Đường sắt Nhổn – ga Hà Nội đội vốn gần 2.000 tỷ đồng

Đường sắt Nhổn – ga Hà Nội đội vốn gần 2.000 tỷ đồng

UBND TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009-2022 thành 2009-2027, điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 1.916 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội vừa có Tờ trình số 104/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn – ga Hà Nội.

Tại tờ trình này, có 2 nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án được UBND TP Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Thứ nhất, UBND TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009-2022 thành 2009-2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng), trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2023 và đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào năm 2027 (gồm cả đoạn ngầm).

Thứ hai, UBND TP Hà Nội xin điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 34.826 tỉ đồng (tăng thêm 1.916 tỉ đồng, trong đó ngân sách thành phố tăng 3.895,93 tỉ đồng và giảm vốn vay ODA 1.979,93 tỉ đồng).

Cơ cấu nguồn vốn đầu tư sau điều chỉnh sẽ gồm vốn vay ODA trị giá 24.781,99 tỉ đồng; trong đó, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trị giá 374,62 triệu USD, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) 158,77 triệu euro, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) 125,5 triệu euro, vay của Chính phủ Pháp 355,41 triệu euro và vốn ngân sách TP Hà Nội trị giá 10.044,01 tỉ đồng.

Theo UBND TP Hà Nội, hiện nhiều hợp đồng gói thầu không thể gia hạn và thanh toán do dự án chưa hoàn thành các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, nhưng chủ đầu tư vẫn phải thúc các nhà thầu tiếp tục triển khai các hạng mục công việc để bảo đảm tiến độ khai thác vận hành đoạn trên cao trong năm 2023.

Vì vậy, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thống nhất việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án gồm thi công, giải ngân, thanh toán cho nhà thầu và rà soát, đàm phán điều chỉnh các hiệp định vay, các hợp đồng gói thầu… đồng thời với việc thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư để không làm gián đoạn quá trình thực hiện Dự án.

tm-img-alt

UBND TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ 2009-2022 thành 2009-2027, điều chỉnh sơ bộ tổng mức đầu tư dự án tăng thêm 1.916 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)

Cũng tại tờ trình này, UBND TP Hà Nội nêu ra một số nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc dự án bị chậm tiến độ.

Trong đó, chậm trễ trong công tác giải phóng bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật để bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án.

Năng lực triển khai thực hiện dự án của chủ đầu tư và sự phối hợp giữa tư vấn, chủ đầu tư và các sở, ngành liên quan còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Dự án đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội là công trình lớn và phức tạp, lần đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam, do Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, tổ chức thực hiện nhưng không có tổng thầu, được phân chia thành 9 gói thầu xây lắp thiết bị chính, tạo ra nhiều giao diện giữa các gói thầu, làm phát sinh điều chỉnh thiết kế và vướng mắc, khó khăn trong quá trình lập, phê duyệt thiết kế điều chỉnh và dự toán phát sinh gây chậm trễ tiến độ.

UBND TP Hà Nội nhìn nhận năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư còn hạn chế, chưa am hiểu hết và đầy đủ về công nghệ, chưa có thực tiễn quản lý, điều hành dự án có quy mô lớn, có tính kinh tế – kỹ thuật cao, phức tạp…

Bên cạnh đó, Systra được chỉ định thầu là tư vấn thực hiện dự án (thực hiện các công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi; lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, hồ sơ mời thầu; hỗ trợ đấu thầu; giám sát thi công và hỗ trợ quản lý thực hiện dự án) thông qua Nghị định thư giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam, nên việc quản lý thực hiện và thương thảo, điều chỉnh hợp đồng của chủ đầu tư với tư vấn luôn gặp khó khăn.

Đơn vị tư vấn chưa cung cấp đầy đủ, hiệu quả cho chủ đầu tư các giải pháp giải quyết các vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là các vấn đề khác biệt giữa Hợp đồng FIDIC và quy định pháp luật Việt Nam hiện hành để quản lý bảo đảm bảo tiến độ dự án.

Đặc biệt, từ ngày 1/8/2021 đến 13/9/2021, tư vấn đã tạm ngừng huy động dịch vụ (lần thứ 3 từ khi triển khai Dự án đến nay), gây sức ép chủ đầu tư trong việc thương thảo, gia hạn hợp đồng.

Không chỉ đơn vị tư vấn ngoại, mà đơn vị nhà thầu nội duy nhất tham gia vào Dự án là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) thi công Gói thầu CP05 – Các công trình kiến trúc Đề pô (khu trung tâm điều khiển và bảo dưỡng, sửa chữa tàu) cũng liên tục khiến UBND TP Hà Nội và chủ đầu tư “thấp thỏm” về năng lực thi công.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích