Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/5/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 11/5/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 11/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Không khí lạnh đổ bộ chiều 11/5, Bắc và Trung Bộ nhiều nơi mưa rất to
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bộ phận không khí lạnh đã áp sát đến vùng biên giới phía Bắc nước ta.
Chiều và đêm nay (11/5), không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ chiều nay gió chuyển hướng Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2-3; vùng ven biển cấp 3.
Đêm 11-12/5, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa trời chuyển mát. Trong đợt không khí lạnh này, nhiệt độ thấp nhất ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 21-23 độ, vùng núi có nơi dưới 20 độ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ngày và đêm nay, khu vực Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, mưa vừa và rải rác có giông, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa từ 20-50mm, có nơi trên 80mm.
Ngoài ra, chiều và tối nay, ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tiếp tục có mưa rào và rải rác có giông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi trên 50mm.
Mưa giông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng. Mưa to cục bộ có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.
Yên Bái: Nỗ lực đưa nước sạch tới người dân vùng nông thôn
Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Yên Bái, đến hết năm 2022 dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khoảng trên 600.000 người, đạt 93%. Trong đó, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp về sinh từ công trình cấp nước tập trung là 29% với 358 công trình; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp về sinh từ công trình nhỏ lẻ là 62% với khoảng 100.000 công trình.
Có thể thấy, là một tỉnh miền núi, dân cư sinh sống phân tán nhất là khu vực vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vấn đề cấp nước hợp vệ sinh cho người dân luôn được tỉnh Yên Bái quan tâm. Năm 2017, Cụm công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân 3 xã: Phù Nham, Thanh Lương, Thạch Lương của thị xã Nghĩa Lộ đã được xây dựng. Công trình có tổng mức đầu tư xây dựng trên 21tỷ đồng, theo quy mô thiết kế công trình có công suất gần 1.700m3 một ngày đêm, có thể phục vụ cho gần 2.200 hộ dân. Sau khi đưa vào sử dụng người dân 3 xã rất phấn khởi vì có nguồn nước hợp vệ sinh để sử dụng.
Được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh, bà Nguyễn Bích Thủy – xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ phấn khởi nói: “Trước đây khi chưa có nguồn nước hợp vệ sinh sử dụng nhà tôi phải sử dụng nước giếng nhưng nguồn nước không được đảm bảo, bị lẫn một số tạp chất, khi giặt quần áo trắng bị ố vàng. Đến mùa hanh khô lượng nước ít không đủ sinh hoạt rất vất vả. Từ ngày được sử dụng nguồn nước tập trung hợp vệ sinh chúng tôi cảm thấy mừng lắm! Vào mùa khô không còn sợ thiếu nước sinh hoạt nữa”.
Có được kết quả đó, thời gian qua tỉnh Yên Bái đã ban hành kế hoạch hành động và các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện theo Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Đặc biệt là thực hiện Chương trình “ Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả “ vốn vay Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016-2022.
Lạng Sơn: Yêu cầu kiểm tra, rà soát các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp
Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan kịp thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật khi có văn bản quy phạm pháp luật mới về khoáng sản được ban hành bằng các hình thức phong phú, phù hợp yêu cầu nhiệm vụ của địa phương.
Đồng thời thẩm định, phê duyệt tiền hoàn trả chi phí điều tra, thăm dò khoáng sản của Nhà nước theo Quyết định số 04/2018/QĐ-TTg ngày 23/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định phương pháp xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả, phương thức hoàn trả; quy định chế độ thu, quản lý, sử dụng chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, thăm dò khoáng sản do nhà nước đã đầu tư.
UBNF tỉnh yêu cầu kiểm tra, rà soát các giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đã cấp và các quyết định, văn bản cho phép thu hồi khoáng sản trong quá trình thực hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt, cho phép để bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi: khai thác khoáng sản khi không có thiết kế mỏ, không đúng thiết kế và công nghệ khai thác đã duyệt; khai báo sai sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, không thực hiện công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản…
Đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép theo quy định đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản gây mất an toàn lao động; gây tổn thất lớn khoáng sản; gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tác động xấu đến cảnh quan môi trường, di tích lịch sử – văn hóa, di sản địa chất.
UBND tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường kịp thời báo cáo Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, hướng dẫn việc khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng nếu phát hiện khoáng sản đảm bảo yêu cầu về chất lượng, trữ lượng làm đá ốp lát, nguyên liệu sản xuất xi măng và vôi công nghiệp trong quá trình quản lý quy hoạch, cấp phép và hoạt động khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ, kiên quyết xử lý các trường hợp khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng không đúng thiết kế được phê duyệt.
Đối với Sở Công Thương, cần nâng cao chất lượng thẩm định cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; chỉ cấp Giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp khi đã có Thiết kế mỏ được phê duyệt theo quy định; lượng thuốc nổ được cấp phép sử dụng phải phù hợp với công suất khai thác trong Giấy phép khai thác khoáng sản.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm (nếu có) đối với hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản theo quy định.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn lao động trong hoạt động khai thác khoáng sản, nhất là đối với mỏ đá làm vật liệu xây dựng, vật liệu xây dựng thông thường; tham mưu, kiến nghị UBND tỉnh xử lý đình chỉ, thu hồi Giấy phép đối với các tổ chức, cá nhân khai thác mất an toàn lao động.
Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy hoạch tỉnh, trong đó có “Phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh” để bảo đảm căn cứ cấp phép hoạt động khoáng sản nhằm cung cấp nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Công an tỉnh chỉ đạo các Phòng, đơn vị chức năng và Công an các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, đặc biệt là đối với khoáng sản cát, sỏi lòng sông. Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác khoáng sản trái phép.
Xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu cho người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và thực hiện công khai kết quả xử lý theo quy định nhằm nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân trong công tác đấu tranh, tố giác tội phạm.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan tham mưu cho Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên khoáng sản.
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí, nhất là định hướng thông tin mạng xã hội trong việc đấu tranh phê phán, lên án đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, tập kết kinh doanh tài nguyên khoáng sản.
UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã phê duyệt. Phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với các địa phương liên quan trong việc thực hiện Quy chế phối hợp trong quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động khoáng sản, nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép tại khu vực giáp ranh, đặc biệt là khoáng sản cát, sỏi lòng sông. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã khi để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.
Bộ TN&MT triển khai chỉ đạo của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai
Chiều 10/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân có buổi làm việc với Vụ Đất đai, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký dữ liệu thông tin đất đai và một số đơn vị liên quan về việc thực hiện Nghị quyết số 74/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 liên quan tới lĩnh vực đất đai.
Ngày 7/5, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 74/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, trong đó, Chính phủ có giao Bộ TN&MT một số nhiệm vụ cần triển khai về lĩnh vực đất đai như: Rà soát kiến nghị của các địa phương về việc điều chỉnh chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025; Khẩn trương xây dựng, ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai theo trình tự, thủ tục rút gọn, hoàn thành trước ngày 15/5/2023.
Đồng thời, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất theo trình tự, thủ tục rút gọn để sửa đổi, bổ sung trình tự, thủ tục xác định giá đất cụ thể áp dụng đối với trường hợp UBND cấp tỉnh ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể, trình Chính phủ ban hành trong quý II năm 2023.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân yêu cầu Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Cục Đăng ký dữ liệu thông tin đất đai khẩn trương lên kế hoạch đi kiểm tra, đôn đốc, làm việc với các địa phương về việc điều chỉnh chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 – 2025.
Đồng thời khẩn trương báo cáo Chính phủ về việc Bộ hiện đang tổng hợp, lấy ý kiến các địa phương sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014/TT-BTNMT quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất, đó đề nghị không sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP.
Thứ trưởng cũng yêu cầu, Vụ Đất đai phối hợp với các đơn vị xây dựng Văn bản hướng dẫn Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai theo trình tự, thủ tục rút gọn, hoàn thành trước ngày 15/5/2023. Cục Đăng ký và Thông tin dữ liệu đất đai xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện những nội dung liên quan tới công tác cấp Giấy chứng nhận của Nghị định số 10/2023/NĐ-CP.
Hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học
Tại cuộc họp, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo kết quả thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 8/1/2014).
Theo đó, đến năm 2020, cả nước có 178 khu bảo tồn (vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo tồn loài-sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan) với diện tích 2,66 triệu ha; tại vùng Nam Trung Bộ có 3 hành lang đa dạng sinh học cấp tỉnh đã được thành lập và quản lý với tổng diện tích 298.146 ha; đã phát hiện, ghi nhận 43.500 loại động vật trên cạn và dưới nước; 17.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước (không kể 2.200 loài nấm lớn); số lượng các loài mới được phát hiện không ngừng tăng nhanh; bảo tồn được 14.000 nguồn gen cây trồng, vật nuôi…
Công tác bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay đang chịu áp lực từ những thay đổi về dân số làm tăng nhu cầu sử dụng tài nguyên; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất ven biển (đầm phá, bãi triều) phục vụ phát triển kinh tế; tác động của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu…
Hầu hết các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái hoặc giảm diện tích. Các loại hoang dã, đặc biệt số lượng của các loài nguy cấp bị giảm nghiêm trọng. Một số nguồn gen vật nuôi có số lượng cá thể quá ít.
Nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất để thực hiện đa dạng sinh học còn hạn chế.
Quy hoạch Bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 áp dụng cách tiếp cận hệ sinh thái, lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu, dự báo xu thế biến đổi và nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai…
Quy hoạch kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học, nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi đà suy giảm, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo tồn tại chỗ với bảo tồn chuyển chỗ; tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học ngoài phạm vi các khu bảo tồn thiên nhiên; hạn chế tối đa việc phá hủy hệ sinh thái tự nhiên, thay đổi mục đích sử dụng đất tại các khu vực có hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ;…. Quy hoạch cũng tăng thêm 3 đối tượng bảo tồn đa dạng sinh học gồm: Khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan sinh thái quan trọng và đất ngập nước quan trọng.
Nguy cơ thiếu hụt nguồn nước đến cuối mùa cạn năm 2023
Ngày 8/5/2023, Bộ TN&MT đã có Công văn gửi các Bộ, UBND các tỉnh, thành phố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, và các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa lưu vực sông thực hiện các giải pháp cấp bách, giảm thiểu nguy cơ thiếu nước cấp cho hạ du các lưu vực sông miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ các tháng cuối mùa cạn năm 2023.
Hiện nay, mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng đều đang ở mức rất thấp, thiếu hụt so với quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trong thời kỳ mùa cạn trên các lưu vực sông. Mực nước hồ chứa trung bình thấp hơn trong khoảng từ 0,4m đến 24m, tương ứng tổng lượng nước thiếu hụt trong khoảng từ 16 đến 389 triệu m3 , cụ thể một số hồ chứa lớn như: hồ Bản Vẽ (thiếu hụt 389 triệu m3 ), Ngàn Trươi (thiếu hụt 222,7 triệu m3 ), A Vương (thiếu hụt 48,26 triệu m3 ), Buôn Tua Srah (thiếu hụt 111,3 triệu m3 ), Sông Tranh 2 (thiếu hụt 68,4 triệu m3 )…
Với tình trạng thiếu hụt nguồn nước như nêu trên, cùng với Bản tin nhận định xu thế khí tượng thủy văn, khả năng ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và nhận định sớm về nguy cơ thiếu hụt nguồn nước đến cuối mùa cạn năm 2023 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong đó dòng chảy có thể thiếu hụt từ 20-40% trên các sông ở khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ trong các tháng cuối mùa cạn năm 2023, 20-50% trên các sông ở khu vực Nam Trung Bộ, 15-25% trên các sông ở khu vực Tây Nguyên so với trung bình nhiều năm.
Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn từ 15-35%, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15- 40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn có khả năng sẽ diễn ra nghiêm trọng.
Để chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra trên các lưu vực sông miền Trung, Tây Nguyên, bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2023, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong thời kỳ nắng nóng, cao điểm, Bộ TN&MT trân trọng đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa lập kế hoạch, phương án huy động, kế hoạch vận hành của các nhà máy thủy điện cho phù hợp với hiện trạng nguồn nước và các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, đặc biệt là các hồ chứa đang có mực nước hồ thấp, trên nguyên tắc ưu tiên cân đối nguồn nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại mùa cạn, bảo đảm các yêu cầu sử dụng nước và giảm thiểu tối đa nguy cơ thiếu nước ở hạ du các lưu vực sông.
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng, tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất vụ Hè Thu năm 2023; chủ trì, thống nhất với các cơ quan liên quan về thời gian cụ thể và phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng linh hoạt về thời gian lấy nước và mực nước hạ du sông, bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi; hướng dẫn các địa phương khu vực hạ lưu thống nhất mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với thời gian xả nước gia tăng của các hồ chứa theo kế hoạch, không để kéo dài thời gian lấy nước.
Quảng Trị: Huỷ bỏ quyết định trúng đấu giá đối với 6 mỏ đất
Được biết, ngày 10/5, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng vừa ký ban hành quyết định huỷ kết quả trúng đấu giá quyền khai thác 6 mỏ đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, UBND tỉnh huỷ kết quả trúng đấu giá các mỏ đất gồm: Mỏ đất Phong Bình 1, thuộc xã Phong Bình, huyện Gio Linh với diện tích 25ha, dự báo có 1,1 triệu m3 đất san lấp, giá khởi điểm 921,8 triệu đồng. Công ty Cổ phần Trường Danh trúng đấu giá với R = 100,6%. Có nghĩa, giá đấu trúng là hơn 30,9 tỉ đồng, cao gấp 32 lần giá khởi điểm.
Mỏ Triệu Ái 3, thuộc xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong với diện tích 10ha. Công ty TNHH AT Duy Hoàng trúng đấu giá với mức R = 32%. Đồng nghĩa, giá khởi điểm mỏ đất này là 220,3 triệu đồng, công ty trúng đấu giá lên tới hơn 2,3 tỉ đồng, gấp 10 lần.
Mỏ đất làm vật liệu san lấp Hải Chánh (xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng) có diện tích 25,2ha, dự báo trữ lượng 3 triệu m3, giá khởi điểm hơn 2,5 tỉ đồng. Công ty TNHH Lê Thanh DKT trúng đấu giá với hệ số R = 24,4%, tương đương hơn 20,4 tỉ đồng, cao gấp 8 lần giá khởi điểm.
Mỏ đất Trung Sơn 1, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, diện tích 9,3ha, dự báo trữ lượng 470.000 m3, giá khởi điểm 393,9 triệu đồng. Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Á Đông HPP (trụ sở ở TP.Hà Nội) trúng đấu giá với R = 15,6%, tương đương hơn 2 tỉ đồng, cao gấp 5 lần giá khởi điểm.
Mỏ đất Vĩnh Hà 4, thuộc xã Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, diện tích 16,75ha. Công ty TNHH MTV Tiên Tiến trúng đấu giá với mức R = 3,6%.
Mỏ đất Vĩnh Chấp 3, thuộc xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh, diện tích 3,25ha. Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Thăng trúng đấu giá với mức R = 3,6%.
Lý do huỷ kết quả trúng đấu giá là do các tổ chức trúng đấu giá không nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò khoáng sản theo yêu cầu thời gian.
Theo đó, 6 mỏ đất trên nằm trong đợt đấu giá 16 mỏ đất thực hiện vào tháng 8/2022 với mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản R = 3%, tiền đặt trước để đấu giá tương đương 7% giá khởi điểm.
UBND tỉnh giao Sở TNMT thực hiện các thủ tục để tổ chức đấu giá lại các mỏ đất làm vật liệu san lấp.
Vừa bị phạt gần 1,3 tỷ đồng, công ty vốn nước ngoài vẫn lén lút xả thải
Tin trên Vietnamnet, ngày 11/5, Công an thị Phú Mỹ cho biết đang phối hợp cùng Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các cơ quan chuyên môn tiến hành điều tra, xử lý hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của công ty TNHH KBec Vina.
Công ty này có địa chỉ tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (ấp 4, xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).
Trước đó vào sáng qua (10/5), từ tin báo của người dân, Công an thị xã Phú Mỹ tiến hành kiểm tra, phát hiện tại khu vực đập ba cửa suối Giao Kèo (thuộc thôn Tân Lễ B, xã Châu Pha, thị xã Phú Mỹ) có hiện tượng sủi bọt trắng bất thường kèm mùi hôi nên truy nguồn gốc để xác minh.
Tại khu vực cống thoát nước mưa của Công ty TNHH KBec Vina, cơ quan chức năng nhận thấy có hiện tượng nước màu vàng đục chảy ra.
Dò theo đường nước, cơ quan chức năng phát hiện một máy bơm chìm đang hoạt động bơm nước từ hồ chứa nước thải (chưa qua xử lý) của công ty này, bơm vào vườn tràm số 1. Từ đây, lại bơm tiếp vào vườn tràm số 2 và theo rãnh nước xả xuống cống thoát nước mưa chảy ra suối Giao Kèo.
Ngay sau đó, Công an thị xã Phú Mỹ cùng Phòng Cảnh sát môi trường, Trung tâm quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lập biên bản hiện trường, lấy mẫu nước thải để phân tích với sự chứng kiến của đại diện công ty KBec Vina.
Theo đại diện công ty, nước từ vườn cây số 1 được bơm từ hồ chứa nước số 2 (hồ chứa nước thải sau xử lý) hằng ngày nên lắng đọng, tụ lại có hiện tượng trên.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị