Phát hiện mới về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của một số loài thuộc chi Dứa dại

Phát hiện mới về thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của một số loài thuộc chi Dứa dại

Dứa dại (Pandanus) là chi lớn nhất trong họ dứa dại (Pandanaceae), gồm khoảng hơn 750 loài, trong đó, có khoảng 17 loài đã được phát hiện ở Việt Nam

TS Vũ Đức Nam và nhóm nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ hợp tác với nhóm nghiên cứu của TS. Tvestelina Doncheva Viện Hóa học hữu cơ và Trung tâm Hóa thực vật, Viện Hàn lâm Khoa học Bulgaria, tiến hành nhiệm vụ: “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học của một số loài thuộc chi Dứa dại (Pandanus) ở Việt Nam” (mã số nhiệm vụ là QTBG01.03/20-21). Nhiệm vụ được Hội đồng nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xếp loại xuất sắc.

Dứa dại (Pandanus) là chi lớn nhất trong họ dứa dại (Pandanaceae), gồm khoảng hơn 750 loài, trong đó, có khoảng 17 loài đã được phát hiện ở Việt Nam, nổi bật như: Pandanus tectorius,Pandanus amaryllifolius, Pandanus odoratissimus, Pandanus tonkinensis, Pandanus nanofrutex, Pandanus humillis. Đặc điểm chung của các loài thuộc chi dứa dại là mọc thành bụi, có nhiều nhánh, lá cứng và thường có gai. Trong y học cổ truyền Việt Nam, loài dứa dại (P. tectorius) được sử dụng như một vị thuốc dùng để chữa một số chứng bệnh về đường tiết niệu. Trong khi đó, loài dứa gỗ (P. odoratissimus) thường được sử dụng để hạ sốt, trị thủy đậu, giang mai, còn loài dứa thơm (P. amaryllifolius) được sử dụng làm hương liệu trong chế biến thực phẩm.

tm-img-alt

Sau quá trình nghiên cứu về thành phần hóa học của hai loài thực vật thuộc chi dứa dại (Pandanus), nhóm nghiên cứu đã phân lập và xác định cấu trúc của tổng cộng mười chín hợp chất từ loài Pandanus tectoriusPandanus amaryllifolius. Từ loài P. tectorius, nhóm tác giả đã phân lập được hợp chất mới (3R,4S)-3,4-dihydroxy-3,4-dihydro-anofinate methyl, cùng với một số hợp chất lignan như pinoresinol, pinoresinol monomethyl ether, arctigenin, matairesinol, isolariciresinol, pinoresinol 4-O-β-D-glucoside và một hợp chất megastigmane là vomifoliol. Các hợp chất pinoresinol monomethyl ether, isolariciresinol, pinoresinol 4-O-β-D-glucoside cũng được phát hiện trong phần lá của loài P. amaryllifolius. Đây là lần đầu tiên, các hợp chất này được phát hiện từ chi Pandanus. Bên cạnh đó, chín hợp chất alkaloid cũng đã được phân lập từ phần lá của loài P. amaryllifolius. Cấu trúc của các hợp chất được xác định bằng các phương pháp phổ hiện đại (NMR, MS, ECD).

Việc phân lập được một dẫn xuất benzopyran từ phần trên mặt đất của một loài thực vật thuộc chi dứa dại là một kết quả rất thú vị bởi các chất có cấu trúc tương đồng với các chất này thường được tách từ vi sinh vật trong khi khá hiếm gặp ở thực vật. Do đó, cần có thêm những nghiên cứu khác về lớp chất này trong chi dứa dại. Mặt khác, do số lượng nghiên cứu về các loài khác trong chi Pandanus còn rất hạn chế nên cần có những nghiên cứu trên đối tượng loài khác thuộc chi này ở Việt Nam và trên Thế giới.

Nhiệm vụ đã thành công trong việc hợp tác, trao đổi khoa học giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với Viện Hàn lâm Khoa học Bulgari, kết hợp được nguồn nhân lực nghiên cứu của hai bên để xây dựng và hoàn thành những nghiên cứu bước đầu về thành phần hóa học và một số hoạt tính sinh học của các loài thuộc chi Pandanus tại Việt Nam. Các kết quả này sẽ đặt nền móng cho những nghiên cứu sâu sắc hơn về thành phần cũng như tác dụng sinh học của các loài khác thuộc chi Pandanus. Bên cạnh đó, mô hình hợp tác này cũng có thể mở rộng cho nhiều đối tượng nghiên cứu cũng như nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác trong tương lai.

Chu Thị Ngân

Trung tâm Thông tin – Tư liệu

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích