Tiền Giang có mức tăng trưởng tích cực khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn

(Xây dựng) – Trong chương trình làm việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều 12/5, Đoàn công tác Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị dẫn đầu đã đến làm việc tại tỉnh Tiền Giang.

Tiền Giang có mức tăng trưởng tích cực khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị vui mừng vì Tiền Giang có những mức tăng trưởng tích cực khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hà Thiện Ý – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tiền Giang cho biết: Trong 4 tháng đầu năm 2023, tỉnh Tiền Giang có 281 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 33,9% so với kế hoạch (giảm 17,1% về số doanh nghiệp so cùng kỳ). Nguyên nhân số doanh nghiệp đăng ký mới giảm là do trong năm 2022 số doanh nghiệp đăng ký mới tăng đột biết sau dịch Covid-19, tuy giảm nhưng nhìn chung vẫn giữ mức ổn định trong giai đoạn 2019-2023.

Tình hình sản xuất công nghiệp dù gặp một số khó khăn do các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng xuất khẩu, nhưng so với cùng kỳ sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tăng (cùng kỳ tăng 3,7%); kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh thực hiện 4 tháng đầu năm 2023 là gần 1,200 tỷ USD, giảm 14% so cùng kỳ, (thực hiện 30,6% kế hoạch năm); kim ngạch nhập khẩu 4 tháng ước 700,7 triệu USD giảm 5,9% so cùng kỳ, thực hiện 30,5% kế hoạch năm.

Trong 4 tháng đầu năm, tỉnh Tiền Giang đã giải ngân được 500 tỷ đồng, lũy kế 4 tháng đầu năm được 1.906 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch, tăng 40,1% so cùng kỳ (cùng kỳ đạt 27,5% kế hoạch, tăng 25,6%). Đầu tư công của tỉnh Tiền Giang thuộc nhóm các địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội.

Lĩnh vực đầu tư tư nhân, trong 4 tháng đầu năm tỉnh Tiền Giang thu hút được 5 dự án mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.902 tỷ đồng, trong đó có 2 dự án vốn đầu tư nước ngoài (29 tỷ đồng).

Trái với các lĩnh vực khác, thị trường bất động sản tại Tiền Giang gặp nhiều khó khăn do việc triển khai đầu tư xây dựng dự án bất động sản tại địa phương gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng… dẫn đến nguồn cung bất động sản sụt giảm, khiến số lượng dự án được chấp thuận mới và các dự án hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại, nhà ở thương mại có giá phù hợp cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, đặc biệt là nhà ở xã hội, công nhân. Giá bất động sản cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Toàn tỉnh Tiền Giang hiện nay đang thực hiện 23 dự án, với tổng diện tích đất là khoảng 153ha, gồm gần 7.300 căn hộ, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 1.379.000m2, 5 dự án nhà ở xã hội, cung cấp khoảng 5000 căn hộ tại các khu công nghiệp và thành phố Mỹ Tho.

Như các địa phương khác, tỉnh Tiền Giang cũng gặp nhiều khó khăn: Triển khai các dự án nhà ở xã hội; thủ tục đầu tư, xây dựng; giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; quy hoạch phát triển các khu công nghiệp; áp dụng các quy định mới về công tác phòng cháy chữa cháy tại các công trình và một số thủ tục hành chính khiến hai dự án điện gió tại tỉnh không được hưởng ưu đãi đầu tư.

Tiền Giang có mức tăng trưởng tích cực khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất những vấn đề quan trọng để tháo gỡ những khó khăn tại địa phương.

Từ những tồn tại trên, ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất một số vấn đề nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, dự án thuận lợi triển khai. Cụ thể, Chính phủ ban hành gói cho vay hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn này như kéo dài thời gian và mức hạ lãi suất. Xem xét giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển, trong đó có các dự án điện gió được hưởng ưu đãi đầu tư…. đặc biệt, kiến nghị Chính phủ bổ sung thêm 300ha đất khu công nghiệp cho Tiền Giang để phát triển Khu công nghiệp Tân Phước 2.

Tỉnh Tiền Giang cũng kiến nghị Bộ Xây dựng cần điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về phát triển và quản lý thị trường bất động sản. Cụ thể, bổ sung đối tượng thu nhập thấp có hộ khẩu tại nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Xem xét sửa đổi quy định tại Khoản 3 Điều 54, Luật Nhà ở, trong đó bãi bỏ quy định “phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án”. Cùng đó, tỉnh Tiền Giang còn kiến nghị một số vấn đề liên quan đến an toàn công trình xây dựng, quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời….

Chia sẻ với tỉnh Tiền Giang về những vướng mắc hiện tại, đại diện các Bộ, ngành trong đoàn công tác đã giải đáp một số vấn đề thuộc thẩm quyền. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Tiền Giang về những kết quả tích cực tại các chỉ tiêu quan trọng góp phần vào tăng trưởng của cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng chia sẻ: Trong dự thảo Luật Nhà ở sẽ bỏ quy định về hộ khẩu khi mua nhà ở xã hội và sẽ bỏ quy định dành 20% trong quỹ đất nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội. Tất cả những thay đổi này nhằm hướng tới an sinh xã hội, người thu nhập thấp có nhà ở khang trang. Về chỉ tiêu sử dụng đất công nghiệp đã được Thủ tướng yêu cầu rà soát và bổ sung, vì vậy Tiền Giang sớm có thêm quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư.

Bộ trưởng đề nghị tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, trong đó có đầu tư công và thu hút đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm và tìm hướng tăng giá trị xuất khẩu và kích thích tiêu dùng. Cùng đó, Tiền Giang cần quản lý các cấp quy hoạch và phát triển nâng cấp đô thị; quan tâm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người lao động…

Những kiến nghị còn lại không thuộc thẩm quyền, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các Bộ, ngành tổng hợp các ý kiến của tỉnh Tiền Giang trình Thủ tướng Chính phủ để tìm hướng giải quyết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích