Tài chính trong xu hướng chuyển dịch của dòng vốn hướng đến kinh tế bền vững

(Xây dựng) – Hơn 50 cá nhân là các nhà khoa học, cán bộ tại cơ quan Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia thảo luận về vai trò của phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Hội thảo “Tài chính trong xu hướng chuyển dịch của dòng vốn hướng đến kinh tế bền vững”.

Tài chính trong xu hướng chuyển dịch của dòng vốn hướng đến kinh tế bền vững
PGS.TS Vũ Sỹ Cường trình bày về Tài sản mắc kẹt tại Hội thảo.

Theo DARA International, BĐKH có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do BĐKH ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030. Trao đổi tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Sỹ Cường – Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính Học viện Tài chính nhận định: “Các hậu quả của BĐKH như hiện tượng thời tiết cực đoan, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh, cộng với các thay đổi về chính sách, công nghệ, chuẩn mực xã hội trong bối cảnh Việt Nam và thế giới có nhiều cam kết mạnh mẽ tiến tới net Zero, sẽ tác động mạnh mẽ về cả đầu vào (cơ sở hạ tầng kinh doanh, yếu tố sản xuất, nguyên liệu đầu vào) và đầu ra (sản phẩm lỗi mốt, không đáp ứng tiêu chuẩn mới) của nhiều ngành nghề, gây nguy cơ mắc kẹt tài sản, thiệt hại kinh tế cho các ngành như năng lượng, nông nghiệp, giao thông, thủy lợi, du lịch và tài chính, ngân hàng. Do đó, một số khuyến nghị được đưa ra bao gồm: Phát triển thị trường carbon tự nguyện, định giá ngoại tác với môi trường để cân bằng lại các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư các-bon thấp và xem xét hỗ trợ qua các dự án PPP, hỗ trợ kinh phí cho việc hạn chế sử dụng hoặc ngừng sử dụng tài sản mắc kẹt, hỗ trợ phát triển và đa dạng hóa nền kinh tế để hạn chế rủi ro tài sản mắc kẹt”.

Trong bối cảnh này, việc định hướng kinh tế theo hướng phát triển bền vững là một giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế đến biến đổi khí hậu và ngược lại. Những năm gần đây, càng nhiều tổ chức tài chính công bố những cam kết về môi trường, ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững. Tại khu vực ASEAN, các cơ quan Chính phủ hay các tổ chức tài chính đã bắt đầu phát triển hoặc đưa hệ thống phân loại như một phần của các chính sách tài chính bền vững của mình để đảm bảo các khoản đầu tư tài chính đạt được những cam kết về chống BĐKH. Việt Nam cũng đã đang xây dựng hệ thống phân loại tài chính bền vững của riêng mình với dự thảo Danh mục phân loại xanh nhằm đóng góp cho những lợi ích bảo vệ môi trường.

Tài chính trong xu hướng chuyển dịch của dòng vốn hướng đến kinh tế bền vững
Toàn cảnh Hội thảo.

Ngoài ra, theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, có nhiều định nghĩa về tài sản mắc kẹt, nhưng nhìn chung các nhà khoa học đều thống nhất với khái niệm dùng thuật ngữ “tài sản mắc kẹt” để chỉ tài sản bị giảm giá, mất giá hoặc chuyển đổi thành nợ sớm hơn so với dự kiến. Tài sản mắc kẹt có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau như ảnh hưởng của những thay đổi liên quan đến yếu tố môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu, do rủi ro về tình hình tài chính, hoặc rủi ro về chính sách, rủi ro công nghệ… Ví dụ: Sự ra đời của điện thoại thông minh đầu thế kỷ 21 đã khiến cho các sản phẩm như máy tính cầm tay, đồng hồ báo thức, máy chụp ảnh trở nên khó tiêu thụ, và đây trở thành các tài sản mắc kẹt do sự thay đổi về công nghệ. Một ví dụ khác, sự biến đổi khí hậu đã làm các quốc gia thay đổi chính sách từ nền kinh tế nâu sang nền kinh tế xanh, khi đó, các công nghệ được sử dụng đều nhằm thúc đẩy việc giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên, vì vậy, các máy móc thiết bị với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng sẽ khó tiêu thụ và trở thành tài sản mắc kẹt.

Ths. Phạm Xuân Hòe – Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, chuyên gia tư vấn cho sáng kiến Tài chính công bằng Việt Nam (FFV) khuyến nghị: “Về lâu dài, hệ thống phân loại tài chính của Việt Nam sẽ cần tiệm cận đến các chuẩn mực khu vực và quốc tế, cân nhắc đến lộ trình thời gian chuyển đổi xanh, giảm phát thải CO2, để thu hút được dòng vốn quốc tế. Ngoài ra, hệ thống này cũng cần đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ với các chính sách khác như thuế, phí, đấu thầu chi tiêu công xanh, thị trường carbon… giúp ngân hàng và các doanh nghiệp yên tâm trong quá trình đầu tư xanh mang lại hiệu quả”.

Ths. Phạm Xuân Hòe cũng nhận định: Hệ thống phân loại tài chính bền vững là một hệ thống phân loại nhằm để miêu tả, đưa ra những nguyên tắc, quy định chung hay nguyên tắc chi tiết, những tiêu chuẩn kỹ thuật và những tiêu chuẩn đòi hỏi các công ty, hoạt động kinh tế, dự án phải đáp ứng được nhằm mục tiêu về tài chính bền vững.

Việc xây dựng hệ thống phân loại tài chính nhằm làm rõ một chính sách tài chính bền vững hoặc định hướng các khoản đầu tư, tín dụng của ngân hàng và nhà đầu tư để đạt được và/hoặc hỗ trợ cho quá trình chuyển dịch hướng đến những mục tiêu về phát triển bền vững. Bên cạnh đó, hệ thống phân loại tài chính còn là công cụ ngăn ngừa những tuyên bố gây nhầm lẫn về những hoạt động kinh tế hay dự án được đầu tư, cho vay được cho là có tác động tích cực đến khí hậu, môi trường, xã hội hay bền vững nhưng thực tế không hẳn là như vậy, nó thường được gọi là ‘tẩy xanh’ (greenwashing). Cuối cùng, Hệ thống phân loại tài chính giúp xây dựng niềm tin và ý hiểu chung về những hoạt động kinh tế, công ty hay dự án được đầu tư, cho vay có những tác động gì cho sự phát triển bền vững.

Cũng tại Hội thảo, các khách mời đã có cơ hội cùng nhìn nhận mức độ ảnh hưởng của rủi ro tài sản mắc kẹt đến ngành nghề liên quan và cụ thể đến đơn vị công tác, cũng như sôi nổi thảo luận và trao đổi về thực trạng điều chỉnh dòng vốn vào trái phiếu xanh, tín dụng xanh, hay danh mục đầu tư xanh của ngân hàng và quỹ đầu tư; các giải pháp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo điều kiện để dòng vốn xanh được đi đến đúng đối tượng một cách nhanh chóng và lan tỏa nhất. Sau buổi Hội thảo, các khách mời sẽ có những chính sách thiết thực tại đơn vị công tác góp phần thúc đẩy chiến lược phát triển bền vững. Trong thời gian tới, Công ty TNHH Không vì lợi nhuận Choice sẽ tiếp tục tổ chức các Hội thảo về phát triển bền vững nhằm thúc đẩy các hành động hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích