Hội thảo khởi động nghiên cứu xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia

Hội thảo khởi động nghiên cứu xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia

Ngày 11/5, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu phối hợp cùng Chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) đã tổ chức Hội thảo khởi động “Nghiên cứu xây dựng Chương trình Làm mát xanh quốc gia”.

Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của gần 150 đại biểu đến từ một số bộ, ngành, cơ quan nghiên cứu, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết bị làm mát.

tm-img-alt
Quang cảnh hội thảo

Hệ thống làm mát bao gồm điều hòa không khí, quạt gió và máy làm mát ước tính chiếm tới 40% nhu cầu điện dân dụng và 25-40% nhu cầu điện năng trong dịch vụ và thương mại/công cộng. Việc Việt Nam liên tục ghi nhận các kỷ lục nhiệt độ trong thời gian gần đây cũng phần nào báo hiệu, nhu cầu sử dụng các thiết bị làm mát sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Theo Kịch bản biến đổi khí hậu, một trong những biểu hiện của BĐKH tại Việt Nam là nhiệt độ trung bình năm có xu thế tăng trên phạm vi cả nước, với mức tăng trung bình là 0,89 độ C. Nhiệt độ không khí tăng cao, các đợt nắng nóng bùng phát nhiều, kéo dài cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu thế gia tăng, làm tăng tác động tiêu cực đối với sức khỏe con người. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia đang phát triển có tỷ lệ đô thị hóa cao. Sự gia tăng dân số và thu nhập tăng làm cho nhu cầu làm mát liên tục tăng.

Tuy nhiên, các thiết bị làm mát gián tiếp góp phần gây ra biến đổi khí hậu bằng cách tăng nhu cầu sử dụng điện (phần lớn vẫn được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch) và thông qua việc rò rỉ các chất gây suy giảm tầng ô-dôn, chất gây hiệu ứng nhà kính, vốn có khả năng gây nóng lên toàn cầu cao hơn nhiều so với phát thải CO2. “Nếu không được kiểm soát, lượng khí thải từ quá trình làm mát dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 và gấp ba lần vào năm 2100” – ông Quang nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Biến đổi khí hậu và Văn phòng Dịch vụ dự án của Liên hợp quốc (UNOPS) ký ngày 21/6/2022, Cục Biến đổi khí hậu và UNOPS đã thống nhất thực hiện hoạt động “Nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia (NGCP)”. Trong thời gian qua, các đơn vị tư vấn đã tiến hành nghiên cứu và khảo sát chuyên sâu để đánh giá hiện trạng, bao gồm: công nghệ hiện có, tình trạng thị trường và các chính sách quốc tế/quốc gia đối với lĩnh vực làm mát tại Việt Nam. Từ đó, đề xuất phương án xây dựng Chương trình làm mát xanh quốc gia.

Các kết quả của hoạt động nghiên cứu này sẽ cung cấp dữ liệu cần thiết để Bộ Tài nguyên và Môi trường sử dụng trong quá trình xây dựng Kế hoạch quản lý loại trừ các chất làm suy giảm tầng ô-dôn, các chất gây hiệu ứng nhà kính được kiểm soát trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2023.

Chia sẻ cụ thể về các bước xây dựng Chương trình, bà Đặng Hồng Hạnh, Công ty Cổ phần tư vấn Năng lượng và Môi trường – đơn vị tư vấn cho biết: Chương trình sẽ tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu, lý tưởng nhất là dưới dạng kiểm kê khí nhà kính chi tiết cho ĐHKK và làm lạnh. Tiếp đó là đánh giá chi tiết các nguồn phát thải hiện tại và dự báo tương lai, cũng như tiềm năng giảm nhẹ phát thải cho các tiểu ngành lạnh khác nhau; xác định các biện pháp giảm nhẹ phù hợp; liên kết các biện pháp và kế hoạch giảm nhẹ trong lĩnh vực làm mát với các lĩnh vực và mục tiêu liên quan khác. Cuối cùng hình thành các chiến lược dài hạn và kế hoạch thực hiện nhằm giảm nhẹ phát thải toàn diện trong lĩnh vực làm mát.

Trên cơ sở này, các cơ quan sẽ xây dựng Chương trình Làm mát xanh với lộ trình rõ ràng, đóng vai trò là nền tảng để tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các bên liên quan chính trong lĩnh vực làm mát. Các nghiên cứu sẽ đóng góp xây dựng, triển khai Kế hoạch phát triển ngành làm mát có phát thải khí nhà kính thấp và hiệu quả năng lượng cao, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.

Dự kiến, các hoạt động nghiên cứu sẽ kết thúc và bàn giao sản phẩm vào cuối tháng 2/2024.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích