Đôi lời cảm nhận về cuốn sách “Bàng Ái Thơ – Cuộc đời & Sự nghiệp”
(Xây dựng) – Cách đây ít lâu, tôi được nhà văn/dịch giả Khánh Phương yêu cầu nhờ căn chỉnh kỹ thuật thiết kế dàn trang và góp ý trang bìa của cuốn sách “Bàng Ái Thơ – Cuộc đời & Sự nghiệp”. Không có ý định đi sâu vào nội dung cho đến khi, tôi vô tình chạm mắt vào một số nội dung ngay từ phần đầu. Rồi rất tự nhiên, tôi bị cuốn hút ngay lập tức khi đọc cuốn sách này. Tôi thậm chí bỏ qua phần thiết kế chỉnh trang mà ban đầu có ý định chỉ ra cho tác giả thấy mà chính sửa thôi. Có lẽ, cuốn sách đã cho tôi nhiều điều thú vị để đọc, để hiểu rõ hơn về một nhân vật.
Bìa sách “Bàng Ái Thơ – Cuộc đời & Sự nghiệp” |
Được biết, Khánh Phương là tác giả thiên viết về những câu chuyện tình lãng mạn nhưng cũng say mê viết thể loại truyện ký. Với nữ tác giả này, truyện ký với chị là một sáng tạo bắt nguồn từ cảm xúc. “Đó là một hành trình của nhiều bài học, của sự tìm kiếm để thấu hiểu thế giới xung quanh nhân vật thông qua nhãn quan tác giả. Sử dụng ngôn từ có thể là của chính nhân vật, cũng có khi ý tứ tự nó tuôn trào bay bổng, hòa quyện theo dòng sự kiện một cách ngẫu nhiên”.
Theo Khánh Phương, cuốn sách này không “đao to búa lớn”, chỉ là những quan sát rung động mà tác giả được biết, được nghe, được hiểu cho đến thời điểm này về nhà thơ, nhạc sỹ, họa sỹ Bàng Ái Thơ. “Những gì tôi viết trong đây là xúc cảm chủ quan vừa vặn cho một khoảnh khắc của không gian, thời gian, với một con người cụ thể. Không mong nhận sự chỉ trích, bàn tán hay đại loại gì đó tương tự. Tôi viết về những mẩu chuyện khiêm nhường mà trái tim mách bảo. Những mẩu chuyện chia sẻ trong cuốn sách nhỏ này chỉ như hạt cát ngoài bờ sông. Nó vốn dĩ nhỏ nhoi nên có thể dễ dàng phôi pha. Không thể đủ sức chạm tới ai, hoặc nếu có, may mắn lắm thì có thể làm cay mắt của một người. Và có lẽ chỉ thế thôi, cũng đủ hạnh phúc thay!”, nhà văn/dịch giả Khánh Phương.
Nhà văn/dịch giả Khánh Phương. |
Tôi đã gặp nữ sĩ Bàng Ái Thơ vài lần và có biết chị là ái nữ của nhà thơ, họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên. Nhưng tôi không quá để tâm vì thời gian ấy tôi bận công việc, phần vì tôi là người ngoại đạo. Tôi thích đọc sách, thích văn chương nhưng tham gia viết lách không nhiều. Thế nhưng, qua nội dung cuốn sách, tôi khâm phục ý chí và nghị lực của người nghệ sỹ ấy. Chị được sinh ra trong một dòng họ của những người con tài hoa như ông nội là nhà nho uyên bác, cụ Nghị Bắc kỳ; bố là nhà thơ, họa sỹ Bàng Sĩ Nguyên; bác ruột là thi sĩ Bàng Bá Lân. Chị có năng khiếu văn học nghệ thuật tuy nhiên, dẫu sao chị là phụ nữ. Nhưng không vì “ba chìm bảy nổi”, không chịu đầu hàng số phận, mà luôn biết cách vươn lên nghịch cảnh.
Đây chính xác là bài học, là tấm gương sáng cho nhiều chị em phụ nữ Việt Nam. Dẫu ngày nay, cũng có nhiều phụ nữ thành danh, giỏi giang việc nước việc nhà nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ nữ có lối sống ủy mị, phụ thuộc, yếu đuối. Vì thế, họ đánh mất tài năng, đánh mất giấc mơ, đánh mất ý chí vươn lên.
“Sinh ra trong một gia đình, một dòng tộc danh giá đã có những nhân sĩ của nhiều thế hệ từng đóng góp đáng kể cho nền văn học nghệ thuật nước nhà. Những áng văn, thơ, hội hoạ, nhiếp ảnh, âm nhạc của các bậc tiền hiền trong dòng tộc của tôi còn là những tác phẩm để đời. Họ không chỉ ghi tên tuổi trong nước mà trên thế giới cũng từng vang tên họ. Tôi luôn nhìn vào tấm gương gia đình mà noi theo, mà bền bỉ phấn đấu nối tiếp truyền thống và ảnh hưởng của gia đình”, thật cảm phục biết bao và tự hào thay họ Bàng có con/cháu như chị Bàng Ái Thơ. Chị tự đặt trách nhiệm, tự nhủ lòng mình dẫu ông cha có thể chưa bao giờ áp đặt. Dẫu cuộc đời sóng gió, biết bao gian nan và mỗi khi không biết bấu víu vào đâu, chị lại tìm về tài năng nguồn cội của gia đình mà gắng gượng. Cùng với người thân, chị luôn ý thức gìn giữ, bồi đắp những si sản tinh thần của cha ông để lại.
Tôi sẽ không đề cập tới thơ ca, hội họa cũng như âm nhạc mà ở đây tôi chỉ xin phép đề cập đến một phần khía cạnh về con người, về nhân cách mà thôi. “Có những nỗi buồn mà tôi không thể chia sẻ được với ai, không có người đồng cảm, tôi mượn thơ ca, sáng tác nghệ thuật để trải lòng, để giãi bày tâm trạng, đời sống nội tâm của mình”, đó là lời giãi bày của nữ sĩ Bàng Ái Thơ với tác giả được đề cập trong cuốn sách. Thật đúng đắn, khi người phụ nữ gặp khó khăn trong cuộc sống, nhiều người tìm cách giải khuây tiêu cực như tự tử, làm điều phi pháp hoặc ngoại tình, làm điều sai trái với gia đình để hòng mong giảm nỗi đau, nỗi buồn của cuộc sống thường nhật. Thế nhưng, ở đây, Bàng Ái Thơ lại không làm như vậy bởi chị biết rõ, đó là điều không bao giờ có thể mang lại bình an đích thực.
Tôi biết có nhiều phụ nữ, nhất là trong thời đại số này, chị em phụ nữ có quyền bình đẳng, luôn tự cho mình cái quyền đi tìm niềm vui. Rất đúng, thế nhưng niềm vui ấy sẽ trở nên có hiệu ứng ngược lại nếu phương thuốc chữa lành sai cách. Tôi đồng cảm với nhận xét của nhà thơ Nông Thị Ngọc Hòa: “Bàng Ái Thơ là nữ sỹ sáng tác có trách nhiệm, chỉn chu với con chữ của mình… Cô ấy sống chân thành, có trách nhiệm không chỉ với thơ ca, mà với cả cuộc sống. Tôi rất ngưỡng mộ Bàng Ái Thơ”, (Câu chuyện Văn nghệ, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, 2020).
Vì sống có trách nhiệm, không muốn làm tổn thương người khác nên chị không bao giờ làm cái điều gọi là “đi tìm niềm vui trên nỗi đau của người khác”. Một người nghệ sỹ thì luôn có tâm hồn nhạy cảm, dễ yêu, dễ ghét, dễ rung động và tôi chắc chắn, chị có thể cũng phải gồng mình để nhiều lần chống chọi với cám dỗ nào đó (là tôi đoán thế, còn nếu không phải thì xin lỗi chị bỏ qua cho sự đường đột này). Thế nhưng, chị thà chịu thiệt, chịu khổ về mình còn hơn là “giật kéo/giành” về mình phần ấm áp, để phần lạnh lẽo cho người. Đó là đức tính mà tôi tâm đắc nhất khi biết hơn về chị, thông qua cuốn truyện ký này.
Điều thú vị tiếp nữa, thông qua cuốn sách để hiểu hơn về một họa sỹ như chị. Trong phần I, sách có đề cập tới “Những tác phẩm hội họa được “chốt” ngay sau khi khai trương”. Tôi cũng như nhiều người, không hiểu gì nhiều về hội họa nên miễn bàn, mà ở đây chỉ muốn nói đến khía cạnh về một sự thật. Đó là những bức tranh từ những lao động nghệ thuật đích thực. Chị lao động nghệ thuật và được đón nhận, được trả công với những gì mình tâm huyết. Điều đó khẳng định, chị là người con đáng tự hào khi gìn giữ, phát huy giá trị tinh thần của dòng họ Bàng.
Rồi đến âm nhạc cũng vậy, chị từng được nhận 3 giải thưởng âm nhạc. Lạ một điều, nhà văn/dịch giả Khánh Phương có nói với tôi “tìm trên google không thấy thông tin nào về giải thưởng của chi Bàng Ái Thơ. Hầu như rất ít thông tin trên báo đài về nữ sĩ này. Trong khi rất nhiều người chỉ được 1 giải nhỏ thôi cũng rầm rộ truyền thông”.
Trong khi chính nhạc sỹ Văn Tiến từng nhận xét “Bàng Ái Thơ có một tâm hồn rất nhạy cảm. Thông qua nhiều bài chị sáng tác, tôi thấy rất đặc biệt. Chị có lợi thế là nhà thơ nên viết ca từ rất đẹp, xúc tích, gọn gàng, rõ ràng. Âm nhạc dựa trên lời thơ của chị có sức biểu cảm, gợi mở, đang xen huyền bí và hấp dẫn… ”, (Câu chuyện Văn nghệ, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, 2020).
Điều đó nói lên ẩn ý gì? Đó chẳng phải Bàng Ái Thơ, một nghệ sỹ khiêm tốn sao? Chị được những giải thưởng nào có mấy ai biết đến? Muốn truyền thông thì đâu có khó. Lên mặt báo/đài thời nay quá dễ, ai cũng biết điều đó phải không? Chẳng phải nhân vật của chúng ta thật sự rất khiêm nhường hay sao? Chẳng phải chị rất dung dị, nhún nhường, cần kiệm hay sao?
Ngay cả cuốn sách này, nhà văn/dịch giả Khánh Phương bật mí cho tôi biết: “Đây là tôi tự nguyện viết cuốn sách này. Là do tôi cảm phục, tôi rung động nên thôi thúc viết ra. Là từ chủ ý của tôi, chứ Bàng Ái Thơ chưa khi nào yêu cầu, thậm chí cũng không biết điều tôi làm. Chị Bàng Ái Thơ rất khiêm nhường, chị ấy không bao giờ muốn ai khen tặng hay nói quá. Cuốn sách này vì thế rất khách quan”.
Sang phần II của cuốn sách, phần nói về khởi xướng Đồi Nghệ sỹ. Chị Bàng Ái Thơ là người khơi gợi về gây dựng một trung tâm văn hóa nghệ thuật của Ba Vì. Đó là nơi mà các văn nghệ sỹ có thể tới đây giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong sáng tác văn học nghệ thuật. Tôi cảm phục sự rộng lượng, lối sống Mạnh Thường Quân rất nhân văn ở chị. Trong thời đại nào cũng vậy, “Tấc đất tấc vàng” thế mà chị không đắn đo, không màng hơn thiệt, không chỉ nghĩ cho bản thân, mà nghĩ cho cộng đồng.
“Đất lúc này không còn là đất, mà đã trở thành “nghĩa” để yêu thương, trân trọng, dung dưỡng ước muốn lớn lao” – Chị “trao quyền” cho một số người để dựng lên những mái nhà chở che đời sống tinh thần nơi đây. Chọn hy sinh một đoạn lo lắng của mình để đổi lấy một đoạn vui cho người khác” – Thật tuyệt vời tấm lòng thơm thảo.
“Cảm giác hạnh phúc thực sự không quyết định bởi có bao nhiêu của cải, bao nhiêu mét đất, mà nằm ở sự tự do nơi trái tim. Chị không giữ lại cho riêng mình nhiều mét đất được ví như mét vàng, mét bạc. Mà chia nhỏ phần mình có, cho người đủ duyên. Rồi truyền cho họ tình yêu mảnh đất ấy, giúp họ chữa lành vết thương lòng của mỗi người hoặc cùng họ gieo duyên lành cho một ý tưởng mới”. Tôi vô cùng xúc động khi đọc đến đây. Hiểu thêm về một thi nhân đang hiện hữu. Chị, xứng đáng là người con ưu tú nhân văn của dòng họ Bàng.
Càng ngày tôi càng bị thu hút bởi những câu truyện kể nhỏ bé như thế này “Những thứ xa hoa không bao giờ có thể mang lại hạnh phúc nhiều như một ngày mở mắt nhìn thấy cái cây ngoài cửa sổ đã đơm hoa, kết trái; như lúc nghe được một tiếng chim từ đâu gọi bạn kéo về; như nhìn thấy người chị/người em/bạn bè gọi nhau í ới khoe nhau “em vừa làm xong bài thơ này, chị nghe thử nhé”; “chị vừa vẽ xong bức tranh này nè, nhìn đi…”.
Lời văn của nhà văn/dịch giả Khánh Phương có thể chưa hẳn hay hoặc kém mĩ từ nhưng tôi thích cái cách dẫn dắt câu chuyện, vẽ cho người đọc bức tranh nhân văn yên bình đến mức muốn đọc nhiều hơn nữa. Trong thời đại ai cũng muốn giành phần hơn, thì nữ sĩ Bàng Ái Thơ là một điển hình về tấm lòng yêu thương, chia sẻ. Có lẽ điều ấy một phần được thừa hưởng dòng máu nhân văn tốt bụng, phóng khoáng, thương người của dòng họ Bàng như những gì đã viết trong cuốn Bàng Gia Vọng Tộc “Lối sống Mạnh Thường Quân của gia đình nhà cụ Bàng Nguyên Dũng thể hiện ở nhiều khía cạnh, bao gồm “cho dựng nhà lập ấp, thu nhận cư dân tha hương từ các nơi đến khu phố Kép; Gia đình nhà cụ Nghị Dũng ở Kép là nơi hội ngộ nhiều văn nghệ sỹ thời bấy giờ. Nghệ sỹ nghèo nhất có thể tới đây giao lưu văn nghệ, ăn ở lưu trú tự nhiên cả tháng cả năm…”.
Quả đúng như tiêu đề trong tiểu mục của sách “Bàng Ái Thơ – Người bền bỉ phấn đấu nối nghiệp nhà trong văn học nghệ thuật” (phần I) và “Bàng Ái Thơ – người bền bỉ phấn đấu nối nghiệp nhà trong lối sống Mạnh Thường Quân (phần II). Không phải chỉ nối nghiệp nhà trong văn học nghệ thuật, mà còn nối nghiệp nhà trong đức ăn, đức ở, giàu lòng trắc ẩn, thương người từ thuở hồng hoang họ Bàng. Chị là tấm gương không phải chỉ cho con cháu họ Bàng noi gương, mà cho cả mọi người. Ai đó sẽ học được ở chị điều hay lẽ phải, muốn ở gần người lương thiện để “khiến mình an yên, ở gần người biết cho đi thì luôn có điều cho mình học hỏi. Học được cách giữ mình luôn bình an giữa cuộc đời này, cũng chính là thành công” như lời tác giả đề cập.
Bằng ngòi bút yêu thương của mình, tác giả Khánh Phương đã tặng cho độc giả một bức chân dung mộc mạc, gần gũi, chân thực của nữ sĩ Bàng Ái Thơ, một tấm lòng đẹp giữa đời, một bông sen ngát hương giữa đầm lầy, một ngọn lửa ấm giữa miên man u tối. Tuy nhiên, có lẽ do nguồn tư liệu khai thác chưa đầy đủ, nên trong cuốn sách này, phần nội dung về người mẹ của nữ sĩ, cũng như cuộc hôn nhân thứ nhất và thứ hai đầy sóng gió, nhiều ẩn ức của nữ sĩ vẫn còn chưa làm độc giả thỏa mãn. Dường như đó chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Nhưng cũng có thể, phải cần đến một cuốn tiểu thuyết được đầu tư kỹ lưỡng, thì mới có thể làm hiển lộ kho báu còn ẩn kín đó chăng? Dẫu sao, cuốn sách này cũng đã cho độc giả Việt Nam, nhất là độc giả nữ, cảm giác được chia sẻ, cảm thông, và những bài học quý từ hiện thực cuộc đời nữ sĩ.
Nguồn: Báo xây dựng