Ngành Công Thương Việt Nam – Tái cơ cấu để phát triển bền vững
(Xây dựng) – Nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống ngành Công Thương, sáng nay (12/5), Báo Công Thương tổ chức Toạ đàm với chủ đề: “Ngành Công Thương Việt Nam – Tái cơ cấu để phát triển bền vững”.
Các chuyên gia, diễn giả tại Toạ đàm “Ngành Công Thương Việt Nam- Tái cơ cấu để phát triển bền vững” do Báo Công thương tổ chức ngày 12/5 tại Hà Nội. |
Tái cơ cấu ngành Công Thương là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Trong nhiều năm qua, hoạt động tái cơ cấu ngành Công Thương đã được thực hiện theo Quyết định số 2146/QĐ-TTg ngày 01/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ, và đã có được những hiệu quả tích cực trong tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu, thể hiện ở các con số tăng trưởng qua từng năm, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, để hoạt động tái cơ cấu ngành Công Thương hiệu quả hơn với mô hình quản trị ngành có tính thích ứng cao, đảm bảo phát triển nhanh và bền vững, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 165/QĐ-TTg ngày 28/02/2023 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030. Đề án đặt mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; Tạo lập các động lực tăng trưởng mới gắn với chuyển biến về chất.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030. Duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 – 8%/năm; tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng khoảng 13,0 – 13,5%/năm.
Phát triển công nghiệp cả về chiều rộng, chiều sâu
Tại tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Hội – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) chia sẻ, thành tựu đạt được 10 năm qua quan trọng nhất là đưa nền công nghiệp lên tầm cao mới, phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu với tốc độ tăng trưởng tương đối nhanh 8-9%/năm. Tất cả các ngành công nghiệp, mặt hàng công nghiệp đã đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Công nghiệp đã thực sự trở thành trụ cột của nền kinh tế, trong đó có đóng góp lớn nhất cho ngân sách và GDP cả nước.
“Quan trọng nữa, công nghiệp đã đáp ứng cơ bản phát triển thị trường trong nước, góp phần vào tổng mức bán lẻ lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ trong nước. Tạo sự cạnh tranh sòng phẳng với hàng hoá của các nước khác trên chính thị trường nội địa. Công nghiệp cũng đóng góp quan trọng cho xuất khẩu khi 85% các mặt hàng được xuất khẩu từ ngành công nghiệp”, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương nói.
TS Nguyễn Văn Hội cũng cho rằng, ngành Công nghiệp trong suốt giai đoạn qua được tái cơ cấu theo đúng hướng theo đàm phán FTA của Việt Nam với các đối tác. Tận dụng tối đa cơ hội và cam kết quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá. Từ đóng đóng góp quan trọng cho nền kinh tế.
Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế cho rằng, tái cơ cấu ngành Công Thương là tái cấu trúc nền kinh tế. Rõ ràng trong thời gian qua cùng với việc thực hiện Quyết định 2146/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, theo đó ngành Công Thương đã thực sự đồng hành cùng với đất nước trong suốt quá trình đổi mới, cũng như trong quá trình tái cơ cấu hay nói cách khác mạnh hơn là tái cấu trúc nền kinh tế.
“Ngành Công Thương đã đạt được rất nhiều thành tựu, thể hiện cả trong sản xuất cũng như trong thương mại. Trong sản xuất, sự phát triển của ngành được hội tụ rất rõ ở sự gia tăng tốc độ tăng trưởng và tăng cải thiện vị trí, vị thế, đóng góp và tầm quan trọng của ngành Công Thương trong nền kinh tế”, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá.
Đẩy mạnh thương mại nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững
Trong năm 2022, xuất nhập khẩu đã ghi nhận nhiều cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên tổng kim ngạch thương mại vượt 700 tỷ USD, bên cạnh đó là con số xuất siêu khoảng 10 tỷ USD, nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ tỷ USD và chục tỷ USD”
Theo TS Nguyễn Văn Hội, tuy xuất khẩu con số tương đối lớn nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro vì mặt hàng xuất khẩu nhiều mặt hàng từ doanh nghiệp FDI. Giá trị gia tăng hay sự tham gia vào chuỗi cũng ứng xuất khẩu của Việt Nam tương đối thấp, nhất là về công nghệ. Doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam cam kểt và hoạt động đầu tư có hỗ trợ nhưng tỷ lệ vô cùng thấp. Chính vì vậy Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương cho rằng, cần xây dựng quy định ràng buộc hơn nữa trong chuyển giao công nghệ và thực hiện các cam kết.
Từ 2022, đến 4 tháng năm 2023 nhìn rõ tác động, sự suy giảm của khối doanh nghiệp FDI đã góp phần kéo giảm xuất khẩu của cả nước. Trong quá trình tái cơ cấu cái gì khó khăn, chưa đạt phải điều chỉnh để phù hợp với tất cả các lĩnh vực sản xuất, thương mại.
“Đã đến lúc nhìn vào con số thực tế kim ngạch xuất khẩu và giá gia tăng trong kim ngạch xuất khẩu đó, cần tập trung vào mặt hàng Việt Nam có giá trị cao, như: Mặt hàng công nghiệp chế biến, những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế”, TS Nguyễn Văn Hội phân tích cụ thể.
Liên quan đến nội dung này, TS Nguyễn Minh Phong nêu, xuất khẩu đã đa dạng hóa các sản phẩm với hàm lượng gia tăng, chất lượng cao và do đó giá trị, giá cả cũng cao lên. Trong đó, đặc biệt là sự phát triển của thương mại, nhất là là thương mại điện tử. Bên cạnh đó, còn thể hiện ở sự đa dạng trong cơ cấu thị trường, cũng như sự chuyển đổi trong cơ cấu nội ngành và giữa các ngành.
Nêu cụ thể hơn, TS. Nguyễn Văn Hội cho hay, trong Quyết định số 165/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương thể hiện rõ, mục tiêu tốc độ tăng trưởng lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng từ 13-15%/năm là hoàn toàn khả thi, con số này đã được duy trì trong suốt những năm qua. Thị trường 100 triệu dân nhu cầu tiêu dùng tăng rất nhanh là thị trường nhiều tiềm năng.
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương. |
Về mặt cơ chế cũng như bản thân doanh nghiệp đã có chiến lược thúc đẩy sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phù hợp với thị trường nội địa. Muốn xuất khẩu ổn định bền vững thị trường nội địa cần được coi là nền tảng. Bởi lẽ, một mặt thị trường nội địa là kết nối mở rộng với xuất khẩu; mặt khác thị trường nội địa tạo ra sức ép cạnh tranh sòng phẳng giữa hàng hoá xuất khẩu và hàng hoá trên thị trường nội địa.
“Vì vậy, trong quá trình tái cơ cấu cần tập trung phát triển hơn nữa hạ tầng thương mại nhằm một mặt gắn kết, tạo nền tảng bền vững cho phát triển đẩy mạnh thương mại nội địa đang phát triển rất nhanh hiện nay, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu bền vững trong thời gian tới”, TS Nguyễn Văn Hội nêu giải pháp.
Doanh nghiệp, vai trò quan trọng trong mục tiêu tái cơ cấu
Tại Tọa đàm, TS. Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, cần phải hiểu tái cơ cấu là một trong nhiều cách thức tiến tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vai trò của các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” trong quá trình tái cơ cấu rất quan trọng.
TS. Tô Hoài Nam nhấn mạnh, trong những năm gần đã xuất hiện nhiều các doanh nghiệp đầu đàn trong ngành ôtô, thủy sản, dệt may… chủ yếu là doanh nghiệp ở khu vực tư nhân nhờ Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân. “Tôi tin rằng trong tương lai gần nếu chúng ta duy trì được điều này sẽ xuất hiện nhiều hơn các doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt”, TS Nam nói.
Tuy nhiên, TS Tô Hoài Nam cho rằng, muốn tái cơ cấu một ngành nói chung và từng doanh nghiệp riêng lẻ nói riêng thì chỉ một mình ngành Công Thương không làm được mà cần phải thực hiện đồng bộ.
Thứ nhất về mặt tư duy, tư duy phát triển doanh nghiệp và tư duy phát triển ngành phải linh hoạt, vấn đề ở chỗ người làm chính sách vẫn chưa thể hiện tính phù hợp và lệch nhịp giữa chính sách và thực lực cũng như thực tế.
Thứ hai, điểm yếu nhất đó là quá trình thực thi, mục tiêu rõ, chính sách tốt nhưng thực thi kém
Thứ ba, về phát triển khoa học công nghệ đã có nhiều thay đổi tiến bộ, nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu tiên tiến để hàm lượng khoa học công nghệ chiếm lĩnh tỷ trọng nhất định trong quá trình tái cơ cấu- đây là điều kiều cần thiết quan trọng.
Thứ tư, nỗi lo của doanh nghiệp là tiếp cận vốn và tiếp cận mặt bằng sản xuất vẫn còn muôn vàn khó khăn, khiến cho chúng ta không thể tập trung vào tái cơ cấu, “Nếu khắc phục được khó khăn này nó mới là điều kiện cần để chúng ta thực hiện tái cơ cấu”, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khẳng định.
Đồng tình với TS. Tô Hoài Nam, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương nêu quan điểm, tôi đồng tình với quan điểm của TS. Tô Hoài Nam, trong quá trình phát triển phải dựa vào kinh tế tư nhân, tự hình thành con sếu đầu đàn, dựa vào sếu đầu đàn FDI không là khả thi. Cần nhìn nhận rõ ràng điều này để thấy trong quá trình tái cơ cấu cần xây dựng doanh nghiệp tư nhân trong nước thực sự con sếu đầu đàn nắm bắt khoa học công nghệ để dẫn dắt trong nước.
“Quan điểm của tôi là cần xây dựng các con sếu đầu đàn là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam (có thể liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài) làm chủ mới bền vững. Tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước để mang lại sự cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp khác trong giai đoạn tới”, TS Nguyễn Văn Hội bày tỏ.
Tái cơ cấu ngành Công Thương – cần tổng thể và đồng bộ
Có thể khẳng định, việc triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển bền vững sẽ tiếp tục được triển khai trên nền tảng những thành công đã đạt được và phải đối mặt cả với những tồn tại hiện có.
Nhận diện được thách thức để cùng nhau hóa giải thách thức đó, hiện thực hóa các mục tiêu được đề ra trong Đề án cần phải được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt và đây không chỉ là nhiệm vụ của ngành Công Thương mà còn cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp ủy, chính quyền Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương nêu rõ, phải được thực hiện đồng bộ trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo đồng bộ với tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực trọng tâm khác của nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, quá trình tái cơ cấu cũng cần phải được nhìn nhận trong một tổng thể đồng bộ, vừa đồng thời thể hiện sự trọng tâm, trọng điểm, đặc thù và phải gắn kết với tính thực tiễn và tính hiệu quả của sự phát triển bền vững.
“Bên cạnh đó, sự phát triển đòi hỏi sự đồng bộ, sự toàn diện trong cơ cấu chính sách, bao gồm cả chính sách công nghiệp, chính sách kinh tế, chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, chính sách khoa học công nghệ, chính sách thị trường, con người, chính sách hạ tầng. Tất cả phải dựa trên thực tế, bao gồm cả bề rộng, cả bề sâu và bám sát vào thực tiễn cũng như lấy hiệu quả làm thước đo, làm mục tiêu để tạo ra sự bền vững trong quá trình tái cơ cấu, tránh những rủi ro”, TS Nguyễn Minh Phong thông tin thêm.
Ông Phong cũng cho rằng, chúng ta phải thể chế hoá tất cả những mục tiêu, những biện pháp, những nhiệm vụ thành văn bản hay còn gọi là pháp lý hoá, biến thành những văn bản mang tính pháp lý cao cả về mặt luật pháp, chương trình hành động, nhiệm vụ giao cho tất cả các bộ, ngành, địa phương các cấp có liên quan.
Thậm chí phải thể hiện trong quy hoạch, trong chiến lược, trong dự án… để trở thành công cụ vừa chỉ đạo, vừa hành động. Bởi nếu không có điều đó thì sẽ không biết bắt đầu từ đâu.
Trong quá trình đó, phải cụ thể hoá hơn nữa những nhiệm vụ cụ thể cho từng giai đoạn, từng thời điểm nhưng phải gắn trong một sự đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các địa phương; đồng bộ giữa các giải pháp, lĩnh vực, các khía cạnh; đồng bộ trong từng đơn vị hành động.
Về phía Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương, TS. Nguyễn văn Hội nhấn mạnh, quan trọng nhất trong thời gian tới: thứ nhất là hoàn thiện khuôn khổ pháp lý. Đầu tiên, sớm xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp. Trong đó quan tâm đến các đối tượng, bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặc dù cơ chế rõ rồi nhưng trong luật phải rõ hơn để triển khai được.
Thứ hai, Luật Thương mại 2005 cần nghiên cứu thay thế và bổ sung bởi bối phát triển thương mại đã khác nhiều.
Thứ ba, xây dựng, sớm triển khai các quy hoạch và phải phù hợp với tất cả các quy hoạch ngành, quy hoạch quốc gia và phù hợp với các luật hiện nay.
Thứ tư, cần có chiến lược cụ thể với ngành hàng cụ thể, đồng thời phù hợp với tổng thể của nền kinh tế để triển khai cơ chế chính sách và hỗ trợ cụ thể.
Box: Bộ Công Thương được thành lập ngày 14/5/1951 trên cơ sở đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương theo Sắc lệnh số 21/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, trong phiên họp lần thứ 5 ngày 20/9/1955 đã ra Nghị quyết “Bộ Công Thương nay phân ra hai bộ: Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp”. Từ đó đến năm 2007, sau nhiều lần điều chỉnh tổ chức của Bộ Công nghiệp và Bộ Thương nghiệp thành các Bộ chuyên ngành với các tên gọi khác nhau. Ngày 31 tháng 7 năm 2007, Quốc hội Khóa XII thông qua Nghị quyết số 01/2007 hợp nhất Bộ Công nghiệp và Bộ Thương mại thành Bộ Công Thương hiện nay.
Ngày 02/10/2008, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1418/QĐ-TTg lấy ngày 14 tháng 5 hàng năm là “Ngày truyền thống của ngành Công Thương Việt Nam”.
Nguồn: Báo xây dựng