Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/5/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 10/5/2023
Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 10/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.
Quản lý hiệu quả tài nguyên biển và hải đảo, hướng tới phát triển bền vững
Sáng 10/5, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã có buổi làm việc với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và một số đơn vị trực thuộc Bộ về việc giải trình tiếp thu ý kiến các Thành viên Chính phủ và hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 40/2016/NĐ-CP và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP.
Thực hiện Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo (Nghị định 40) và ban hành Nghị định 11/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 51/2014/NĐ-CP quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển (Nghị định 11).
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số quy định tại Nghị định 40 và Nghị định 11 đã không còn phù hợp với các văn bản, quy định mới ban hành. Do đó, Chính phủ đã giao Bộ TN&MT rà soát, nghiên cứu, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40 và Nghị định 11 để tháo gỡ các vướng mắc, bất cập.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã triển khai xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40 và Nghị định 11. Đến nay, Dự thảo đã hoàn thiện và thực hiện theo trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đã lấy ý kiến của các Thành viên Chính phủ và đang giải trình tiếp thu.
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, ngày 4/4, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2220 về việc chuyển ý kiến các Thanh viên Chính phủ về dự thảo Nghị định số 40 và Nghị định 11, theo đó, có 18/22 ý kiến biểu quyết thông qua toàn văn và ban hành Nghị định, 3/22 ý kiến đồng ý biểu quyết thông qua có bổ sung…
Cục đã khẩn trương tiếp thu, giải trình các ý kiến của Thành viên Chính phủ, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo Nghị định bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về các nội dung như: giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân để thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát trên biển; quy định thu tiền sử dụng khu vực biển để phục vụ nghiên cứu khoa học, đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát trên biển…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh, Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40 và Nghị định 11 có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên môi trường biển và hải đảo, giúp nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân theo hướng sử dụng, khai thác tài nguyên môi trường biển hiệu quả và bền vững.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định, Thứ trưởng đề nghị Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần khẩn trương tiếp thu, giải trình ý kiến các Thành viên Chính phủ, trong đó, những nội dung tiếp thu cần đánh giá tác động kỹ lưỡng, những nội dung giải trình thì nêu rõ những căn cứ pháp lý, tác động để sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định để trình Chính phủ ban hành để tháo gỡ những vướng mắc góp phần quản lý hiệu quả tài nguyên biển và hải đảo phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Quảng Trị: Bàn giao hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường làng bún Cẩm Thạch
Vừa qua, UBND huyện Cam Lộ đã tiến hành bàn giao hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường làng bún Cẩm Thạch cho UBND xã Thanh An quản lý sử dụng.
Thôn Cẩm Thạch nằm gần cuối phía Đông của huyện Cam Lộ, cách trung tâm thành phố Đông Hà khoảng chừng 3 cây số về phía Bắc. Làng có 103 hộ/465 khẩu, trong đó có 43 hộ chuyên sản xuất bún (chiếm 41,7%), với 116 lao động, có 17 hộ làm nông nghiệp, những hộ còn lại kinh doanh dịch vụ và các ngành nghề khác. Làng nghề làm bún Cẩm Thạch được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận từ năm 2011. Đây là làng nghề có thương hiệu của huyện Cam Lộ.
Bên cạnh việc cải tiến mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm… được sự hỗ trợ của các tổ chức về kinh phí, công nghệ, người làm bún ở Cẩm Thạch đã xây dựng hệ thống xử lý môi trường như: Cây dựng bình Bioga, lắp đặt đường ống đẩy nước thải ra bên ngoài… Tuy nhiên, đây là những giải pháp tình thế, vì thế tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng bún Cẩm Thạch ngày càng trầm trọng hơn, mùi hôi nồng nặc bao trùm lên cả làng, nhất là những lúc trời đang nắng mà gặp những cơn mưa bất chợt. Ô nhiễm cả trong đất đai, trong không khí đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sức khỏe con người.
Được biết, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở làng bún Cẩm Thạch, UBND huyện Cam Lộ đã triển khai xây dựng vùng sản xuất tập trung để di dời khoảng 40 hộ chuyên làm bún ra khỏi khu dân cư.
Hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường làng bún Cẩm Thạch được xây dựng tại khu sản xuất bún tập trung, gồm các hạng mục: đường giao thông chiều dài hơn 875 m, san nền 2,57 ha; hệ thống xử lý nước thải gồm: 1 bể trung hòa, bể hiếu khí, bể lắng, nhà thiết bị và đường ống nhựa dài gần 425 m; hệ thống cấp nước sinh hoạt với tổng chiều dài hơn 2.800 m. Công trình có tổng trị giá hơn 6 tỉ đồng.
Hơn 10 hồ chứa xuống mực nước chết, nguy cơ thiếu điện
Ngày 10/5, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin tới báo chí, tình hình thủy văn tại các hồ thủy điện đang thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm. Trong 4 tháng đầu năm, lưu lượng nước về các hồ thủy điện ở phía Bắc chỉ bằng 60-70% trung bình nhiều năm, nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung và miền Nam cũng có lượng nước về kém.
Đến đầu tháng 5-2023, nhiều hồ thủy điện đã xuống mực nước thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh sản xuất và cung cấp điện trong thời gian tới.
Cụ thể, 10 hồ thủy điện thuộc EVN (gồm: Lai Châu, Trị An, Ialy, Bản Chát, Huội Quảng, Trung Sơn, Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah, Srepok 3 và Sông Ba Hạ) và nhiều hồ thủy điện của chủ đầu tư ngoài EVN đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết (tổng công suất khoảng 4.500 MW). Đến nay, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.
Dưới đây là hình ảnh hàng loạt hồ của EVN đã khô cạn, về mực nước chết hoặc đang thiếu nước:
Theo báo cáo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng – thuỷ văn quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ xảy ra từ khoảng tháng 6 hoặc 7 và kéo dài đến đầu năm 2024, đi kèm nắng nóng, nền nhiệt độ tăng cao, trong khi lượng mưa giảm thấp so với trung bình nhiều năm. Theo nhận định của EVN, nếu tình hình này xảy ra, lưu lượng nước về các hồ thủy điện sẽ còn giảm thấp trong các tháng tới.
Trong khi, nắng nóng nhiều và gay gắt hơn, đồng nghĩa nhu cầu sử dụng điện lại tăng cao hơn. Tình trạng này đã từng xảy ra trong các mùa hè trước nhưng sẽ trở nên căng thẳng trong mùa hè năm nay.
Qua theo dõi tình hình vận hành hệ thống điện quốc gia, mặc dù đợt nắng nóng gay gắt đầu tháng 5-2023 chỉ diễn ra trong ít ngày ở miền Bắc, nhưng công suất và sản lượng tiêu thụ điện ở miền Bắc cùng cả nước đã lên rất cao. Điển hình như ngày 6-5, mặc dù là ngày nghỉ cuối tuần, nhưng công suất tiêu thụ toàn quốc lên tới hơn 43.300MW và sản lượng tiêu thụ cũng lên tới hơn 895 triệu kWh/ngày. Dự báo trong các tháng 5, 6 và 7, phụ tải hệ thống điện quốc gia sẽ tăng cao hơn kế hoạch vận hành hệ thống điện quốc gia đã được Bộ Công thương phê duyệt.
Đắk Nông ban hành Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu
Để giải quyết bài toán thiếu nước tưới, thiệt hại do hạn hán, nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả sử dụng đất và thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Đắk Nông đã ban hành Phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đánh giá, hiện nay, Đắk Nông có hơn 21.700ha cây lâu năm sản xuất ở những vùng không thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu cần chuyển đổi. Cụ thể, có 17.623ha cà-phê và hồ tiêu, 1.033ha điều, 3.019ha cao-su.
Theo phương án, trong giai đoạn 2022-2025, định hướng đến 2030, Đắk Nông sẽ tiến hành chuyển đổi trên diện tích hơn 8.500ha. Trong đó, chuyển đổi 6.252 ha cà-phê, 950ha hồ tiêu, 291ha điều và 1.041ha cao-su trồng tại các vùng kém hiệu quả, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước tưới sang trồng các loại cây ăn trái khác, số diện tích còn lại sẽ tiến hành chuyển đổi giai đoạn sau năm 2030.
Việc chuyển đổi cây trồng được xem là một trong những giải pháp quan trọng để sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Để phương án mang lại hiệu quả, ngành nông nghiệp Đắk Nông sẽ đồng hành với người dân. Trong đó, việc chuyển đổi được thực hiện một cách bài bản, khoa học, tuân thủ quy hoạch, không mang tính tự phát.
Ngành nông nghiệp sẽ là cầu nối để tiêu thụ các loại cây trồng sau khi chuyển đổi, tạo liên kết bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ. Từ chuyển đổi cây trồng, tỉnh Đắk Nông sẽ hình thành các vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, làm cơ sở kêu gọi đầu tư vào sơ chế, chế biến,…
Khánh Hòa: Tuyên truyền vận động nông dân tham gia xử lý rác thải hữu cơ
Vừa qua, Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa tổ chức hội thảo khởi động Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” tỉnh Khánh Hòa, giai đoạn 2022 – 2024. Gần 150 đại biểu là lãnh đạo hội nông dân các cấp, hội viên, nông dân các xã tham gia triển khai thí điểm dự án tham dự hội thảo.
Theo đó, dự án thực hiện tại 9 xã của 3 địa phương, gồm: Vạn Ninh, Ninh Hòa và Diên Khánh. Dự án sẽ triển khai các hoạt động thúc đẩy các tổ nhóm nông dân tham gia xử lý rác thải hữu cơ; tập huấn về các kỹ thuật xử lý rác thải hữu cơ; tham quan, học tập chia sẻ kinh nghiệm các mô hình thu gom, xử lý rác thải hữu cơ từ thực phẩm thừa và trong sản xuất nông nghiệp; triển khai các sự kiện truyền thông, tuyên truyền; xây dựng mô hình điểm về xử lý rác thải hữu cơ… Dự án đặt mục tiêu xây dựng thành công các mô hình về xử lý rác thải hữu cơ điển hình, làm điểm sáng để nhân rộng.
Tại hội thảo, đại biểu đã được thông tin các nội dung chính của dự án, thực trạng vấn đề môi trường, các giải pháp thúc đẩy mô hình nông nghiệp hữu cơ, an toàn sinh học gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; vai trò của các cấp hội nông dân và hội viên, nông dân trong việc tham gia xử lý rác thải, sản xuất nông nghiệp hữu cơ…
Nhật hỗ trợ Việt Nam radar thời tiết tần số cao quan trắc mây gây mưa
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác tự nguyện của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), ngày 9/5 đã diễn ra lễ bàn giao và vận hành radar eagle giữa Tổng Cục Khí tượng Thủy văn với Công ty Weathernews Inc Nhật Bản.
Ông Hoàng Đức Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết thông qua chương trình hợp tác tự nguyện của WMO, Chính phủ Nhật Bản cùng Công ty Weather News đã hỗ trợ Việt Nam thiết bị radar eagle băng sóng X nhằm nâng cao khả năng quan trắc, dự báo cảnh báo sớm thiên tai.
Radar eagle băng sóng X cùng với 13 radar hiện có trên cả nước sẽ là công cụ quan trọng để hoàn thiện mạng lưới radar nhằm quan trắc phục vụ dự báo, cảnh sớm các thiên tai, trong đó đặc biệt là bão, mưa lớn, lũ, lũ quét…
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn bày tỏ mong muốn sau lễ bàn giao, hai bên sẽ lên kế hoạch cụ thể trong việc vận hành, khai thác radar và tìm kiếm được các nguồn lực dịch vụ để duy trì hoạt động lâu dài của radar này.
Về phía đối tác, ông Kusabiraki Chihiro – Tổng Giám đốc Công ty Weathernews Inc Nhật Bản cho biết kể từ khi ký kết Biên bản ghi nhớ với ngành khí tượng thủy văn Việt Nam vào năm 2015, mối quan tâm về rủi ro biến đổi khí hậu của công ty này đã tăng lên đáng kể và các biện pháp đối phó đã trở thành một vấn đề cấp bách.
Vì thế, việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm sử dụng hạ tầng radar và công nghệ phân tích thời tiết được Công ty Weathernews Inc kỳ vọng sẽ giảm rủi ro thiên tai đối với cuộc sống và hoạt động kinh tế của người dân Việt Nam.
T.Anh (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị