Yêu cầu cấp bách về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia

Theo Bộ KH&CN, mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ tích cực trong việc xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), nhưng vẫn còn tồn tại một khoảng cách nhất định về trình độ kỹ thuật và năng lực quản lý so với các nước trong khu vực, các nước phát triển.

Thứ nhất về cơ chế, chính sách, hệ thống thể chế hỗ trợ xây dựng và phát triển NQI vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện. Hệ thống pháp luật của Việt Nam về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng chủ yếu được thiết lập trước năm 2010 nhiều hệ thống pháp luật và phương thức quản lý vẫn còn mang tính chất kinh tế kế hoạch hóa mạnh mẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và phát triển của thời đại mới.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đưa ra một loạt chính sách về tiêu chuẩn, đo lường, chứng nhận và công nhận, kiểm tra và thử nghiệm, nhằm đưa ra các hướng dẫn chính sách cho sự phát triển của NQI. Tuy nhiên, các chính sách này chủ yếu là ngắn hạn, thiếu tính liên kết giữa các bộ, ngành, địa phương, chưa có cơ chế chính sách tổng thể cho việc xây dựng và phát triển NQI.

Thứ hai, Việt Nam thiếu năng lực kỹ thuật cho NQI để hỗ trợ phát triển công nghiệp. Sự tham gia đóng góp của Việt Nam đối với các tiêu chuẩn quốc tế là thấp; Năng lực công nghệ đo lường tiên tiến của nó là không đủ và thiếu các công nghệ phân tích và kiểm tra cốt lõi. Việc thiếu năng lực kỹ thuật này đã hạn chế nghiêm trọng sự phát triển lâu dài của các ngành chiến lược mới nổi của Việt Nam nhất là ở khu vực địa phương, khu vực tư nhân.

Thứ ba về huy động nguồn lực, việc xây dựng và phát triển NQI cần có sự hỗ trợ tài chính, huy động nguồn lực từ chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và phân bổ nguồn lực đóng vai trò cơ bản. Ở Việt Nam, vai trò của việc phân bổ nguồn lực của thị trường trong việc xây dựng và phát triển NQI vẫn chưa được làm sáng tỏ một cách đầy đủ.

Ảnh minh hoạ

Thứ tư, tính liên kết đồng bộ, thống nhất, trong quá trình phát triển công nghiệp, các yếu tố của NQI có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Tiêu chuẩn là những quy định bên ngoài về chất lượng; đo lường là định lượng bên trong của chất lượng cũng như cơ sở kỹ thuật để xây dựng các tiêu chuẩn, cần đạt được sự tin tưởng với sự trợ giúp của chứng nhận, công nhận, kiểm tra và thử nghiệm. Do ảnh hưởng của việc phân chia mang tính hành chính, hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chứng nhận, công nhận, kiểm tra và thử nghiệm của Việt Nam cũng như các yếu tố khác của NQI chưa được liên kết. Việc thiếu liên kết, điều phối và hợp tác giữa các cơ quan quản lý liên quan và các tổ chức kỹ thuật. Thiếu sự đồng bộ, phối hợp hiệu quả giữa các yếu tố khác nhau của NQI đã hạn chế sức mạnh tổng hợp của NQI và khả năng tích hợp các dịch vụ.

Thứ năm, về chuyển đổi số, Việt Nam chưa xây dựng được các nền tảng, hệ thống thông tin số; dữ liệu số; hạ tầng số làm nền tảng phục vụ phát triển ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; các hệ thống thông tin manh mún, phân tán cục bộ, chưa có kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin nội bộ của Tổng cục với các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn, an ninh thông tin dẫn đến mức độ tin cậy trong giao dịch điện tử còn hạn chế. Việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn mang tính thủ công, giấy tờ chưa có đầy đủ dữ liệu số để đồng bộ giải quyết công việc trên môi trường mạng toàn ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Thứ sáu, ngày nay, với sự phát triển của thương mại quốc tế, sự gia tăng trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ đã làm cho nền tảng NQI ngày càng phát triển để phục vụ cho việc thừa nhận lẫn nhau đối với kết quả thử nghiệm, chứng nhận và giám định. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với quốc tế, việc kết nối kinh doanh với nước ngoài mạnh mẽ thì việc tuân thủ luật chơi chung là vô cùng cần thiết và tránh bị đào thải trong sân chơi chung. Vai trò của hoạt động tiêu chuẩn, đo lường và công nhận trong nền tảng NQI cũng được đề cập trong Hiệp định WTO/TBT, Hiệp định CPTPP, các Hiệp định FTA, các thỏa thuận của ASEAN và trong các hiệp định song phương hoặc đa phương giữa các Chính phủ khi đề cập đến vấn đề thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp.

Từ thực trạng trên, việc phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế sẽ giúp  giải quyết được nhiều vấn đề như: Tính đồng bộ với hệ thống NQI trên thế giới; Tính liên kết đa ngành, đa lĩnh vực; Huy động các bộ, ngành địa phương cùng tham gia xây dựng NQI; Vai trò của đơn vị chủ trì và phối hợp của các bộ, ngành, địa phương; Tính tập trung, thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; Thể hiện sự chỉ đạo đối với bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện với phạm vi được phân công; Tính phối hợp chặt chẽ với các Hội, hiệp hội doanh nghiệp xây dựng và phát triển NQI, nâng cao năng suất chất lượng; phối hợp thực hiện các nhiệm vụ.

Với thực trạng hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam và tình hình xây dựng và phát triển hạ tầng chất lượng của các quốc gia trong khu vực cũng như trên thế giới hiện nay thì việc xây dựng Đề án “Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia theo hướng tập trung, thống nhất, đồng bộ và hội nhập quốc tế” là rất cần thiết, cấp bách nhằm hỗ trợ, phát triển sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Hán Hiển

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích