Tòa nhà trụ sở Tập đoàn Viettel: “Xanh” như thế nào?

(Xây dựng) Mới đây, tại Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023 do Hội Kiến trúc sư Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ VHTT&DL tổ chức, tòa nhà trụ sở Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đạt Giải Vàng hạng mục Kiến trúc Công cộng. Được xây dựng từ năm 2019, đưa vào vận hành từ năm 2021, tòa nhà trụ sở Viettel được biết đến là một công trình xanh hiện đại, tiêu biểu của Hà Nội.

Tòa nhà trụ sở Tập đoàn Viettel: “Xanh” như thế nào?
Tòa nhà trụ sở Tập đoàn Viettel được thiết kế theo tiêu chuẩn chứng chỉ xanh LEED của Hiệp hội Xây dựng xanh Mỹ.

Tòa nhà trụ sở mới của Tập đoàn Viettel, tọa lạc tại lô D26 khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội), nhìn thẳng ra công viên hồ điều hòa rộng 32 ha.

Công trình được thiết kế bởi Công ty Tư vấn thiết kế Gensler của Mỹ. Đây là một đơn vị tư vấn thiết kế số 1 thế giới theo đánh giá của tổ chức uy tín World Architect.

Công trình được thiết kế với đường cong mềm mại tinh tế lấy cảm hứng từ chính logo của Viettel. Mỗi tầng của công trình được thiết kế với chức năng riêng. Trong đó, tầng hầm là hội trường dùng để tổ chức hội nghị. Tầng 1 là các không gian tiếp khách, triển lãm, trưng bày và nhà ăn. Tầng 2 là khu vực tổ chức hội họp. Từ tầng 3 đến tầng 8 là khu vực văn phòng làm việc.

Toàn bộ mái của công trình được phủ xanh, vuốt cong từ dưới chân lên đỉnh mái theo hình logo thể hiện khát vọng vươn cao, vươn xa của Viettel.

Nội thất tòa nhà được thiết kế theo xu hướng không gian mở, hiện đại, có tính kết nối và linh hoạt phù hợp với một công ty công nghệ, năng động và sáng tạo.

Giao thông trong tòa nhà được bố trí để tiếp cận tất cả các khu vực nhanh chóng và thuận tiện nhờ vào hệ thống 5 lõi thang máy (mỗi lõi 2 thang) và 6 thang cuốn với năng lực vận chuyển đủ để đáp ứng cho 1.000 nhân viên hoạt động trong công trình.

Đặc biệt, công trình được chú trọng thiết kế theo tiêu chuẩn chứng chỉ xanh LEED của Hiệp hội Xây dựng xanh Mỹ với các tiêu chí tiết kiệm năng lượng, tái tạo năng lượng, gần gũi và thân thiện với môi trường.

Cụ thể, công trình áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng như sử dụng hệ kính low-E (đảm bảo ánh sáng truyền qua nhiều nhất nhưng nhiệt lượng truyền qua công trình là ít nhất). Hệ lam chắn nắng giúp giảm năng lượng tiêu thụ cho chiếu sáng và điều hòa, từ đó giúp tiết kiệm điện. 95% nước mưa xuống công trình được thu gom toàn bộ và sử dụng vào việc làm mát cho hệ thống điều hòa, tưới cây, cấp nước cho hệ thống vệ sinh giúp tiết kiệm nước…

Năng lượng tỏa ra trong quá trình vận hành hệ thống điều hòa được tái sử dụng thành năng lượng làm nóng nước, cung cấp nước nóng phục vụ cho các hoạt động sinh hoạt của tòa nhà. 30% diện tích của công trình được dùng cho cây xanh và hồ nước, đảm bảo chất lượng không khí bên trong và bên ngoài tòa nhà. 70% vật liệu xây dựng cho công trình là vật liệu có khả năng tái chế, không chứa chất độc hại và không thải chất độc hại ra ngoài công trình.

Tòa nhà được trang bị hệ thống IBMS (Intelligent Building Management System). Đây là một hệ thống đồng bộ cho phép điều khiển và quản lý mọi hệ thống kỹ thuật trong toà nhà như hệ thống điện, hệ thống cung cấp nước sinh hoạt, điều hoà thông gió, cảnh báo môi trường, an ninh, báo cháy – chữa cháy…, đảm bảo cho việc vận hành các thiết bị trong tòa nhà được chính xác, kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và tiết kiệm chi phí vận hành.

Trước đó, trong quá trình xây dựng, công trình áp dụng hệ thống quản lý “Mô hình thông tin công trình” (BIM) vào công tác quản lý dự án, từ giai đoạn thiết kế, thi công đến vận hành, sử dụng công trình. Đây là một trong những công trình đầu tiên áp dụng BIM trong cả nước, giúp tiết kiệm thời gian thi công, chi phí đầu tư…

Được biết, ban đầu, Tập đoàn Viettel dự kiến xây trụ sở theo hướng tòa tháp văn phòng 60 tầng nhưng sau đó đã quyết định phương án xây dựng độc đáo như hiện tại.

Hội đồng Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023 đánh giá cao việc chủ đầu tư đã hy sinh về lợi ích bất động sản (là công trình cao 40 – 60 tầng) mà chỉ thực hiện công trình cao 9 tầng, đã làm nổi bật công trình hơn trong khu vực nhiều công trình cao tầng xung quanh. Điều làm nên sự thành công của tòa nhà trụ sở Tập đoàn Viettel là một “tư duy mới” về kiến trúc và thiết kế với các nguyên tắc cởi mở, bền vững, nâng cao hiệu quả công việc.

Công trình có tính biểu tượng thể hiện sự vượt trội của tập đoàn viễn thông, được thiết kế độc đáo, tinh tế, có hình bầu dục tích hợp liền mạch với công trình liền kề, với mái dốc phủ cỏ màu xanh để giảm bớt bức xạ nhiệt. Công trình không chỉ đưa cây xanh vào không gian mà còn tái hiện cảm giác thiên nhiên ngay trong nhà, tạo ra không gian mở cho làm việc, hội họp, mang tính kết nối, mang lại hiệu quả tăng sức khỏe và năng suất lao động.

Dự án đã thể hiện được một trình độ nghiên cứu toàn diện và có trách nhiệm. Hầu hết các yếu tố kỹ thuật và vật lý kiến trúc đều được nghiên cứu và tính toán kỹ càng, hướng tới các tiêu chí kiến trúc xanh và bền vững cho tòa nhà.

Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia 2022 – 2023 nhận được 226 tác phẩm tham dự. Đây là số lượng tác phẩm dự giải lớn nhất trong các kỳ giải thưởng từ trước tới nay.

Hội đồng Giải thưởng đã chọn ra được 57 tác phẩm xuất sắc trao các giải thưởng, gồm 5 giải Vàng (3 giải Kiến trúc công cộng, 1 giải Kiến trúc cảnh quan – thiết kế đô thị, 1 giải Quy hoạch đô thị); 18 giải Bạc; 34 giải Đồng; 1 Tác phẩm được cộng đồng bình chọn; 6 Giải “Vì sự phát triển kiến trúc” dành cho các chủ đầu tư các dự án có quy hoạch, thiết kế kiến trúc đạt giải cao, có khả năng lan tỏa tích cực đến xã hội và cộng đồng; 1 Bằng khen cho đơn vị đạt nhiều thành tích nhất tại kỳ giải này.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích