Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/5/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất ngày 8/5/2023

Tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/5/2023. Cập nhật tin tức môi trường 24h mới nhất, nóng nhất hôm nay 8/5/2023 trên Môi trường và Đô thị.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Nghị quyết của Chính phủ về việc ủy quyền quyết định giá đất

Nghị quyết nêu rõ: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Kết luận số 14-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Bộ Chính trị và tình hình thực tế của địa phương thực hiện uỷ quyền cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện:

  1. Quyết định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư; tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá đất đối với diện tích vượt hạn mức khi nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở cho hộ gia đình, cá nhân; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
  2. Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất, thành viên Hội đồng bao gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện làm chủ tịch hội đồng và lãnh đạo cơ quan tài chính cấp huyện làm thường trực Hội đồng; lãnh đạo cơ quan tài nguyên và môi trường, các cơ quan chuyên môn cấp huyện có liên quan và lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất; tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất hoặc chuyên gia về giá đất và các thành viên khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc tổ chức xác định giá đất.

Nghị quyết cũng yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc quyết định giá đất cụ thể được uỷ quyền theo quy định trên; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã uỷ quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình uỷ quyền; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân.

Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (6/5/2023) và thực hiện đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua thay thế Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành.

Cảnh báo ngập lụt khu vực nội thành Hà Nội

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện khu vực nội thành Hà Nội đã có mưa vừa, mưa to. Từ 10h đến 15h ngày 8/5, khu vực nội thành Hà Nội và các vùng lân cận vẫn tiếp tục có mưa.

tm-img-alt
Ảnh minh họa

Đợt mưa này có khả năng sẽ gây ngập úng cho nhiều tuyến phố nội thành từ 0,3m đến 0,4m như các tuyến phố: Thụy Khuê, Lạc Long Quân (Tây Hồ); Đội Cấn, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Cao Bá Quát (Ba Đình); ngã tư Phan Bội Châu-Lý Thường Kiệt, Phùng Hưng, Bát Đàn, Đường Thành (Hoàn Kiếm); Nguyễn Khuyến, Trường Chinh, Thái Hà, hầm Kim Liên, Lê Duẩn, Chùa Bộc, Tôn Thất Tùng, Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa); Vương Thừa Vũ, Quan Nhân, Nguyễn Tuân, Nguyễn Trãi (Quận Thanh Xuân); Minh Khai, Thanh Đàm (Hai Bà Trưng); Yên Hòa, Cầu Giấy, Xuân Thủy, Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng, Tôn Thất Thuyết, Nam Trung Yên, Hoa Bằng, Nguyễn Phong Sắc, Duy Tân, Trần Quốc Hoàn, Tô Hiệu, Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy); Giải Phóng, Tân Mai, Nguyễn Xiển (Hoàng Mai); đường Phạm Văn Đồng, ga Nhổn (Bắc Từ Liêm ); hầm chui dân sinh qua Đại lộ Thăng Long (Nam Từ Liêm); Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp (Long Biên); Mỗ Lao, khu đô thị Văn Phú, Lê Trọng Tấn (Hà Đông).

Các tuyến phố này chỉ ngập trong thời gian xảy ra mưa lớn và sớm kết thúc ngay sau khi mưa cường độ lớn kết thúc. Cấp độ rủi ro thiên tai do ngập lụt: Cấp 1

Tình hình giao thông trên các tuyến phố ngập sẽ bị ảnh hưởng, gây tắc nghẽn cục bộ hoặc nhiều phương tiện giao thông sẽ gặp khó khăn khi di chuyển.

Bắc Ninh: Xác minh, làm rõ hiện trạng ô nhiễm tại làng nghề bún Khắc Niệm

Thời gian gầy đây, dư luận xã hội phản ánh nước thải từ làng nghề sản xuất bún phường Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh) ra kênh Tào Khê bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của người dân. Trước thực tế trên, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiên Du, thành phố Bắc Ninh và thị xã Quế Võ tiến hành xác minh, làm rõ hiện trạng ô nhiễm để có phương án xử lý hiệu quả.

tm-img-alt
Nước chảy qua con mương ở cánh đồng ven khu Tiền Trong, phường Khắc Niệm đặc sệt như cháo, sủi bọt trắng, bọt vàng. Ảnh: Internet

Xác minh thực tế cho thấy, kênh Tào Khê là nơi tiếp nhận nước thải của làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm và nước thải của các đơn vị thuộc Công ty Cổ phần tập đoàn DABACO tại phường Khắc Niệm, (thành phố Bắc Ninh). Các đơn vị chức năng xác định rõ, nguồn phát thải nằm trên thượng lưu của kênh Tào Khê do hoạt động sản xuất bún xả nước thải ra ngoài môi trường bị phân hủy, lên men bốc mùi hôi thối, dòng nước đặc, xủi tăm bọt và có lẫn nhiều rác thải, gây ảnh hưởng tới nước mặt dưới hạ lưu của kênh Tào Khê. Đây cũng là nguyên nhân chính gây hiện tượng nước kênh Tào Khê có màu đen và bốc mùi hôi, thối đoạn từ xã Hiên Vân (Tiên Du) đến phường Yên Giả (thị xã Quế Võ) và ảnh hưởng xuống các vị trí khác thuộc hạ lưu kênh Tào Khê nằm trên địa bàn thị xã Quế Võ.

Theo ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường: Để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước kênh Tào Khê phải triển khai ngay các giải pháp xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm nước thải của làng nghề bún Khắc Niệm. Tổ chức tu bổ, nạo vét, vớt bèo tại kênh mương; Công ty cổ phần Thoát nước và Xử lý nước thải Bắc Ninh thực hiện nạo vét hệ thống thoát nước; kịp thời cải tạo, sửa chữa những hư hỏng trên hệ thống thoát nước. Đề nghị UBND huyện Tiên Du chỉ đạo các xã tổ chức tu bổ, nạo vét, làm sạch tuyến kênh Tào Khê chảy qua địa bàn huyện; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung huyện Tiên Du; giám sát các cơ sở sản xuất có phát sinh nước thải ra kênh Tào Khê; tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức, không xả chất thải rắn sinh hoạt ra kênh Tào Khê. Có như vậy mới giảm hiện tượng ô nhiễm như hiện nay.

Vấn đề ô nhiễm môi trường tại làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm một phần do chất thải và nước thải từ các hộ chăn nuôi, song chủ yếu từ nước thải sản xuất bún có nồng độ hữu cơ cao, nước thải sau khi ngâm gạo được xả ra ngoài môi trường bị phân hủy, lên men, bốc mùi gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân và nguồn nước tưới cho nông nghiệp. Hiện nay, toàn phường có 207 hộ làm bún và chăn nuôi, chủ yếu sản xuất đơn lẻ, quy mô hộ gia đình, nằm rải rác, xen kẽ trong khu dân cư, tổng lượng nước thải sản xuất khoảng 4.500-5.000 m3/ngày đêm nên vấn đề nước thải rất khó giải quyết.  

Trước mắt, thành phố chỉ đạo phường Khắc Niệm tích cực tuyên truyền, vận động các hộ xây dựng bể Biogas, đạt 99,5%, tuy nhiên việc xử lý qua bể biogas chỉ sơ bộ, giảm một phần ô nhiễm. Theo bà Nguyễn Hồng Linh, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố: Phòng phối hợp, hướng dẫn phường Khắc Niệm thí điểm thực hiện xử lý nước thải tại 2 ao trước khu phố Tiền Ngoài bằng chế phẩm sinh học và vớt bèo, hút bùn góp phần làm giảm ô nhiễm nguồn nước, tổng kinh phí là 200 triệu đồng. Từ năm 2018, thành phố phê duyệt Dự án cải tạo Công trình xử lý nước thải làng nghề làm bún, công suất 400 m3/ngày; giao Công ty Cổ phần Thoát nước và Xử lý nước thải Bắc Ninh vận hành trạm xử lý nước thải tại Khắc Niệm. Tuy nhiên hiện nay công suất và công nghệ xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Bắc Giang: Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục đôn đốc, yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng khẩn trương hoàn thiện thủ tục chấp thuận chủ trương nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án khai thác khoáng sản theo quy định. Đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác đối với các điểm mỏ khoáng sản đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng để đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng (đất san lấp, đắp nền, cát sỏi) cho các dự án, công trình xây dựng của tỉnh.

Chỉ đạo Tổ kiểm tra tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản tại một số dự án trên địa bàn tỉnh. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về khoáng sản và bảo vệ môi trường theo thẩm quyền, đúng quy định, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải thiết lập hồ sơ vi phạm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý.

tm-img-alt
Điểm khai thác khoáng sản tại thôn Trại Cá, xã Tân Quang (huyện Lục Ngạn) 

Sở Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ thiết kế kỹ thuật khai thác mỏ (ngoài khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và nguyên liệu sản xuất xi măng) của các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác trên địa bàn tỉnh.

Thanh tra tỉnh Bắc Giang giám sát chặt chẽ hoạt động của Đoàn thanh tra liên ngành trong quá trình thực hiện công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, môi trường và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 06 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kịp thời báo cáo, chủ động đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ khác phát sinh trong quá trình thanh tra các doanh nghiệp được cấp phép khai thác trên địa bàn tỉnh theo quy định hiện hành.

Cục Thuế tỉnh tiếp tục tăng cường công tác quản lý thuế, phí trong khai thác khoáng sản. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan liên quan kiểm tra hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế, phí đối với nhà nước của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những vi phạm về thực hiện nghĩa vụ thuế, phí theo quy định hiện hành.

Công an tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp công tác. Tập trung lực lượng nắm, quản lý địa bàn, đối tượng để đưa ra biện pháp phòng ngừa, đấu tranh phù hợp, hiệu quả đối với hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Kiên quyết đấu tranh, đề xuất xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về tải trọng phương tiện, vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, ra ngoài phạm vi tỉnh Bắc Giang, đổ đất không đúng địa điểm được cấp phép.

UBND huyện, thành phố tiếp tục quán triệt, xác định công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của địa phương. Khẩn trương ban hành quy chế phối hợp với các địa phương cấp huyện giáp ranh trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Thừa Thiên – Huế: Thả cá thể vích hơn 100 kg về môi trường biển

Mới đây, Đồn Biên phòng Lăng Cô (Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với các cơ quan liên quan thả cá thể vích về môi trường tự nhiên.

Cá thể này do ông Nguyễn Hữu Lai (SN 1953, trú tại tổ dân phố An Cư Đông 2, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) trong quá trình khai thác thủy sản ở khu vực giữa đầm nước Lập An (Lăng Cô) thì phát hiện.

Nhận tin báo, Biên phòng Lăng Cô đã đến hiện trường, qua ghi nhận thì cá thể vích này nặng hơn 100 kg.

z4316309221186_21a20446f5a810e001af3690949d1db2.jpg
Lực lượng chức năng thả vích về biển

Sau đó, lực lượng biên phòng đã phối hợp với chính quyền địa phương và Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân thả cá thể vích về lại với môi trường tự nhiên tại bờ biển Lăng Cô.

Được biết, những năm gần đây, nhiều cá thể vích, rùa… hay dạt vào bờ biển Thừa Thiên – Huế và đều được ngư dân phát hiện, báo cho cơ quan chức năng để thả về môi trường tự nhiên.

Sạt lở ở Cần Thơ, 10 căn nhà bị đe dọa

Vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 2h15 sáng ngày 8/5, ông Huỳnh Tài Lợi (sinh năm 1965, ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Khánh) kể: khoảng 2 giờ đêm, khi nghe thấy tiếng động lạ nghi là sạt lở, ông Lợi cùng người thân trong nhà đã kịp chạy ra và di chuyển một số đồ đạc có thể.

Nhận được thông tin, khoảng 3 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng của địa phương đã có mặt đông đủ để hỗ trợ sơ tán, di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Sạt lở ở Cần Thơ, 10 căn nhà bị đe dọa - Ảnh 1.
Vụ sạt lở xảy ra trong đêm tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền.

Ông Nguyễn Trung Nghĩa – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) cho biết: “Đây là 1 vụ sạt lở nghiêm trọng. Biện pháp khắc phục đang được ưu tiên thực hiện là hỗ trợ người dân di dời đến nơi ở mới tạm thời để đảm bảo an toàn. Thiệt hại về tài sản theo thống kê ban đầu của các ngành chức năng là khoảng hơn 10 tỉ đồng. May mắn, không có thiệt hại về người”, ông Nghĩa thông tin thêm.

Thống kê sơ bộ 10 căn nhà đã bị lở mất một phần xuống sông.

Theo ông Nguyễn Quí Ninh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi TP Cần Thơ, qua đánh giá có thể thấy đây là một vụ sạt lở rất nguy hiểm. “Theo khảo sát sơ bộ tại hiện trường sạt lở còn xuất hiện nhiều vết nứt rất nguy hiểm, trong đó có nhiều vết nứt sát với đường tỉnh 923. Nhận định sạt lở sẽ còn diễn biến phức tạp và tiếp diễn trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng sẽ tiếp tục rà soát, khảo sát cụ thể hiện trường để có thể lên các phương án một cách căn cơ, bày bản trong thời gian tới”.

Trước nguy cơ đó, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân di dời khẩn cấp đến nơi ở tạm thời khác để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản.

Sạt lở ở Cần Thơ, 10 căn nhà bị đe dọa - Ảnh 2.
10 căn nhà bị ảnh hưởng.
Sạt lở ở Cần Thơ, 10 căn nhà bị đe dọa - Ảnh 3.
Sạt lở ở Cần Thơ, 10 căn nhà bị đe dọa - Ảnh 4.
Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân sơ tán tài sản trong sáng 8/5.

Chi đoàn Công ty CP Môi trường đô thị An Giang góp sức vì môi trường xanh

Vừa qua, Chi đoàn Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang phối hợp Chi đoàn Xí nghiệp Môi trường đô thị Thoại Sơn cùng Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn) tổ chức tổng vệ sinh khu vực xung quanh nhà thi đấu đa năng huyện và đường lên đỉnh núi Sập.

tm-img-alt
Các đoàn viên thanh niên, Hội Phụ nữ và Hội Cựu chiến binh tham gia vệ sinh môi trường

Từ sáng sớm, đoàn viên thuộc các đơn vị, những cựu chiến binh đã có mặt tại “điểm hẹn” để chuẩn bị phương tiện, dụng cụ thực hiện những phần việc như: Quét dọn rác tuyến đường lên đỉnh núi Sập và khu vực xung quanh nhà thi đấu đa năng huyện Thoại Sơn. Một số đoàn viên có tay nghề thuộc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang tranh thủ cắt tỉa cây xanh đường phố, công viên trên địa bàn thị trấn Núi Sập.

Bí thư Chi đoàn Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang Mai Xuân Cầu cho biết, đây là một trong những công trình thanh niên thiết thực trong năm 2023 và hướng đến chào mừng 133 năm kỷ niệm Ngày sinh Bác Hồ. Đồng thời, giúp cho các đoàn viên nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cũng như phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự kỷ cương đô thị của đoàn viên, góp phần xây dựng văn minh đô thị. Qua đó, vận động quần chúng Nhân dân cùng chung tay thực hiện bảo vệ môi trường để quê hương Thoại Sơn ngày càng “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”.

Kiên Giang: Thả cá thể rùa biển nặng 80kg về đại dương

Sáng 8/5, Đồn Biên phòng Thổ Châu (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) cho biết, vừa vận động ngư dân tự nguyện thả cá thể rùa biển nặng khoảng 80kg về lại đại dương.

tm-img-alt
Cán bộ Đồn Biên phòng Thổ Châu đưa rùa ra biển thả về lại đại dương. (Ảnh: Đồn Biên phòng Thổ Châu cung cấp).

Sáng sớm cùng ngày, khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên vùng biển khu vực Bãi Dong, thuộc xã đảo Thổ Châu, Tổ công tác của Trạm Kiểm soát Biên phòng Bãi Dong, thuộc Đồn Biên phòng Thổ Châu, phát hiện 1 cá thể rùa biển mắc lưới của ngư dân Nguyễn Hải Đa (43 tuổi), trú xã Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang đánh bắt trên biển.

Xác định đây là loài bò sát biển nằm trong sách đỏ và danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ nên lực lượng làm nhiệm vụ đã tiếp cận và vận động, giải thích cho ngư dân Đa hiểu. Sau khi được giải thích, anh Nguyễn Hải Đa đã tự nguyện phối hợp cùng lực lượng Bộ đội biên phòng thực hiện thả cá thể rùa biển về lại đại dương. Được biết, cá thể rùa biển có chiều dài 1,2m; rộng 0,8m; trọng lượng khoảng 80kg.

Trước đó ít hôm, Phòng Bảo tồn biển và ngập nước nội địa, thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc phối hợp Đồn Biên phòng Xà Lực và Ủy ban nhân dân xã Bãi Thơm, thành phố Phú Quốc thả 3 cá thể rùa biển có tổng trọng lượng 274kg về với môi trường biển. Đây là 3 cá thể rùa do một hộ gia đình ở huyện Kiên Lương (Kiên Giang) trước đó đã mua lại từ các tàu khai thác thủy sản.

Nhận thấy đây là loại vật quý hiếm cần được bảo vệ nên gia đình này đã chủ động trình báo và giao nộp cho Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương. Sau đó, Phòng Kinh tế huyện Kiên Lương đã bàn giao cho Phòng Bảo tồn biển và đất ngập nước nội địa thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc tiến hành các bước thả cá thể rùa về tự nhiên.

Lũ lụt ở CHDC Congo: Số người thiệt mạng đã lên tới gần 400 người

Ông Thomas Bakenge – quan chức khu vực Kalehe, nơi có nhiều ngôi làng bị lũ lụt tàn phá nhất – cho biết ít nhất 394 thi thể được tìm thấy. Hơn 300 nạn nhân được chôn cất vào ngày 7/5, ba ngày sau trận lũ thảm khốc. Ông Delphin Birimbi, một lãnh đạo địa phương ở Kalehe, cho biết thêm còn hàng nghìn người vẫn mất tích.

Valet Chebujongo – nhà hoạt động chính trị tham gia cứu hộ ở Kalehe – cho biết hơn 170 nạn nhân đã được chôn trong 4 ngôi mộ tập thể. “Chúng tôi chôn họ trong một ngôi mộ không có quan tài”, Chebujongo nói.

Những cơn mưa xối xả trút xuống vùng Kalehe thuộc tỉnh South Kivu hôm 4/5 khiến các con sông tràn bờ, gây lở đất, nhấn chìm hai ngôi làng Bushushu và Nyamukubi. Ông Bakenge cho biết 142 thi thể được phát hiện tại Bushushu, 132 thi thể tại Nyamukubi và 120 thi thể được tìm thấy trôi nổi trên hồ Kivu xung quanh Idjwi, một hòn đảo giữa hồ núi lửa.

tm-img-alt
Thi thể nạn nhân được tìm thấy sau lũ lụt ở Kalehe, tỉnh Nam Kivu, CHDC Congo. Ảnh: AP

Tại làng Nyamukubi, nơi hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, các nhân viên cứu hộ và những người sống sót đang đào bới đống đổ nát để tìm kiếm thêm các thi thể trong bùn.

Anuarite Zikujuwa – người sống sót sau lũ quét – cho biết cô đã mất cả gia đình, bao gồm cả bố mẹ chồng và nhiều hàng xóm. “Cả ngôi làng đã biến thành một vùng đất hoang. Chỉ còn lại những viên đá và chúng tôi thậm chí không thể biết được khu đất của mình từng ở đâu”, cô nói.

Michake Ntamana – nhân viên cứu hộ giúp tìm kiếm và chôn cất nạn nhân – cho biết dân làng đang cố gắng nhận dạng và tìm kiếm thi thể những người gặp nạn. Ông cho biết một số thi thể bị cuốn trôi từ những ngôi làng cao hơn trên đồi đang được phủ lá cây. “Thật sự rất buồn vì chúng tôi không có gì ở đây cả”, ông nói.

Một người sống sót cho biết lũ quét đến quá nhanh khiến mọi người không kịp chạy thoát. Thống đốc South Kivu Theo Ngwabidje đã đến thăm khu vực này và cho biết chính quyền tỉnh đã gửi các nguồn cung cấp y tế, nơi trú ẩn và thực phẩm đến người dân gặp nạn. Hiện một số con đường chính đến khu vực đã bị mưa lũ làm hư hại, cản trở các nỗ lực cứu trợ.

Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Congo Felix Tshisekedi cho biết sẽ tổ chức quốc tang ngày 8/5 để tưởng nhớ các nạn nhân. Ông cũng cử một nhóm xử lý khủng hoảng đến South Kivu để hỗ trợ chính quyền địa phương.

Lũ lụt và sạt lở đất không hiếm ở South Kivu – nơi giáp ranh nước láng giềng Rwanda. Đầu tuần này, lũ lụt và lở đất ở Rwanda cũng khiến 129 người thiệt mạng. Mưa lớn trong những ngày gần đây đã khiến hàng nghìn người ở Đông Phi khốn khổ, trong đó Uganda và Kenya cũng bị ảnh hưởng.

T.Anh (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích