Tạp chí kinh tế đầu tiên của Việt Nam vào SCOPUS Q1
Tạp chí kinh tế đầu tiên của Việt Nam vào SCOPUS Q1
Mới đây, Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á (Journal of Asian Business and Economic Studies – JABES) của Trường Đại học Kinh tế TPHCM đã được vào danh mục SCOPUS Q1.
Đây là lần đầu một tạp chí kinh tế của Việt Nam có tên trong danh mục này. Trước đó, vào tháng 3/2022, JABES cũng trở thành tạp chí khoa học xã hội đầu tiên đạt chuẩn SCOPUS.
Tiền thân của JABES là Tạp chí Phát triển Kinh tế với ấn phẩm tiếng Việt đầu tiên xuất bản năm 1990 và ấn phẩm tiếng Anh đầu tiên xuất bản năm 1994.
Kể từ tháng 1/2018, Tạp chí đổi sang tên như ngày nay với phiên bản tiếng Việt (JABES-V) xuất bản 12 số/năm và phiên bản tiếng Anh (JABES-E) phát hành 4 số/năm trên hệ thống của nhà xuất bản quốc tế Emerald.
“Từ những năm 2010, JABES đã đặt mục tiêu là phải tiệm cận các chuẩn mực của SCOPUS và đưa phiên bản tiếng Anh (JABES-E) lọt vào danh mục này”, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, Tổng biên tập của JABES từng chia sẻ với Báo KH&PT vào năm 2022. Đây cũng là một trong ba việc phải làm trong chiến lược quốc tế hóa chung của cả Trường Đại học Kinh tế TPHCM (UEH): tăng cường công bố quốc tế chất lượng, thúc đẩy hợp tác khoa học với các học giả quốc tế, hướng tới phải xây dựng được tạp chí phiên bản quốc tế.
Theo mô tả của GS.TS Nguyễn Trọng Hoài, ngay từ hai thập niên trước, UEH đã mơ về một tạp chí nhất định không phải chỉ là sản phẩm của riêng UEH hay của giới nghiên cứu Kinh tế Việt Nam mà tạp chí ấy phải trở thành không gian học thuật thu hút được mạng lưới các nhà khoa học uy tín quốc tế tham gia thảo luận. Do đó, JABES xây dựng một quy trình bình duyệt rất khắt khe và minh bạch. Tạp chí có tỷ lệ chấp thuận bài mỗi năm khoảng 12%, toàn bộ quy trình đánh giá và ra quyết định chấp thuận đăng bài kéo dài khoảng 190 ngày.
JABES-E có chỉ số trích dẫn (số lượng trích dẫn/số bài báo công bố) Citescore tạm tính cho giai đoạn 2018 – 2021 là 4,46. Trong đó, có bốn tiểu mục Tài chính (Finance), Kinh tế học và Kinh tế lượng (Economics and Econometrics), Kinh doanh và Quản trị quốc tế (Business and International Management) đều trong phân vị cao nhất Q1 (hay nhóm 25% có CiteScore cao nhất).
Được biết, Việt Nam hiện có 6 tạp chí khoa học tự nhiên được chấp nhận vào hệ thống cơ sở dữ liệu của SCOPUS.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị