Hướng đến tăng trưởng xanh với bộ tiêu chuẩn quốc tế ISO 14030
Bộ tiêu chuẩn ISO 14030, Đánh giá hiệu suất môi trường – Chứng khoán nợ xanh, là một lộ trình được quốc tế công nhận về phát hành trái phiếu xanh và cấp tín dụng xanh. Các tiêu chuẩn mới mô tả những nguyên tắc, tiêu chí và hướng dẫn để có thể đủ điều kiện là trái phiếu và tín dụng “xanh” nhằm tài trợ cho các dự án hoạt động đủ điều kiện, đảm bảo việc giám sát và đánh giá tác động môi trường.
Ảnh minh họa.
Bộ tiêu chuẩn gồm bốn phần, những tiêu chuẩn này sẽ phân loại các tài sản, dự án đủ điều kiện cho tài chính xanh, xác định quy trình tạo trái phiếu và tín dụng xanh, đồng thời đảm bảo rằng quy trình phát hành phù hợp với tiêu chí sẽ mang lại lợi ích môi trường như mong đợi.
Theo Tiến sĩ John C. Shideler, Chủ tịch nhóm chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn, bộ tiêu chuẩn ISO 14030 sẽ nâng cao uy tín và hài hòa các thông lệ tốt trong ngành tài chính xanh, từ đó thúc đẩy thị trường. “Việc sử dụng các tiêu chuẩn này nhằm mục đích loại bỏ sự nhầm lẫn, cải thiện niềm tin vào thị trường. Nó không chỉ dẫn đến tăng đầu tư và cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, mà còn tăng lợi ích môi trường”, ông John giải thích.
Loạt bài này bao gồm các tiêu chuẩn sau: ISO 14030-1, Đánh giá hoạt động môi trường – Chứng khoán nợ xanh – Phần 1: Quy trình cho trái phiếu xanh; ISO 14030-2, Đánh giá hoạt động môi trường – Chứng khoán nợ xanh – Phần 2: Quy trình cho các khoản vay xanh; ISO 14030-3, Đánh giá hoạt động môi trường – Chứng khoán nợ xanh – Phần 3: Phân loại (đang được phát triển); ISO 14030-4, Đánh giá hoạt động môi trường – Chứng khoán nợ xanh – Phần 4: Yêu cầu đối với chương trình xác minh.
Bộ tiêu chuẩn được xây dựng bởi tiểu ban SC 4, Đánh giá hoạt động môi trường, thuộc ban kỹ thuật ISO /TC 207, Quản lý môi trường. Ban thư ký của ISO /TC 207 /SC 4 được cung cấp bởi ANSI, thành viên ISO tại Hoa Kỳ. Tất cả các tiêu chuẩn đều có sẵn từ thành viên ISO ở quốc gia của bạn hoặc từ ISO Store.
Theo định nghĩa của UNEP 2016, “green finance” còn có tên gọi tiếng Việt là tài chính xanh, liên quan đến việc đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ tài chính được cung cấp bởi các định chế tài chính hướng tới sự phát triển bền vững của các quốc gia. Ngoài ra, Chowdhury và các cộng sự 2013 còn nêu quan điểm về tài chính xanh là những hỗ trợ về tài chính hướng đến sự tăng trưởng xanh thông qua việc cắt giảm khí thải nhà kính và ô nhiễm môi trường một cách có ý nghĩa.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đề tài “Phát triển hệ thống tài chính xanh nhằm thúc đẩy kinh tế xanh ở Việt Nam” 2020, hệ thống tài chính xanh có thể được hiểu là “Hệ thống tài chính cho phép luân chuyển nguồn tài chính tới các hoạt động đầu tư thông qua trung gian tài chính và thị trường tài chính mà các hoạt động đầu tư đó phải đảm bảo điều kiện xanh, bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững”.
Thị trường tài chính xanh tại Việt Nam cũng có bước đầu khởi động với hệ thống pháp luật về tài chính xanh đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 cùng các Bộ, ngành liên quan ban hành các quyết định, chính sách phát triển.
Hà My