Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/5/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 12/5/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 12/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.

Phát động bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam

Thông qua Lễ phát động góp phần nâng cao nhận thức, sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của người dân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung với thông điệp “Chung tay cùng hành động để bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam” trong thời gian tới.

tm-img-alt
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Ngay sau lễ phát động, các đơn vị đã phối hợp tổ chức Hội nghị tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức ký cam kết cộng đồng về việc thực hiện bảo tồn, phát triển bền vững Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp); trưng bày, triển lãm những tác phẩm đã đoạt giải trong Cuộc thi ảnh về bảo tồn, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước của Việt Nam năm 2022./.

Hội thảo khởi động nghiên cứu xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia

Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của gần 150 đại biểu đến từ một số bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết bị làm mát.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Hệ thống làm mát bao gồm điều hòa không khí, quạt gió và máy làm mát ước tính chiếm tới 40% nhu cầu điện dân dụng và 25-40% nhu cầu điện năng trong dịch vụ và thương mại/công cộng. Việc Việt Nam liên tục ghi nhận các kỷ lục nhiệt độ trong thời gian gần đây cũng phần nào báo hiệu, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Theo Kịch bản biến đổi khí hậu, một trong những biểu hiện của BĐKH tại Việt Nam là nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng trung bình là 0,89 độ C. Nhiệt độ không khí tăng cao, các đợt nắng nóng bùng phát nhiều, kéo dài cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu thế gia tăng, làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia đang phát triển có tỷ lệ đô thị hóa cao. Sự gia tăng dân số và thu nhập tăng làm cho nhu cầu làm mát liên tục tăng.

Tuy nhiên, các thiết bị làm mát gián tiếp góp phần gây ra biến đổi khí hậu bằng cách tăng nhu cầu sử dụng điện (phần lớn vẫn được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch) và thông qua việc rò rỉ các chất gây suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính, vốn có khả năng gây nóng lên toàn cầu cao hơn nhiều so với phát thải CO2. “Nếu không được kiểm soát, lượng khí thải từ quá trình làm mát dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba lần vào năm 2100” – ông Quang nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng Dịch vụ dự án của Liên hợp quốc (UNOPS) ký ngày 21/6/2022, Cục Biến đổi khí hậu và UNOPS đã thống nhất thực hiện hoạt động “Nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia (NGCP)”. Trong thời gian qua, các đơn vị tư vấn đã tiến hành nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để đánh giá hiện trạng, bao gồm: công nghệ hiện có, tình trạng thị trường và các chính sách quốc tế/quốc gia đối với lĩnh vực làm mát tại Việt Nam. Từ đó, đề xuất phương án xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia.

Các kết quả của hoạt động nghiên cứu này sẽ cung cấp dữ liệu cần thiết để Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong quá trình xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2023.

Chia sẻ cụ thể về các bước xây dựng Chương trình, bà Đặng Hồng Hạnh, Công ty Cổ phần tư vấn Năng lượng và Môi trường – đơn vị tư vấn cho biết: Chương trình sẽ tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu, lý tưởng nhất là dưới dạng kiểm kê khí nhà kính chi tiết cho ĐHKK và làm lạnh. Tiếp đó là đánh giá chi tiết các nguồn phát thải hiện tại và dự báo tương lai, cũng như tiềm năng giảm nhẹ phát thải cho các tiểu ngành lạnh khác nhau; xác định các biện pháp giảm nhẹ phù hợp; liên kết các biện pháp và kế hoạch giảm nhẹ trong lĩnh vực làm mát với các lĩnh vực và mục tiêu liên quan khác. Cuối cùng hình thành các chiến lược dài hạn và kế hoạch thực hiện nhằm giảm nhẹ phát thải toàn diện trong lĩnh vực làm mát.

Trên cơ sở này, các cơ quan sẽ xây dựng Chương trình Làm mát xanh với lộ trình rõ ràng, đóng vai trò là nền tảng để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các bên liên quan chính trong lĩnh vực làm mát. Các nghiên cứu sẽ đóng góp xây dựng, triển khai Kế hoạch phát triển ngành làm mát có phát thải khí nhà kính thấp và hiệu quả năng lượng cao, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Dự kiến, các hoạt động nghiên cứu sẽ kết thúc và bàn giao sản phẩm vào cuối tháng 2/2024.

Điện Biên: Triển khai kế hoạch quan trắc môi trường

Vừa qua, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên giao cho phòng chuyên môn phối hợp với Công ty CP Kỹ thuật và Phân tích môi trường quan trắc hiện trường đợt 1, năm 2023, nhằm kiểm soát chất lượng môi trường, xây dựng hệ thống dữ liệu về hiện trạng môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

tm-img-alt
Lấy mẫu quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Trong đợt quan trắc lần này thực hiện tại 85 điểm quan trắc trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên. Nội dung quan trắc gồm: môi trường không khí xung quanh, tiếng ồn giao thông (33 điểm); quan trắc môi trường không khí công nghiệp (4 điểm); quan trắc môi trường nước mặt (24 điểm), quan trắc môi trường nước ngầm (17 điểm) và quan trắc môi trường đất (7 điểm).

Mục tiêu của viện quan trắc môi trường nhằm kiểm soát chất lượng môi trường, xây dựng hệ thống dữ liệu về hiện trạng môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên để làm cơ sở đánh giá diễn biến môi trường, nhằm đề ra các biện pháp phòng ngừa và dự báo các vấn đề ô nhiễm môi trường trong những năm sau.

Bà Đặng Thị Hồng Loan, Trưởng phòng Quản lí Môi trường và Biến đổi khí hậu, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên, cho biết: Theo Quyết định số 206/QĐ-STNMT ngày 23/12/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt Kế hoạch quan trắc môi trường tỉnh Điện Biên năm 2022 với quy mô 85 điểm quan trắc trên địa bàn 10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh và được thực hiện thành 2 đợt (đợt I từ tháng 3 – tháng 6, đợt II từ tháng 8 – tháng 12).

Trên cơ sở đó, ngày 17- 28/4/2023, Phòng Quản lý môi trường và Biến đổi khí hậu phối hợp với Công ty cổ phần Kỹ thuật và Phân tích môi trường, tiến hành quan trắc hiện trường đợt 1 năm 2023. Hiện nay, cán bộ chuyên môn đang thực hiện phân tích mẫu.

Trong các ngày khảo sát, lấy mẫu tại các khu vực trong tỉnh, hầu hết có thời tiết mát mẻ, trời quang, không mưa, nắng nhẹ, có ngày nắng nóng. Nhiệt độ không khí trung bình đạt từ 270C đến 35,50C. Độ ẩm không khí trung bình đạt từ 44,6% đến 51,2%.

Trước đó, từ ngày 25/3 – 10/4, trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ xảy ra hiện tượng mù khô, khí hậu rất xấu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều chuyến bay của hãng hàng không bị hủy do chất lượng không khí tại thành phố. Theo các chuyên gia về khí tượng “mù khô” là một dạng mù quang hóa tạo nên một lớp không khí trắng đục. Còn theo kinh nghiệm của người dân sống trên địa bàn thì đây là quãng thời gian đồng bào các dân tộc thiểu số đốt nương, hay xảy ra tình trạng cháy rừng kèm theo nắng nóng, khô hanh, gió Lào. Đặc biệt trời ít mưa.

Hội LHPN Từ Sơn (Bắc Ninh) ra mắt mô hình phân loại rác

“Tổ phụ nữ phân loại rác thải tại gia đình và xử lý rác hữu cơ bằng IMO” gồm 30 thành viên, có nhiệm vụ: Thường xuyên tuyên truyền vận động hội viên và nhân dân trong khu dân cư tham gia bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả cộng đồng dân cư và vận động nhân dân tham gia thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường như: Trồng cây xanh; tự phân loại rác thải tại gia đình; thu gom, vận chuyển rác thải đúng nơi qui định; dùng chế phẩm IMO để xử lý rác hữu cơ và sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo an toàn vệ sinh…

tm-img-alt
Thành viên Ban Điều hành tổ hướng dẫn hội viên, phụ nữ làm vi sinh IMO. Ảnh: Báo Bắc Ninh

Qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đảm bảo môi trường sống an toàn và cùng góp phần thực hiện tiêu chí về môi trường trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Nhân dịp này, gần 200 hội viên, phụ nữ phường Tam Sơn được hướng dẫn phương pháp phân loại rác thải tại gia đình và thực hành làm IMO.

Trong năm 2023, hàng loạt các công ty xi măng lớn sẽ bị thanh tra về môi trường

Theo kế hoạch thanh tra năm 2023 của Thanh tra Bộ TN&MT, từ nay đến cuối năm 2023, sẽ thanh tra việc thực hiện đề tài, đề án, dự án có nguồn kinh phí đầu tư lớn; việc thực hiện đề tài, đề án, dự án chưa được quyết toán hoàn thành (tính đến năm 2021); thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại một số tỉnh.

Như tại Hải Phòng, Hà Nội, sẽ Thanh tra một số dự án có giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; một số dự án có chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và đất rừng phòng hộ do HĐND cấp tỉnh thông.

Tại tỉnh Hải Dương thanh tra tại Công ty TNHH MTV xi măng Vicem Hoàng Thạch, Công ty TNHH Điện lực JAKS Hải Dương (huyện Kinh Môn), Công ty CP nhiệt điện Phả Lại (TP Chí Linh)…

Tỉnh Hà Nam sẽ thanh tra một số công ty xi măng tại huyện Thanh Liêm: Công ty CP xi măng Hoàng Long, Công ty CP Vissai Hà Nam …

 Đối với UBND tỉnh Hậu Giang, một số huyện và dự án tại địa phương này, Thanh tra Bộ TN&MT sẽ tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường

Ngoài ra, sẽ thanh tra việc cấp phép hoạt động khoáng sản không thông qua đấu giá và việc tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; chấp hành giấy phép hoạt động khoáng sản và công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khi đóng cửa mỏ của một số tổ chức tại các tỉnh Lâm Đồng, Tuyên Quang, Đắk Nông, Tây Ninh, Phú Yên.

Đặc biệt, Thanh tra Bộ TN&MT cũng sẽ làm rõ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại một số cơ sở có lưu lượng khí thải, bụi lớn và cơ sở y tế tại TP Hồ Chí Minh, Hải Dương, Hà Nam và Bình Dương.

Tại TP Hồ Chí Minh sẽ thanh tra Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi Đồng I, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Từ Dũ, Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh. Tại Bình Dương sẽ thanh tra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.

Đồng thời, Thanh tra Bộ TN&MT cũng sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ

Đà Nẵng: Đưa nhà máy nước Hòa Liên vào vận hành ngay trong quý 2

Theo đó, thành phố tăng cường giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để bảo đảm cấp nước an toàn cho thành phố đến cuối mùa cạn và duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông; điều hành vận hành xả nước từ các hồ thủy điện theo thẩm quyền được giao cho Chủ tịch UBND thành phố tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn khi độ mặn nước sông tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ lớn hơn 1.000mg/l trong 24 giờ liên tục.

tm-img-alt
Nhà máy nước Hòa Liên đặt tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng

Các sở, ban, ngành tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở các sông, suối nội tỉnh trên địa bàn thành phố; thực hiện các biện pháp bảo đảm lưu thông dòng chảy, phòng chống sạt lở bờ, bãi sông; thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng tài nguyên nước, nguồn nước sinh hoạt; vận hành và phối hợp vận hành các đập dâng An Trạch, Hà Thanh, Thanh Quýt và Bàu Nít trong mùa cạn…

Trong kế hoạch, để đưa nhà máy nước Hòa Liên đi vào vận hành chính thức ngay trong quý 2-2023, UBND thành phố giao Sở Xây dựng hoàn thiện, trình phê duyệt hồ sơ, quyết định giao tài sản công nhà máy nước Hòa Liên cho Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị (Sở Xây dựng); đề xuất, hoàn thiện, trình phê duyệt phương án khai thác tạm thời nhà máy nước Hòa Liên ; Trung tâm Quản lý hạ tầng đô thị, đơn vị được giao nhà máy nước Hòa Liên thực hiện vận hành, khai thác nhà máy nước Hòa Liên hòa mạng lưới cấp nước thành phố.

UBND thành phố cũng giao các sở, đơn vị liên quan tham mưu, nghiên cứu việc đắp đập tạm trên sông Quảng Huế (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) nếu cần thiết; tham mưu đắp đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ; dự trữ nước tại các hộ gia đình, tổ chức sử dụng nước và tuyên truyền sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả…

Siêu bão chuẩn bị đổ bộ, Bangladesh sơ tán gần 1 triệu người

Cảnh báo bão nguy hiểm số 1 được phát đi qua loa phóng thanh tại tất cả các cảng ở hai thành phố Chattogram và Cox’s Bazar. Các tàu đánh cá và tàu chở khách được khuyến cáo neo đậu tại nơi trú ẩn cho đến khi có thông báo mới.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. Nguồn: NASA

Trong khi các khu vực có nguy ảnh hưởng lớn do thiên tai đã kéo cờ cảnh báo màu đỏ. Chính quyền các thành phố nói trên đã bắt đầu chiến dịch sơ tán gần 1 triệu người trước khi bão đổ bộ. 

Trước đó, ngày 10/5, Giám đốc Cơ quan Khí tượng Bangladesh Md Azizur Rahman dự báo bão Mocha sẽ quét qua khu vực ven biển phía Đông Nam của Bangladesh và bờ biển phía Bắc Myanmar vào ngày 14/5.

Ông cho biết quân đội, hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này đã sẵn sàng triển khai lực lượng cứu hộ cứu nạn do bão Mocha có khả năng tăng cấp thành siêu bão.

Bão mạnh cướp đi sinh mạng của hàng trăm người mỗi năm tại Bangladesh.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích