vậy, Việt Nam cần có cơ sở hạ tầng để nhập khẩu và lưu trữ một lượng khí LNG đủ cho các nhà máy điện vận hành ổn định và có thể ký hợp đồng mua khí LNG dài hạn. Hạ tầng điện khí gồm các khâu thượng, trung và hạ nguồn, nhất là điện LNG là “chuỗi nhiên liệu” phức tạp, bao gồm: Cảng- kho- hệ thống tái hóa khí- đường ống- nhà máy điện. Cuối cùng là cơ chế giá và sự huy động phát điện để bảo đảm hiệu quả chuỗi dự án.

Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ các nội dung như: Quy hoạch và các giải pháp phát triển chuỗi điện khí LNG của Việt Nam; những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy định ảnh hưởng chậm tiến độ các dự án; quy trình cấp phép khảo sát và tiến độ quy hoạch không gian biển quốc gia; các thế mạnh của Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng cho điện ngoài khơi của Việt Nam; các cơ chế, chính sách cho chuyển dịch năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, ý kiến phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, Ban Tổ chức sẽ tổng hợp gửi tới Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, ban hành các quy định phù hợp; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, nhà sản xuất cung cấp thiết bị, công nghệ trong và ngoài nước, nhất là tạo điều kiện để triển khai các dự án năng lượng tái tạo, phát triển bền vững và hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết trước cộng đồng quốc tế.

Tuấn Anh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích