Cơ hội đầu tư bất động sản phụ trợ khu công nghiệp
Theo ông John Campbell – Quản lý bộ phận bất động sản công nghiệp Savills Việt Nam, Việt Nam hiện là một trong những thị trường sản xuất và hậu cần mạnh nhất trên thế giới nhờ nền chính trị ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, vị trí địa lý phù hợp, lực lượng lao động dồi dào, năng động. “Trong ngắn hạn đến trung hạn, chúng ta vẫn chứng kiến nhiều hoạt động đầu tư lớn về công nghiệp tại Việt Nam” – ông John Campbell nhìn nhận.
Ảnh minh họa
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, tính đến cuối tháng 8/2021, các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2020. Dịch bệnh diễn biến phức tạp trong tháng 8 đã khiến một số nhà máy ngưng hoặc giảm công suất hoạt động, vốn thực hiện trong tháng 8 giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 14,3% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính cả 8 tháng đầu năm vốn thực hiện vẫn tăng nhẹ.
Thị trường cũng đón nhận nhiều khoản đầu tư lớn trong nửa đầu năm, như: Công ty Jinko Solar Hong Kong đầu tư gần 500 triệu USD vào Khu công nghiệp Sông Khoai (Quảng Yên, Quảng Ninh); LG Display tăng vốn đầu tư vào Hải Phòng trong tháng 8/2021 lên đến 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của LG vào Hải Phòng lên đến 4,65 tỷ USD; Tổ hợp nghiên cứu – chế tạo phục vụ ngành sản xuất ô tô và điện tử với tổng số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đô la đang có kế hoạch đầu tư vào Bỉm Sơn (Thanh Hóa).
Hiện nay, mỗi khu công nghiệp đang có hàng nghìn lao động từ công nhân đến các chuyên gia cao cấp trong và ngoài nước sinh sống, làm việc, song không phải khu công nghiệp nào cũng được quy hoạch để có diện tích cho dịch vụ phụ trợ. Do vậy, cần phát triển các dịch vụ phụ trợ, đảm bảo chất lượng sống cho người lao động, trong đó yêu cầu phải hình thành các đô thị phụ trợ công nghiệp, góp phần giải quyết vấn đề về nhà ở công nhân và cộng đồng chuyên gia quốc tế. Theo đó, khu công nghiệp khép kín sẽ có đầy đủ cơ sở hạ tầng xã hội như nơi ở, khu dịch vụ thương mại, khu vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện…
Những địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển công nghiệp lớn gồm Bắc Giang, Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa… Tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, Bắc Giang đang là điểm nóng thu hút các hoạt động đầu tư sản xuất cũng như lTogistics. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng dần chuyển hướng quan tâm đến các khu vực khác như Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An…
Riêng tại khu vực phía Nam, Long An hiện đang dẫn đầu trong việc thu hút các nhà đầu tư với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký trên 3,6 tỷ USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, trong đó có dự án điện quy mô lên đến 3,1 tỷ USD. Vì tỷ lệ lấp đầy cao và quá tải tại các dự án công nghiệp thuộc hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nên nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn Long An để thiết lập các trung tâm phân phối và dự án logistics.
Nguồn: hoanhap.vn